1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lệnh trừng phạt ngày càng “bóp nghẹt” Triều Tiên như thế nào?

(Dân trí) - Việc Triều Tiên không thể tiếp cận mạng lưới vệ tinh toàn cầu, buộc phải cắt giảm 2/3 số lượng ấn phẩm báo đảng hay gia tăng thâm hụt thương mại là những hệ quả mà Bình Nhưỡng đang phải gánh chịu từ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Cắt giảm báo in

Trang nhất của báo Rodong Sinmun ngày 13/2 đưa tin về chuyến thăm tới Hàn Quốc của phái đoàn cấp cao và đoàn nghệ thuật Triều Tiên. (Ảnh: Chosun)
Trang nhất của báo Rodong Sinmun ngày 13/2 đưa tin về chuyến thăm tới Hàn Quốc của phái đoàn cấp cao và đoàn nghệ thuật Triều Tiên. (Ảnh: Chosun)

Báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 21/2 dẫn một nguồn tin cho biết Triều Tiên gần đây đã cắt giảm 2/3 số lượng bản in của báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, do tình trạng thiếu giấy trong bối cảnh bị trừng phạt. Nguồn tin cho biết tính tới cuối năm 2017, Triều Tiên in khoảng 600.000 tờ Rodong Sinmun mỗi ngày. Tuy nhiên con số này hiện giảm xuống chỉ còn 200.000 tờ và Triều Tiên cũng dừng việc phát báo tới tận nhà.

Ra đời từ năm 1945, Rodong Sinmun là ấn phẩm được xuất bản dành cho các đảng viên của đảng Lao động Triều Tiên. Vào thời kỳ đỉnh cao hồi thập niên 1980, Rodong Sinmun đã in khoảng 1,5 triệu bản mỗi ngày. Con số này sau đó giảm xuống một nửa trong thời kỳ xảy ra nạn đói tại Triều Tiên vào những năm 1990. Cơ quan phụ trách xuất bản Rodong Sinmun là Ban tuyên truyền thuộc đảng Lao động Triều Tiên. Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hiện là người đứng đầu cơ quan này.

Theo Chosun, mặt hàng giấy của Triều Tiên thường khan hiếm và chất lượng thấp, do vậy Bình Nhưỡng thường nhập khẩu giấy từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế nên việc nhập khẩu giấy đang bị sụt giảm.

“Giấy không phải là mặt hàng nằm trong danh sách cấm, nhưng có vẻ như Triều Tiên không còn đủ ngoại tệ để mua giấy”, một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu nhà nước Hàn Quốc cho biết.

Khó khăn tài chính

Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul (Ảnh: AFP)
Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul (Ảnh: AFP)

Truyền thông Hàn Quốc nhận định Triều Tiên dường như đã bị cắt khỏi các mạng lưới vệ tinh quốc tế trong 8 tháng qua. Thông tin này tình cờ được phát hiện khi máy bay đặc biệt chở em gái ông Kim Jong-un tiến vào không phận Hàn Quốc vào ngày 9/2. Khi đó bà Kim Yo-jong là một thành viên trong phái đoàn cấp cao gồm 22 quan chức Triều Tiên tới Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông.

Theo dữ liệu từ Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, đơn vị kiểm soát không lưu Triều Tiên đã sử dụng một đường dây truyền tín hiệu trên mặt đất, thay vì mạng lưới thông tin vệ tinh toàn cầu, để báo tin cho đơn vị kiểm soát không lưu Hàn Quốc tại sân bay quốc tế Incheon rằng, máy bay chở bà Kim Yo-jong đã rời sân bay quốc tế Sunan Bình Nhưỡng để sang quốc gia láng giềng.

Do không thể kết nối qua mạng lưới vệ tinh, các kiểm soát viên của trạm kiểm soát không lưu Hàn Quốc buộc phải liên lạc với những người đồng cấp Triều Tiên thông qua điện thoại khi máy bay chở bà Kim Yo-jong bay từ Hàn Quốc về Bình Nhưỡng sau chuyến thăm Hàn Quốc. Thậm chí, ngay cả đường dây liên lạc cố định của Triều Tiên cũng không ổn định khi các kiểm soát viên Triều Tiên gặp khó khăn trong việc nghe các tín hiệu.

Theo Chosun, vì lý do nợ tiền nên Triều Tiên không thể sử dụng dịch vụ vệ tinh toàn cầu từ nhà cung cấp ở Hong Kong trong 8 tháng qua. Trước đó, Bình Nhưỡng từng gặp phải trường hợp tương tự khi không được sử dụng dịch vụ trong 40 ngày hồi năm 2015, cũng với lý do nợ tiền.

Thương mại

Một công nhân khảo sát than nhập từ Triều Tiên sang Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Một công nhân khảo sát than nhập từ Triều Tiên sang Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia kinh tế Lim Soo-ho tại Viên Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu từ Triều Tiên sang Trung Quốc được dự đoán giảm tới 94% trong năm nay, xuống mức chưa đầy 100 triệu USD. Năm 2017, hoạt động này đã giảm 37,3%, xuống còn 1,65 tỷ USD và đây là mức thấp nhất kể từ năm 2010 do các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, số liệu thống kê thương mại của Trung Quốc năm 2017 cho thấy kim ngạch xuất khẩu than anthracite, một mặt hàng chủ lực của Triều Tiên, sang Trung Quốc đã giảm 65,9% và không có hoạt động giao thương giữa hai quốc gia trong giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 7 cũng như từ tháng 10 tới tháng 12. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh đã tuân thủ các nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, bao gồm việc cấm nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng.

Triều Tiên sau đó đã tìm cách bù đắp thiệt hại bằng việc xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản khác cũng như các sản phẩm từ cá và may mặc. Tuy nhiên cách làm này vẫn không hiệu quả vì Liên Hợp Quốc sau đó tiếp tục ra nghị quyết cấm các nước nhập khẩu khoáng sản và cá của Triều Tiên.

Theo chuyên gia Lim, Triều Tiên có thể sẽ đối mặt với mức thâm hụt thương mại lên tới 1,58 tỷ USD trong năm nay. Năm 2017, mức thâm hụt thương mại của Bình Nhưỡng là 1,68 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2016.

Cũng liên quan tới những thách thức đối với Triều Tiên, Yonhap dẫn lời Chủ tịch Ủy ban tình báo quốc hội Hàn Quốc Kang Seok-ho cho biết ông đã nhận được một báo cáo phân tích nói rằng, nếu Triều Tiên tiếp tục phải hứng các lệnh trừng phạt quốc tế như hiện nay, tất cả thu nhập bằng ngoại tệ và tài sản ở nước ngoài của Bình Nhưỡng sẽ bị đóng băng và dự trữ ngoại hối của nước này sẽ cạn kiệt vào khoảng tháng 10 tới.

Theo ông Kang, các động thái hòa hoãn gần đây của Triều Tiên với Hàn Quốc, bao gồm việc mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng, là nhằm giảm sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Nhiều chuyên gia cũng đưa nhận định tương tự ông Kang.

Thành Đạt

Theo Chosun