1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lần đầu tiên châu Á vượt châu Âu về chi tiêu quốc phòng

(Dân trí) - Viên nghiên cứu chính sách quốc tế (IISS) cho hay chi tiêu quốc phòng của châu Á đã lần đầu tiên vượt châu Âu trong năm ngoái, phản ánh sự gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc và giảm chi tiêu quân sự của các quốc gia châu Âu.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Trong báo cáo thường niên về các nền quân đội thế giới, IISS cho hay chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 8.3% từ 2011-2012, trong khi chi tiêu quốc phòng của toàn bộ khu vực châu Á tăng 4,94% trong năm ngoái.

Cùng thời gian đó, chi tiêu quốc phòng của các quốc gia châu Âu trong khối NATO đã giảm 11% so với mức của năm 2006 do các khoản cắt giảm ngân sách, IISS cho biết trong báo cáo mang tên “Cán cân quân sự 2013”.

“Trên sự tế, sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng của châu Á là rất nhanh, trong khi chính sách khắc khổ quốc phòng mà các quốc gia châu Âu theo đuổi lại rất khắt khe. Trong năm 2012, chi tiêu quốc phòng của châu Á đã vượt tổng chi tiêu quốc phòng của toàn bộ châu Âu”, báo cáo viết.

Theo IISS, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về chi tiêu quốc phòng, chiếm 45,3% của toàn cầu.

Các quốc gia châu Á đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, tận dụng sự tăng trưởng kinh tế liên tục để phát triển quân đội nhằm đối phó với môi trường ngày càng phức tạp trung khu vực.

“Trung Quốc giờ đây là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới”, báo cáo viết. IISS cho biết thêm rằng nếu Trung Quốc duy trì đà phát triển kinh tế, chi tiêu quốc phòng của nước này sẽ bắt kịp mức độ của Mỹ vào khoảng năm 2025-2028.

Triều Tiên, vốn tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 hồi tháng trước, đã tiếp tục gia tăng các năng lực quân sự.

Báo cáo cho biết Triều Tiên có kho plutonium đủ để chế tạo từ 4-12 vũ khí hạt nhân, một chương trình làm giàu uranium có thể bổ sung đủ nguyên liệu phân hạch cho 1 hoặc 2 vũ khí hạt nhân mỗi năm, cùng hàng loạt tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Theo IISS, Triều Tiên cũng đã có kho vũ khí hóa học lớn thứ 3 thế giới và có thể là cả các vũ khí sinh học.

Vô số các mối đe dọa tại châu Á, khi các nước hành động để chống lại nhau, đồng nghĩa với việc “có bằng chứng quan trọng cho thấy các động lực ứng phó sẽ xảy ra và ảnh hưởng tới các chương trình quân sự của các quốc gia khu vực”, IISS cho biết.

Ấn Độ, vốn phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu vũ khí và trở thành một trong những thị trường quốc phòng lớn nhất cho các nhà cung cấp nước ngoài, cũng tiếp tục bổ sung các khả năng quân sự để bắt kịp Pakistan và Trung Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đang cố gắng tăng cường sự phòng thủ chống lại các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

An Bình
Tổng hợp