Làng giàu nhất Trung Quốc “chơi trội” trong đám tang trưởng làng
(Dân trí) - Người dân của ngôi làng giàu nhất Trung Quốc hôm nay đã nói lời vĩnh biệt cựu lãnh đạo giúp đưa Hoa Tây trở thành “thiên đường”, với một đoàn gồm 20 siêu xe rước quan tài của ông và một trực thăng bay bên trên.
Chiếc xe chở di ảnh và quan tài ông Ngô trong lễ tang.
Ông Ngô Nhân Bảo, cựu bí thư làng Hoa Tây, đã qua đời ở tuổi 84 hôm 18/3 vì bệnh ung thư.
Tại lễ tang, hàng trăm người dân đeo băng tay đen đã yên lặng cúi đầu trước một bức ảnh lớn của ông, xung quanh là các vòng hoa giấy được các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc gửi tới để chia buồn.
“Ông ấy sẽ luôn ở trong trái tim tôi”, một người dân làng nói, với đôi mắt ngấn lệ.
Làng Hoa Tây là câu chuyện hình mẫu cho chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc về một ngôi làng nghèo khó đã trở nên giàu có nhờ các chương trình cải cách kinh tế được phát động 30 năm trước nhưng vẫn trung thành với các lý tưởng xã hội chủ nghĩa bằng việc chia sẻ sự giàu có.
Ông Ngô đã lãnh đạo làng Hoa Tây hơn 40 năm, biến các nông dân thành tỷ phú nhờ thiết lập 12 tập đoàn, từ dệt may cho tới sắt thép.
Giờ đây, 2.000 cư dân của làng Hoa Tây sống trong các biệt thự và lái những chiếc xe hạng sang được mua bằng tiền lãi của các công ty thuộc sở hữu tập thể.
Người con trai thứ 4 của ông Ngô đã tiếp quản vị trí bí thư Hoa Tây hồi năm 2003. Phát biểu tại lễ tang, anh này tuyên bố sẽ tiếp tục di sản của cha và sẽ biến Hoa Tây “thực sự trở thành một Shangri-La đặc biệt và độc nhất vô nhị”.
Hàng nghìn người đưa tang đã tới ngôi nhà của ông Ngô - ngôi nhà 2 tầng sơn màu trắng - để bày tỏ sự thành kính, trong khi thi thể ông được đặt trong chiếc quan tài bằng gỗ, bọc lá cờ đỏ của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngôi nhà của ông Ngô đối lập với sự phô trương của phần lớn làng Hoa Tây, vốn khai trương một trong những tòa nhà cao nhất Trung Quốc, khách sạn 74 tầng, cao 328m, trị giá 470 triệu USD, hồi năm 2011. Bên trong khách sạn đặt tượng một con bò kích cỡ gần bằng thật, được cho là làm bằng vàng ròng.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã nhấn mạnh tới việc chi tiêu tiết kiệm của các quan chức như một biện pháp nhằm chống tham nhũng. Tờ China Daily hồi tuần này cho biết việc phô trương sự giàu có quá đà và các cáo buộc về kiểu nắm quyền gia tộc đã khiến mô hình làng Hoa Tây bị nghi ngờ.
Nhưng một người dân làng đã ca ngợi lối sống giản dị của ông Ngô, cho biết ông vẫn sống ở ngôi nhà cũ từ những năm 1970. Còn Wang Hai, một quan chức chính phủ về hưu từ Bắc Kinh, nói: “Ông ấy là người bình thường và có các phẩm chất tốt”.
Sinh thời, ông Ngô được xem là một lãnh đạo huyền thoại, từng gặp gỡ các quan chức cấp cao và xuất hiện trong một bộ phim hồi năm 2012 để đánh đấu một hội nghị quan trọng của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sau khi ông Ngô qua đời, truyền thông nhà nước Trung Quốc còn đưa tin nhầm rằng ông từng lên bìa tạp chí Time của Mỹ.
“Ước mơ lớn nhất của tôi là giúp người nghèo có cuộc sống tốt. Đảng phải mang lại hạnh phúc cho phần lớn người dân”, hãng tin Xinhua dẫn lời ông Ngô lúc sinh thời.
Nhưng một công nhân di cư hiện đang sống tại Hoa Tây và làm việc cho một nhà máy thép trong suốt 10 năm cho hay anh không nhận được bất kỳ khoản tiền phụ cấp nào ngoài 4.000 Nhân dân tệ (365 USD) tiền lương hàng tháng. “Chúng tôi làm theo ngày và nhận được theo ngày”, ông nói.
Một luật sư cũng chỉ trích Hoa Tây, cho biết rằng những ai rời làng hoặc chỉ trích người sáng lập đều bị trừng phạt.
“Thật khó để nói liệu mô hình Hoa Tây có thực sự biến mọi người đều trở nên giàu có như các thông tin ít ỏi được đăng tải hay không”, Yuan Yulai, từ công ty luật tại thành phố Ninh Ba, cho hay.
“Dù dân làng có giàu có đi chăng nữa nhưng họ cũng không để mang đi các tài sản cá nhân khi họ rời làng, vậy liệu các tài sản có thuộc sở hữu của người dân hay không?”, Yuan nói tiếp.
An Bình
Tổng hợp