Liên Hợp Quốc đồng ý đưa lực lượng vũ trang tới Haiti
(Dân trí) - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép lực lượng an ninh đa quốc gia đến Haiti để chống lại các băng nhóm bạo lực đang hoành hành tại phần lớn thủ đô Port-au-Prince.
"Không chỉ là cuộc bỏ phiếu đơn thuần mà điều này thực tế thể hiện tình đoàn kết với người dân đang gặp khó khăn", Ngoại trưởng Haiti Jean Victor Geneus phát biểu trước hội đồng. "Đây là tia hy vọng cho những người đã phải chịu đựng quá lâu".
Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết do Mỹ và Ecuador soạn thảo, cho phép phái bộ hỗ trợ an ninh đa quốc gia được "thực hiện mọi biện pháp cần thiết", cụm từ hàm ý được dùng vũ lực.
Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu trắng do lo ngại việc cho phép sử dụng vũ lực toàn diện theo Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. 13 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận.
Theo đề nghị từ Trung Quốc, Hội đồng Bảo an cũng mở rộng lệnh cấm vận vũ khí hạng nhẹ và đạn dược của Liên Hợp Quốc để bao trùm toàn bộ các băng nhóm. Lệnh cấm vận trước đây chỉ áp dụng cho các cá nhân cụ thể.
Các quan chức Haiti cho biết súng được các băng nhóm sử dụng chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ.
"Đây là quyết định rất quan trọng. Nếu hội đồng thực hiện bước này sớm hơn, tình hình an ninh ở Haiti có thể đã không xấu đi như ngày nay", Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun nói với hội đồng sau cuộc bỏ phiếu.
Vassily Nebenzia, Đại sứ Liên bang Nga tại Liên Hợp Quốc, cho biết ông không phản đối nghị quyết này về nguyên tắc, nhưng lưu ý rằng việc cử lực lượng vũ trang đến một quốc gia ngay cả khi nước này yêu cầu "là biện pháp cực đoan cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng".
Tuy Hội đồng Bảo an đồng ý đưa "sứ mệnh hỗ trợ an ninh đa quốc gia" tới Haiti, đây không phải lực lượng chính thức của Liên Hợp Quốc, theo nghị quyết.
Phái đoàn cũng có mục đích tạo điều kiện cho các cuộc bầu cử, trong bối cảnh Haiti chưa thể tổ chức bầu cử kể từ năm 2016.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong một báo cáo gần đây cho biết tình hình an ninh ở Haiti ngày càng xấu đi do các thành viên băng đảng đông hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn cảnh sát.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Haiti đã ghi nhận gần 2.800 vụ giết người kể từ tháng 10/2022 đến tháng 6 năm nay, trong đó có 80 trẻ vị thành niên thiệt mạng.
Từ một năm trước, lãnh đạo Haiti đã kêu gọi Liên Hợp Quốc đưa lực lượng vào nước này để đảm bảo an ninh nhưng tổ chức đa phương này gặp khó khăn khi tìm kiếm quốc gia dẫn dắt phái bộ hỗ trợ an ninh.
Cuối cùng, Kenya đã xung phong vào tháng 7, cam kết triển khai 1.000 cảnh sát tới Haiti. Bahamas sau đó cam kết cử 150 người, trong khi Jamaica, Antigua và Barbuda cũng sẵn sàng giúp đỡ.
Mỹ không gửi người cùng tham gia nhưng cam kết cung cấp 100 triệu USD để hỗ trợ sứ mệnh đa quốc gia, với hỗ trợ về hậu cần và tài chính, có thể bao gồm hỗ trợ tình báo, không vận, liên lạc và y tế.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từng được triển khai tới Haiti vào năm 2004, sau cuộc nổi dậy và lật đổ Tổng thống Jean-Bertrand Aristide. Sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình rút vào năm 2017, cảnh sát Liên Hợp Quốc tới thay và cũng rời đi vào năm 2019.