1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Làng góa chồng ở Afghanistan

(Dân trí) - Một đêm, chồng của Fatama rời ngôi làng tranh che vách đất sát biên giới để đi buôn chất trắng sang Iran. Sáng hôm sau, người em trai chồng của cô thông báo tin dữ: Chồng cô đã bị giết.

Thế là Fatama gia nhập hàng ngũ hàng trăm người phải để tang chồng ở Bunyat, được biết đến với cái tên “làng góa chồng”. Lý do bởi rất nhiều đàn ông trong làng đã chết trong các cuộc chiến dài ở Afghanistan, và vì "thảm họa" buôn chất trắng gần đây, cái “nghề” tuy kiếm được nhiều nhưng vô cùng nguy hiểm.

 

Những người lớn tuổi trong làng cho biết trong số 1.000 gia đình thì có 350 người là góa phụ.

 

Fatama mới khoảng 30 tuổi, giờ bị bỏ lại một mình để nuôi 4 đứa con. Đôi khi những người đàn ông họ hàng khác sẽ gánh trách nhiệm chăm sóc cho họ, nhưng đổi lại những góa phụ đó  phải dệt thảm, nướng bánh, hoặc giặt giũ và dọn dẹp.

 

Còn những người đàn ông tìm được một công việc “béo bở” hơn. “Hầu hết thanh niên trong làng này đều buôn lậu ma túy”, một người buôn lậu tự xưng tên là Mohammad nói, trong khi một người già trong làng lắc đầu phản đối.

 

“Ở đây ai cũng nghèo. Không có nước. Họ không thể trồng được thứ gì, vì vậy họ phải buôn lậu thuốc,” Mohammad cho biết thêm khi đứng trên đường cùng với nhiều người đàn ông khác, cũng tự nhận mình là những người buôn lậu.

 

Họ cho biết, mỗi lần vượt qua biên giới, họ mang khoảng từ 20-40 pound (10 – 20 kg) heroin đậm đặc. Mohammed cho biết mỗi một pound (0,45kg) người vận chuyển kiếm được 200 USD. Như vậy mỗi chuyến họ kiếm được khoảng 8.000 USD. Đây là một khoản tiền cực lớn ở một đất nước mà lương giáo viên và cảnh sát chỉ có 70 USD một tháng.

 

Theo báo cáo mới nhất của cơ quan chống ma túy và tội phạm của LHQ, vượt qua biên giới Iran, giá heroin trên đường phố là khoảng 5.800 USD/pound. Con số này tăng lên đến 46.300 USD ở Anh và 94.300 USD ở Mỹ.

 

Bunyat là một làng nghèo đói ở tỉnh Herat, miền tây Afghanistan. Ở đây không có ngành nghề gì, người dân cũng không làm nông nghiệp. Trong tuyệt vọng, những người đàn ông đã tìm đến “ghề” buôn chất trắng để có kế sinh nhai. Afghnistan cũng là “vựa” heroin, sản xuất 90% lượng heroin của cả thế giới.

 

Hầu hết đàn ông trong làng đều cho biết, vài tháng lại có khoảng 3, 4 người buôn lậu chất trắng bị mất mạng, một số do đụng độ với cảnh sát Iran, một số là do giẫm phải mìn. Tuy nhiên, Mohammad đưa ra con số cao hơn: 3 đến 4 người chết một tháng.

 

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hầu hết chất trắng rời Afghanistan được chuyển qua “Iran tới người tiêu dùng ở chính Iran, Nga và châu Âu”.

 

Còn Iran cho biết họ đang phải hứng chịu “luồng chất trắng” từ Afghnistan đổ vào nước mình. Họ đang cố gắng hết sức để kiểm soát biên giới giữa hai nước và đây là một cuộc đấu tranh vô cùng nguy hiểm. Trong suốt 1 thập kỷ qua, khoảng 3.000 cảnh sát và nhân viên an ninh nước này đã bị những kẻ buôn lậu giết hại, đại sứ Iran tại Afghanistan, ông Mohammad R. Bahrami cho biết.

 

“Giết chết những kẻ buôn lậu không phải là chính sách của chúng tôi,” Bahrami cho biết. Quan chức Iran cũng đã bắt, xử tội và bỏ tù họ. “Nếu những kẻ buôn lậu đánh cảnh sát, đơn giản chúng tôi sẽ phải tự vệ”.

 

Jamila, cũng giống như bao người Afghanistan khác, không biết chính xác tuổi của mình. Nhưng trông cô khoảng ngoài 20. Cô đến để nhận thi thể của chồng ở gần biên giới. Chồng cô đã bị chết vì mìn khi đi buôn lậu chất trắng. Cô cho biết đầu và tay chồng dính đầy máu.

 

Nhiều năm trước, sau khi họ đính hôn, cô đã cấm chồng được đi buôn lậu thuốc. “Tôi đã nói với anh ấy, nếu đi, anh ấy sẽ bị chết. Sau 3, 4 tháng, anh ấy lại bắt đầu trở lại vùng biên giới. Anh ấy đã bí mật đi”, cô cho biết.

 

Những phụ nữ có chồng chết vì đi buôn thuốc chỉ là một phần trong số những bà góa ở làng Bunyat. Nhiều người chồng khác đã bị bỏ mạng trên chiến trường.

 

Ở một gia đình, 6 góa phụ (một mẹ già và 5 cô con dâu) đang phải sống nương tựa vào nhau. Nakzi là người đứng đầu trong gia đình. Bà bước đi liêu xiêu, lưng còng gập, nói gần như không thành tiếng do mặt bị tê liệt bán phần. Trí nhớ của bà cũng trở nên lờ mờ. Khi được hỏi các con trai đã chết như thế nào, bà trả lời một cách yếu ớt: “Chúng đến Iran và đã trở về Afghnistan”.

 

Còn ở nhà Fatama gần đó, hàng chục đứa trẻ chạy nhảy quanh sân, leo lên mái nhà, và nhào người ra các ô cửa sổ. Amir Khan, người đứng đầu hội người cao tuổi ở làng, ra công quát mắng chúng. Nhưng chẳng ăn thua gì.

 

Khan than thở về cuộc sống khó khăn của người dân trong làng, và cầu cứu viện trợ quốc tế. “Cuộc sống của hầu hết các gia đình ở đây đều rất cực khổ, ngày nối tiếp ngày là những chuỗi tồi tệ”, ông nói giữa những tiếng hò hét của bọn trẻ. “Những người này sống như những con thú hoang. Hầu hết phụ nữ và trẻ em sống mà không có ai để nương tựa sẽ chết, và sẽ chẳng ai còn hỏi về họ nữa.” 

 

Trang Thu

Theo AP