1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lãnh đạo Hamas nêu điều kiện đàm phán hòa bình với Israel

An Hoàng

(Dân trí) - Lãnh đạo Hamas tuyên bố "một nhà nước Palestine độc lập" là điều kiện tiên quyết để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Israel.

Lãnh đạo Hamas nêu điều kiện đàm phán hòa bình với Israel - 1

Ông Ismail Haniyeh, nhà lãnh đạo chính trị của lực lượng Hamas (Ảnh: AFP).

"Hamas sẵn sàng đàm phán với Israel, hy vọng rằng các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ mang lại một nhà nước Palestine độc lập ở cả Bờ Tây và Dải Gaza", Ismail Haniyeh, nhà lãnh đạo chính trị của lực lượng Hamas, tuyên bố trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 13/12.

Ông Haniyeh cho biết thêm: "Chúng tôi sẵn sàng thảo luận bất kỳ thỏa thuận hoặc sáng kiến nào có thể chấm dứt cuộc xung đột này. Tuy nhiên, những sáng kiến đó phải chắc chắn đảm bảo quyền công dân của người Palestine đối với nhà nước độc lập của họ với thủ đô là thành phố Jerusalem".

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: "Sau khi các thỏa thuận được dàn xếp ổn thỏa, chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ nỗ lực viển vông nào nhằm phá hủy lực lượng Hamas và các nhóm vũ trang khác. Đồng thời, mọi thế lực chống đối đều sẽ phải tham gia vào tiến trình thương thảo này".

Bình luận của ông Haniyeh được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố không thể có một nhà nước Palestine độc lập. Thậm chí, nhà lãnh đạo Israel nói rằng sẽ "không bao giờ lặp lại sai lầm của Hiệp ước Oslo", một thỏa thuận hòa bình được ký kết năm 1993 nhằm tạo nền tảng cho một nhà nước Palestine.

Về mặt nguyên tắc, trước đây, Israel đã chấp thuận ý tưởng này. Tuy nhiên, trên thực tế, tiến trình thực thi Hiệp ước hòa bình Oslo từ lâu đã bị phá vỡ, gần như đóng băng trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên.

Đã 30 năm kể từ thời điểm ký kết hiệp định nhưng quân đội Israel tiếp tục kiểm soát Bờ Tây, nhanh chóng phát triển các tiền đồn định cư của người Do Thái, đồng thời, chính phủ nước này vẫn phong tỏa chặt chẽ đối với Dải Gaza.

Cùng ngày 13/12, ông Netanyahu tuyên bố Israel sẽ tiếp tục triển khai hoạt động quân sự tại Dải Gaza cho đến khi loại bỏ hoàn toàn lực lượng Hamas. "Ngay cả khi phải đối mặt với áp lực từ dư luận quốc tế, không gì có thể ngăn cản chúng tôi", nhà lãnh đạo Israel nói thêm.

Trước đó, cuộc bỏ phiếu kêu gọi ngừng bắn tại Dải Gaza của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thất bại với lá phiếu phủ quyết của Mỹ, bất chấp sự ủng hộ của các quốc gia thành viên khác.

Đại hội đồng Liên hợp quốc sau đó thông qua nghị quyết tương tự nhưng không mang tính ràng buộc. Nghị quyết này yêu cầu chấm dứt ngay lập tức các cuộc giao tranh, thả tất cả con tin vô điều kiện và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza.

Ở chiều ngược lại, với vị thế quốc gia tài trợ quân sự hàng đầu của Israel, Mỹ ủng hộ việc tạm dừng giao tranh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với lập luận rằng "mọi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài sẽ chỉ giúp ích cho lực lượng Hamas", Nhà Trắng kiên quyết phản đối lệnh ngừng bắn hoàn toàn.

Mặt khác, Tổng thống Joe Biden ngày càng chỉ trích phương thức tiếp cận cuộc chiến của phía Israel. Gần đây, ông Biden cảnh báo quốc gia này sẽ sớm mất đi sự ủng hộ của quốc tế nếu tiếp tục chiến dịch "ném bom bừa bãi".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm