1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Libya vẫn bất ổn sau khi chế độ Gadhafi sụp đổ

Đất nước này vẫn phải đối mặt với xung đột, chia rẽ, bạo loạn và nền kinh tế trì trệ do những tháng nội chiến.

Cách đây đúng một năm (20/10/2011), Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Libya đã chính thức tuyên bố về cái chết của cựu lãnh đạo Gaddafi, kết thúc cuộc chiến kéo dài tại Libya cũng như chế độ cầm quyền của ông Gaddafi. Nhiều nước cho rằng, cái chết của ông Gaddafi mở đường cho sự khởi đầu chính trị mới ở Libya. Tuy nhiên 1 năm sau sự ra đi của ông Gaddafi, quốc gia Bắc Phi này vẫn chìm trong bất ổn.

Người ta vẫn còn nhớ, chỉ vài ngày sau cái chết của ông Gaddafi, Libya đã tuyên bố “được giải phóng”. Hàng nghìn người đã kéo ra phố để đón mừng “tự do” và ăn mừng “chiến thắng”. Các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) thì tỏ ra “hoan hỉ”.

Một bộ phận dân chúng Libya ăn mừng khi hay tin ông Gaddafi qua đời (ảnh: abc.net.au)

Một bộ phận dân chúng Libya ăn mừng khi hay tin ông Gaddafi qua đời (ảnh: abc.net.au)

Tổng thống Mỹ Obama khi đó cho rằng, cái chết của ông Gaddafi “đặt dấu chấm hết cho một chương đau buồn” của người dân Libya. Lịch sử Libya bước sang một trang mới.

Tuy vậy, 1 năm sau cái chết của ông Gaddafi, Libya vẫn thường xuyên xảy ra những vụ bạo lực, xung đột, và đầy bất ổn. Dù hiện nay Libya đã có Quốc hội và Chính phủ, song chính quyền mới đang rất vất vả để giải quyết vấn đề an ninh, cũng như hòa giải các phe phái trong nước. Libya đang bị chia rẽ bởi các “yếu tố bộ lạc” gia tăng sau sự sụp đổ của chế độ nhà lãnh đạo Gaddafi. Sự đối đầu giữa những bộ lạc khác nhau, những liên minh bộ lạc là đặc trưng của đất nước Libya mới.

An ninh cũng là thách thức lớn mà chính quyền mới tại Libya phải đối mặt. Chủ tịch Quốc hội Libya Mohammad Magarief thừa nhận, không phải tất cả các khu vực của đất nước Bắc phi này đều được tự do hoàn toàn, chẳng hạn như thành phố Bani Walid- cách thủ đô Tripoli 160km về phía Nam. Khu vực này vốn là thành trì của ông Gaddafi, hiện nay vẫn chứng kiến các cuộc xung đột ác liệt khi quân đội cố gắng “áp đặt trật tự” nơi đây. Một số nhóm vũ trang trung thành với chế độ cũ của ông Gaddafi cho biết, đang chờ cơ hội hành động chống chính quyền. Trong khi đó, nhiều người dân chưa thực sự hài lòng về sự thay đổi do chính quyền mới mang lại.

Người đứng đầu Hội đồng địa phương thành phố Misrata Saleem Al Maal bày tỏ: “Người dân tại Misrata hi vọng sẽ thấy những kết quả tích cực từ sự thay đổi này - một cuộc cách mạng mang lại sự thay đổi thực sự. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy những thay đổi trong cơ cấu chính quyền mới. Một số thành viên trong chính quyền mới chưa thực sự hành động như những gì người dân mong muốn”.

Vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Libya vừa qua làm Đại sứ Mỹ thiệt mạng cũng là một hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh còn nhiều yếu kém tại quốc gia Bắc Phi này. Một cựu quan chức an ninh Mỹ tại Libya Wood nhận định: “Việt đảm bảo an ninh tại Benghazi vẫn là một thử thách lớn. An ninh chưa ổn định. Hơn nữa, một số báo cáo của Libya cho thấy tình hình ở nước này đang tồi tệ thêm. An ninh ngoại giao vẫn còn rất yếu kém”.

Cùng với những thử thách về chính trị và an ninh, kinh tế trì trệ cũng là điều mà Libya đang cố gắng khắc phục. Sau nhiều tháng chiến tranh, nền kinh tế Libya đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Mặc dù nước này đã khôi phục các hoạt động khai thác dầu, nhưng để làm sống lại thời kì hưng thịnh dưới chế độ của ông Gaddafi thì sẽ phải mất một thời gian dài. Tình hình kinh tế Libya vẫn trì trệ, cuộc sống của người dân  gặp không ít khó khăn.

Thực tế, không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền mới ở Libya trong 1 năm qua trong việc vực dậy đất nước sau nhiều tháng chiến tranh và bất ổn. Tuy nhiên, con đường phía trước đối với Libya còn đầy thử thách, chông gai để xây dựng nhà nước Libya mới - như mong muốn của người dân quốc gia Bắc Phi này.
 
Theo Phạm Hà
VOV