1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Libya bên bờ vực cuộc nội chiến "nồi da xáo thịt"

Những cuộc chiến đẫm máu bùng phát dữ dội giữa các phe nhóm vũ trang ở Libya có nguy cơ đẩy quốc gia Bắc Phi này rơi vào một cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt”.

Libya bên bờ vực cuộc nội chiến nồi da xáo thịt - 1

Xung đột giữa quân Chính phủ và các phe phái vũ trang ở Libya đang đẩy quốc gia Bắc Phi đến bờ vực của một cuộc nội chiến

Thông tin mới nhất từ Libya cho thấy các cuộc giao tranh ở khu vực phía Nam Thủ đô Tripoli của Libya vẫn diễn ra ác liệt bất chấp việc Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) ngày 7-4 đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn kéo dài 2 giờ ở khu vực này để tạo điều kiện cho công tác cứu trợ nhân đạo, sơ tán dân thường và những người bị thương. Người phát ngôn của UNSMIL Jean Alam cho biết, do không có việc ngừng bắn nên các nhóm hỗ trợ quốc tế vẫn chưa thể vào được các khu vực giao tranh.

Việc các lực lượng vũ trang ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) không thể ngừng bắn trong 1-2 giờ để sơ tán thường dân và người bị thương cho thấy sự không khoan nhượng cũng như khốc liệt của cuộc chiến nhằm quyền kiểm soát Thủ đô Tripoli hiện nay. Cuộc chiến này vừa bùng phát ngày 4-4 vừa qua khi lực lượng LNA của Tướng Khalifa Haftar kéo từ miền Đông Libya về giao chiến với quân của GNA được Liên hợp quốc hậu thuẫn.

Cuộc xung đột mới nhất giữa các lực lượng ủng hộ GNA và lực lượng đối lập mạnh nhất LNA có nguy cơ đẩy quốc gia Bắc Phi này rơi vào một vòng xoáy bạo lực mới, thậm chí có thể là kịch bản tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến với sự trợ giúp từ không kích của Mỹ và phương Tây để lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011. Trước đó, vào năm 2014, Libya từng diễn ra một cuộc chiến dữ dội tranh giành các vùng đất giữa các phe phái vũ trang khiến Liên hợp quốc phải vất vả mới có thể đưa các bên tới một thỏa thuận chính trị vào cuối năm 2015.

Những cuộc xung đột bạo lực diễn ra liên tiếp khiến quốc gia giàu có nguồn “vàng đen” này vẫn chưa thể có hòa bình và ổn định sau khi chính quyền ông Muammar Gaddafi bị lật đổ. Suốt hơn 8 năm qua, Libya đã rơi vào tình trạng chia năm xẻ bảy với hai thế lực lớn nhất là GNA kiểm soát khu vực Tây Nam đất nước và Thủ đô Tripoli, trong khi đó LNA kiểm soát và thành lập một chính quyền song song ở phía Đông. Người đứng đầu LNA, Tướng    Khalifar Haftar đóng vai trò quan trọng trong cuộc lật đổ ông Muammar Gaddafi và được coi là chỉ huy quân sự mạnh nhất ở Libya. 

Điều đáng nói là đằng sau GNA và LNA có thể thấy “bóng dáng” của nước ngoài. Dù được Liên hợp quốc và những quốc gia như Mỹ hậu thuẫn, song lực lượng của GNA lại yếu thế hơn nhiều so với LNA đang trỗi dậy mạnh mẽ với sự hậu thuẫn của một số nước Hồi giáo như Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE)… Lực lượng LNA hiện ước tính có tới 25.000 tay súng và được huấn luyện bài bản. 

Nguy cơ bùng phát cuộc nội chiến khốc liệt tại Libya đang khiến khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc, trong đó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Pháp đã có cuộc điện đàm để nhấn mạnh tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng của Libya hiện nay. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cũng kêu gọi tất cả các nhân tố bên ngoài kiềm chế mọi can thiệp vào công việc nội bộ của Libya. 

Tuy nhiên, nỗ lực của quốc tế hiện vẫn chưa đủ để mang lại một thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn, chứ chưa nói thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Trong khi xung đột giữa các lực lượng GNA và LNA leo thang, quân đội Mỹ lại thông báo tạm thời rút một số lực lượng khỏi Libya.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô