1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Làng tranh "đệ nhất thiên hạ" ở Trung Quốc

Hơn 300 trăm xưởng vẽ tọa lạc trên diện tích 4 km vuông, với 8.000 thợ vẽ, thợ giúp việc, làng Đại Phần - ngoại ô thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) - được mệnh danh là làng tranh lớn nhất thế giới với thu nhập lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm.

Siêu rẻ

 

Một cánh tay khổng lồ nâng cao cây bút vẽ chào đón khách ngay tại cổng làng. Đó là tác phẩm điêu khắc, biểu tượng của làng tranh Đại Phần, thuộc thành phố Thâm Quyến. Vài năm trở lại đây, Đại Phần đã được mệnh danh là làng tranh sơn dầu lớn nhất thế giới. Có khoảng 60% tranh sơn dầu giá rẻ đã được sản xuất tại đây. Năm ngoái, cả làng đã đạt được một doanh số khổng lồ là 36 triệu USD từ việc xuất khẩu 5 triệu bức tranh. Các nhà buôn bán tranh ở châu Âu và Mỹ không hề xa lạ gì với làng tranh này.

 

Tuy được coi là "đệ nhất thiên hạ" về tranh sơn dầu nhưng Đại Phần không được giới hội họa thế giới ngợi ca về tài năng sáng tạo. Đơn giản bởi Đại Phần là một lò tranh chép lớn nhất thế giới. Chỉ có không quá 10% tác phẩm hội họa ở đây là tác phẩm tự sáng tác. Tại Đại Phần, người ta có thể thấy la liệt bản chép của các tác phẩm hội họa nổi tiếng của các danh họa Leonardo da Vinci, Adele Bloch, Van Gogh... với giá cả chẳng có nơi nào rẻ hơn. Ở siêu thị tranh, một bức tranh "cóp" Hoa mùa hạ của Van Gogh được bán với giá 50 USD, nếu mua nhiều thì giá chỉ còn 33 USD.

 

Còn nếu khách không quá khắt khe về mức độ nghệ thuật thì chỉ cần trả 8 USD cho mỗi bức nếu mua một lô khoảng 100 bức trở lên. Với những khách hàng thuộc loại "tay chơi", muốn chân dung họ được thể hiện như bởi A.Bloch hoặc L.Vinci, cũng chẳng có gì khó khăn. Dưới bàn tay tài hoa của các thợ vẽ Đại Phần, chỉ mất vài chục USD người ta sẽ có những bức chân dung của chính mình mà nếu không có "nghề", mấy ai biết được đây chỉ là sản phẩm "made in China".

 

Những thợ vẽ Đại Phần

 

Nhiều người đã tỏ ra rất tự hào về "đại công xưởng" Đại Phần. Điều này không phải là không có lý: Vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước, theo lời kể của nhà buôn tranh Huang Jiang, Đại Phần không khác gì một "Siberia của nước Nga" với những con đường bẩn thỉu đầy tre gai. Khi đó, Huang Jiang còn là một thanh niên từ Hồng Kông sang và mở cửa hiệu vẽ tranh đầu tiên tại Đại Phần. Đến nay, ông chủ Huang Jiang đã là một nhà buôn tranh giàu có nhất làng tranh này. Mỗi tháng, ông xuất ra nước ngoài khoảng 50.000 bức và kiếm được khoảng 250 ngàn USD mỗi năm.

 

Theo ước tính, hiện Đại Phần có từ 8.000 - 10.000 thợ vẽ và con số này mỗi năm tăng thêm 100. Các thợ vẽ này làm việc cật lực tại các "lò" tranh với thời gian làm việc mỗi ngày có khi lên tới 12 tiếng để cho ra đời từ 20 đến 30 sản phẩm hội họa. Điều này cũng đồng nghĩa với chất lượng những bức tranh theo kiểu "mì ăn liền" này đạt được kỹ xảo, độ điêu luyện đến mức nào.

 

Tuy nhiên, dù được tiếng là "họa sĩ" nhưng các thợ vẽ của Đại Phần cũng chỉ được nhận đồng lương khá khiêm tốn, từ 120 - 390 USD/tháng - khoản này đủ cho họ trang trải cuộc sống hằng ngày và dư dôi chút ít để gửi về cho gia đình. Mức lương này thu hút một số sinh viên hội họa từ nhiều nơi đổ về Đại Phần để kiếm việc làm. Tuy nhiên, điều mà nhiều thợ vẽ tránh nói đến là hai tiếng "sự nghiệp". Bởi không giống như nhiều đồng nghiệp khác, do suốt ngày cắm cúi vào vẽ lại hoặc vẽ theo ý tưởng người khác, có lẽ họ chẳng bao giờ có được một tác phẩm hội họa ra trò cho cuộc đời cầm bút vẽ của mình.

 

Theo H.L

Thanh niên/Spiegel