1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Làn sóng phản ứng trong và ngoài Sudan về lệnh bắt Tổng thống

(Dân trí) - Hàng chục nghìn người ủng hộ chính phủ của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã tập trung tại trung tâm thủ đô Khartoum để tỏ thái độ ủng hộ Tổng thống và phản đối lệnh của Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) bắt giữ ông này.

Làn sóng phản ứng trong và ngoài Sudan về lệnh bắt Tổng thống - 1
Một người ủng hộ hôn bức chân dung của Tổng thống Bashir.
 
Những người ủng hộ hò hát: "Chúng tôi yêu quý Tổng thống Bashir".

Phát biểu trước những người ủng hộ ngày hôm qua, ông al-Bashir nói quyết định của ICC là một phần trong âm mưu của phương Tây nhằm tái thuộc địa hóa Sudan vì nguồn dầu hỏa và các tài nguyên thiên nhiên khác của nước này. Ông tuyên bố phản đối quyết định của ICC.

Trước đó, ông al-Bashir đã phát biểu với các thành viên nội các rằng Sudan sẽ chặn đứng kế hoạch của những người đối lập và sẽ đối phó “một cách quả quyết nhưng có trách nhiệm” với những ai đe dọa đến an ninh của Sudan.

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của ICC, Sudan đã đáp lại bằng cách trục xuất 10 tổ chức cứu trợ, trong đó có cả các tổ chức như Oxfam, Bác sĩ Không biên giới, CARE.

Phản ứng của các nước

Trung Quốc phản đối ICC phát lệnh bắt tổng thống Sudan và nói rằng hành động đó sẽ không giúp đem lại sự ổn định cho tình hình ở quốc gia châu Phi bị chiến tranh tàn phá này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh Trung Quốc không tin là việc truy tố này sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định trong vùng Darfur. Ông tỏ ý hy vọng Liên Hợp Quốc sẽ lắng nghe những lời khiếu nại của Liên minh châu Phi, Liên đoàn ẢRập và Phong trào Phi liên kết và sẽ kêu gọi ICC không đưa vụ này ra xét xử, vào thời điểm này.

Ông Tần Cương khẳng định Trung Quốc tin vào sách lược thương thuyết hiện thời - phối hợp với lực lượng gìn giữ hòa bình hỗn hợp giữa Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Phi, vốn đã đạt được tiến bộ đáng kể hướng tới hòa bình ở Darfur.

Bộ Ngoại giao Nga thì cho rằng quyết định của ICC có thể gây bất ổn cho tình hình Sudan.

Ai Cập cũng chỉ trích quyết định này. Bộ trưởng Ngoại giao Ai cập kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở một cuộc họp khẩn và dùng quyền của cơ quan này để hoãn việc thi hành lệnh bắt ông Bashir của ICC.

Liên đoàn châu Phi thì nói rằng phán quyết này có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới quá trình hòa bình ở Darfur. Chủ tịch Uỷ ban Liên minh châu Phi Jean Ping nói: "Chúng tôi ủng hộ việc đấu tranh chống tội phạm, nhưng chúng tôi cho rằng luật pháp và hòa bình không nên giẫm chân lên nhau, yêu cầu pháp luật không thể che khuất yêu cầu về hòa bình."

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon yêu cầu Sudan "hợp tác hết mức" với các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Ông nói Liên Hợp Quốc sẽ "tiếp tục các hoạt động gìn giữ hòa bình, nhân đạo, nhân quyền và phát triển tại Sudan". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nói "những kẻ gây tội ác phải được mang ra trước công lý”.

Xung đột Darfur bắt đầu từ đầu năm 2003, khi chính quyền và dân quân Ảrập mở chiến dịch tấn công các nhóm phiến quân châu Phi da đen.

Nhật Mai
Theo Reuters, AP, BBC