Liệu ông Trump có thể đưa bé gái Nhật bị Triều Tiên bắt cóc trở về?
(Dân trí) - Gia đình Megumi Yokota, bé gái Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ cách đây 40 năm, xem sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump như một tia sáng thắp lên hy vọng về viễn cảnh đưa người thân mất tích của họ trở về quê nhà.
Ngày 15/11/1977, bé gái Nhật Bản Megumi Yokota đang rảo bước về nhà sau giờ học ở trường thì bất ngờ bị các đối tượng lạ mặt tiếp cận. Nơi cô gái 13 tuổi bị gặp nạn chỉ cách ngôi nhà của cô ở thành phố duyên hải Niigata, Nhật Bản vài trăm mét. Khi đó, các điệp viên đã nhanh chóng đưa Megumi lên một con thuyền và bắt cóc cô tới Triều Tiên.
Kể từ đó, gia đình Megumi chưa một lần nhìn thấy bóng dáng của con gái họ. Sau nhiều thập niên trôi qua, vụ bắt cóc cô gái này vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết tại Nhật Bản. Yokota là một trong số hơn 10 công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.
Mặc dù không có bằng chứng thực tế, nhưng gia đình Megumi luôn tin rằng người thân của họ vẫn còn sống. Họ đã đấu tranh từ nhiều năm nay để đưa Megumi trở về Nhật Bản và đoàn tụ với gia đình.
Vào năm 2002, tức 20 năm sau khi xuất hiện thông tin Triều Tiên có liên quan tới sự mất tích của Megumi, chính quyền Bình Nhưỡng mới chính thức thừa nhận các điệp viên nước này đã bắt cóc cô gái Nhật Bản và đồng ý trả tự do cho 5 người cũng từng bị bắt cóc như Megumi.
Theo thông báo từ Triều Tiên, Megumi tự sát vào năm 1994, tuy nhiên quá trình kiểm tra DNA phần tro cốt do Triều Tiên gửi cho phía Nhật Bản cho thấy đây không phải là Megumi.
Megumi được cho là đã kết hôn và có một con gái khi sống tại Triều Tiên. Chồng của Megumi cũng nói rằng vợ mình đã chết, song gia đình Megumi tin rằng đây chỉ là tuyên bố giả được đưa ra do bị cưỡng ép.
Theo một số nguồn tin, các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc với mục đích dạy tiếng và văn hóa Nhật Bản cho điệp viên Triều Tiên. Một điệp viên bị buộc tội đánh bom máy bay chở khách Hàn Quốc năm 1987 khiến 115 người thiệt mạng cho biết cô từng được Yaeko Taguchi, một phụ nữ Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc năm 1978, dạy tiếng Nhật.
Chuyến thăm của Tổng thống Trump
Trong chuyến công du kéo dài 12 ngày tới một loạt quốc gia châu Á, trong đó có Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp với người thân của các nạn nhân từng bị Triều Tiên bắt cóc vào tuần tới.
Ông Tetsuya Yokota, 49 tuổi, một trong số các em trai của Megumi, cho biết ông tin rằng lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên sẽ tạo ra bước đột phá trong vụ việc của chị gái ông và mang lại hy vọng cho điều mà gia đình ông chờ đợi hàng chục năm nay, đó là đưa Megumi trở về quê nhà.
“Ông ấy (Tổng thống Trump) sẵn sàng sử dụng sức ép rất mạnh, và ông ấy luôn thực hiện những điều ông ấy tuyên bố. Nếu ông ấy nghe thấy lời thỉnh cầu của chúng tôi,… thì ngay cả khi điều đó không dẫn tới sự giải cứu trực tiếp (cho Megumi), tôi vẫn tin chắc rằng nó sẽ đưa tới những kết quả gián tiếp nào đó”, ông Tetsuya nói.
Triều Tiên là một trong những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump. Khác với lập trường kiên nhẫn của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, ông Trump đã chọn cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng. Nhiều nhà phân tích đã chỉ trích cách tiếp cận này vì cho rằng điều đó sẽ làm gia tăng nguy cơ hiểu lầm giữa hai nước và sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh hủy diệt. Tuy nhiên, ông Tetsuya không đồng tình với quan điểm này.
“Tôi nghĩ (nhà lãnh đạo Triều Tiên) Kim Jong-un rõ ràng đang cảm thấy áp lực vì ông Trump. Vì thế tôi hy vọng ông Trump tiếp tục đưa ra những tuyên bố (cứng rắn) như vậy”, ông Tetsuya nói thêm.
Ông Tetsuya cho rằng lập trường kiên quyết của Tổng thống Trump, cùng với các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt lên Triều Tiên, sẽ tạo thành cách tiếp cận cứng rắn và đem lại hướng giải quyết cho vụ việc của chị gái ông.
Tổng thống Trump từng đề cập tới vụ bắt cóc Megumi Yokota trong bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng đây là bằng chứng cho thấy việc Triều Tiên lạm dụng nhân quyền. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau đó đã mời ông Trump tới gặp gia đình các nạn nhân bị bắt cóc như trường hợp của Megumi Yokota.
“Ông ấy (Tổng thống Trump) đã nhận lời. Ông ấy cũng hứa sẽ làm những gì tốt nhất để giải cứu các nạn nhân Nhật Bản bị bắt cóc”, ông Tetsuya nói.
Tia hy vọng của gia đình
Sau khoảng thời gian dài chờ đợi trong vô vọng, gia đình Megumi cảm thấy đối với họ, thời gian dường như sắp hết. Ở độ tuổi ngoài 80, cha mẹ của Megumi đều đã già yếu. Tuy nhiên, ký ức của họ về cô con gái mất tích chưa khi nào phai nhạt.
“Megumi lúc nào cũng cực kỳ vui vẻ. Sự có mặt của chị ấy trong nhà chúng tôi giống như mặt trời vậy, luôn luôn nở nụ cười. Từ ngày chị ấy mất tích, gia đình Yokota trở nên u tối. Thậm chí cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể quên nụ cười của chị ấy”, ông Tetsuya chia sẻ ký ức về chị gái.
Người đàn ông 49 tuổi cũng lo lắng rằng việc ông công khai chỉ trích Triều Tiên có thể biến ông trở thành một mục tiêu bị tấn công.
“Nếu tôi đứng tại một sân ga để chờ tàu, tôi sẽ cố gắng để không đứng cạnh phần rìa. Một điệp viên Triều Tiên hoặc bất kỳ ai đó ủng hộ họ có thể sẽ đẩy tôi ngã về sau vì cho rằng tôi là vật cản cho họ. Tôi luôn nghĩ như vậy”, ông Tetsuya bộc bạch.
Tổng thống Trump không phải nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên từng tới gặp gia đình của các nạn nhân bị Triều Tiên bắt cóc. Năm 2006, cựu Tổng thống George W. Bush đã gặp mẹ của Megumi và mô tả đây là “một trong những cuộc gặp xúc động nhất kể từ khi ông trở thành Tổng thống Mỹ”. Sau đó, cựu Tổng thống Barack Obama cũng có cuộc gặp tương tự vào năm 2014.
Tuy nhiên, ông Tetsuya hy vọng cách tiếp cận cứng rắn chưa từng có tiền lệ của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên sẽ giúp gia đình ông tìm ra câu trả lời cho nghi vấn từ hàng chục năm nay về người chị gái mất tích.
“Việc những người có tầm ảnh hưởng thế giới như Tổng thống Trump tới thăm Nhật Bản là cơ hội tốt. Chúng tôi không thể để mọi người lãng quên về câu chuyện này”, ông Tetsuya nói.
Thành Đạt
Theo NBC