Liên hợp quốc tạm ngừng các hoạt động giám sát tại Syria
(Dân trí) - Phái bộ giám sát viên của Liên hợp quốc tại Syria (UNSMIS) đã quyết định tạm ngừng các hoạt động giám sát, 4 ngày sau khi một thành viên giám sát đã bị tấn công khi đang tuần tra.
Trưởng phái bộ UNSMIS, Thiếu tướng Robert Mood, cho biết có hai lý do để đưa ra quyết định trên. Thứ nhất, để đảm bảo an toàn cho 300 quan sát viên đang có mặt tại Syria và thứ hai, để phản đối việc "các bên thiếu thiện chí trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình" cho Syria.
“Tình trạng bạo lực leo thang dữ dội hiện nay không chỉ đe dọa sự an toàn của các quan sát viên, mà còn gây trở ngại lớn cho hoạt động của họ. Trong bối cảnh đó, UNMIS buộc phải đình chỉ hoạt động tại Syria cho đến khi tình hình ổn định trở lại”, Thiếu tướng Robert Mood nói.
Cũng theo người đứng đầu phái bộ UNSMIS, trong thời gian trước mắt, các quan sát viên LHQ sẽ ở lại trong các căn cứ cho đến khi có chỉ thị mới. Việc xem xét nối lại hoạt động giám sát sẽ được cân nhắc cẩn trọng dựa trên tình hình thực tế hàng ngày.
Phái bộ UNSMIS được cử tới Syria từ ngày 12/4 để thực hiện sứ mệnh giám sát thỏa thuận ngừng bắn đề ra trong kế hoạch hòa bình 6 điểm của Đặc phái viên quốc tế LHQ-Liên đoàn Ảrập (AL) Kofi Annan.
Bộ Ngoại giao Syria cho biết đã nhận được thông báo của Tướng Robert Mood vào tối 15/6 và “hoàn toàn hiểu những quan ngại của người đứng đầu UNMIS”.
Trong khi đó, theo các nguồn tin mới nhất, trong đêm 15 và ngày 16/6, tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn tại khu vực Douma ở phía Bắc thủ đô Damascus và thành phố Homs ở miền Trung làm ít nhất 26 người thiệt mạng và hơn 1.000 gia đình đang mắc kẹt.
Phản ứng của các nước
Trong phản ứng đầu tiên, Nhà Trắng cho biết sẽ tham vấn với các đối tác quốc tế về các động thái tiếp theo sau khi các quan sát viên LHQ ngừng hoạt động.
“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi chính phủ Syria thực hiện các cam kết trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình, trong đó có việc tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn”, người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor nói.
Trong khi đó, đại diện của Pháp, quốc gia hăng hái nhất trong việc ủng hộ trừng phạt Syria, một lần nữa kêu gọi có hành động kiên quyết với chính quyền Damascus.
“Chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad đã vi phạm các cam kết ngừng bắn, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Vì vậy, HĐBA cần phải cân nhắc các hậu quả nghiêm trọng này để hành động.
Theo kế hoạch, năm nước thành viên thường trực của HĐBA LHQ sẽ tiến hành thảo luận về tình hình Syria bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Mehico vào đầu tuần tới. Mục tiêu cuộc gặp là nhằm thuyết phục Nga và Trung Quốc đồng ý với việc ban hành các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Syria.
Tuy nhiên, nhiều khả năng các bên vẫn chưa thể phá được thế bế tắc trong vấn đề này.