1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Libya trong cuộc bầu cử lịch sử

(Dân trí) - Hôm nay lần đầu tiên từ hơn 40 năm nay, người dân Libya được tự do đi bầu cử. Hơn 3 triệu cử tri sẽ chọn 200 đại biểu trên tổng số 3.700 ứng cử viên vào Quốc hội lập hiến đầu tiên của Libya thời kỳ hậu Gadhafi.

 

Nhân viên làm việc tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Tripoli ngày 6/7.

Nhân viên làm việc tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Tripoli ngày 6/7.

 

Theo tờ Libération bầu không khí tại thủ đô Libya trước ngày bầu cử có vẻ yên ắng lạ thường. Mới chỉ cách nay ba tháng, sự yên lặng đó là điều không tưởng khi mà một số thành phần nổi dậy vẫn ôm súng trên người và họ trực ở những bùng binh hay ngã tư lớn của thành phố. Cho đến gần đây, những người từng vùng lên chống Gadhafi từng coi họ là “những ông chủ mới” của Tripoli. Nhưng nay cảnh sát Libya trong bộ đồng phục màu trắng đã xuất hiện đông hơn trên đường phố thủ đô để giữ gìn trật tự, an ninh. Các đồn canh gác được đẩy lùi ra ngoài phạm vi thành phố.

 

Tháng 6/2012 Bộ Quốc phòng đã tuyển dụng 13.000 người, trong khi Bộ Nội vụ ký hợp đồng với 70.000 nhưng vẫn còn khoảng 200.000 dân quân vẫn ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Theo Libération, đây là một bằng chứng giải thích vì sao các thành phần dân quân thường xuyên mở chiến dịch tấn công ở các vùng xa thủ đô.

 

Nghiêm trọng hơn cả là hiện tại có nhiều bộ tộc Libya đến nay vẫn chưa thừa nhận chính phủ mới và cũng không có gì bảo đảm là những người lính mới vừa được tuyển sẽ trung thành với chính phủ. Cử tri Libya sẽ đi bầu cử trong thế bấp bênh này.

 

Le Figaro trong bài báo mang hàng tựa “Dân chủ, giờ đã điểm” phân tích về lợi thế của đảng Công lý và Tái thiết thuộc phe Hồi giáo. Đảng này được coi là đối trọng với Liên minh các Lực lượng Quốc gia, một đảng phái chính trị do cựu Thủ tướng Mahmoud Jibril thành lập.

 

Theo tác giả bài báo thật khó có thể đoán trước đảng nào sẽ chiếm lấy phần thắng nhưng chắc chắc một điều là tại Libya, “tôn giáo và các hoạt động kinh doanh luôn đi cùng với nhau”. Ngay cả tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã từng khẳng định: họ không làm bất cứ điều gì trái ngược với tinh thần của kinh thánh Koran, nhưng họ yêu chuộng “tự do kinh tế”, nhà nước không nên can thiệp vào lĩnh vực này.

 

Theo AFP