1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Liên Hợp Quốc thành lập Ủy ban Nhân quyền mới

Với đa số phiếu áp đảo, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua đã nhất trí thay thế cơ quan nhân quyền hiện nay bằng một Ủy ban Nhân quyền mới, bất chấp sự phản đối từ phía Mỹ.

Hầu hết các đại sứ từ 191 nước thành viên Liên Hợp Quốc đã vỗ tay vang dội khi chủ tịch Đại hội đồng Jan Eliasson thông báo kết quả cuộc bỏ phiếu: 170 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Đại sứ Mỹ John Bolton là một trong số những người không vỗ tay.

 

Cách đây 1 năm, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã đề xuất thay thế Ủy ban Nhân quyền hiện nay - bị dư luận chỉ trích vì đã cho phép một số nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng làm thành viên và dùng tư cách thành viên để bảo vệ tình trạng vi phạm nhân quyền ở nước khác.

 

Ủy ban Nhân quyền mới sẽ gồm 47 thành viên, thay vì 53 thành viên hiện nay. Thành viên của Ủy ban Nhân quyền mới sẽ gồm những nước được Đại hội đồng lựa chọn thông qua hình thức bỏ phiếu kín theo nguyên tắc đa số tuyệt đối (chỉ cần 96 nước tán thành là được chọn). Ủy ban sẽ nhóm họp định kỳ để xem xét tình trạng nhân quyền của tất cả các nước thành viên. Đại hội đồng có thể khai trừ bất kỳ nước nào ra khỏi Ủy ban Nhân quyền nếu nhận được số phiếu tán thành của hai phần ba số thành viên Đại hội đồng. Một phiên họp đặc biệt có thể được tổ chức nếu có ít nhất một phần ba số thành viên trong Ủy ban Nhân quyền tán thành - một điều khoản nhằm đối phó với những tình huống nhân quyền khẩn cấp.

 

Tổng thư ký Kofi Annan đã gọi nghị quyết này của Đại hội đồng là "một nghị quyết lịch sử, mang đến cho Liên Hợp Quốc khả năng cần thiết để bắt đầu một giai đoạn mới trong việc giám sát và thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới".

 

Mỹ đã bỏ phiếu chống vì cho rằng những ý tưởng cải cách của ông Kofi Annan là chưa đủ, nhưng tuyên bố sẽ hợp tác với Ủy ban Nhân quyền mới.

 

Washington muốn Ủy ban Nhân quyền có số thành viên ít hơn và được lựa chọn trên cơ sở những cam kết của họ đối với nhân quyền, và các quyết định của Ủy ban Nhân quyền chỉ được thông qua nếu có hai phần ba số nước thành viên tán thành.

 

"Chúng tôi không tin rằng Ủy ban nhân quyền mới sẽ hoạt động tốt hơn so với hiện nay", John Bolton, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, giải thích về quyết định bỏ phiếu chống. "Tuy nhiên, Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong cơ quan nhân quyền mới".

 

Theo Việt Linh

Vnexpress/BBC