1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lại chuyện tị nạn và khủng bố ở Đức

Châu Âu những tháng cuối năm 2016 bộn bề bao nhiêu chuyện “lớn”, từ căng thẳng Nga-Mỹ trong xử lý vấn đề Syria mà cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã cảnh báo “đến giới hạn đỏ”, cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga chưa có dấu hiệu kết thúc...

... EU thất bại khi muốn lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào quá trình xử lý khủng hoảng, cho đến việc Thủ tướng Anh tuyên bố khởi động đàm phán Brexit chậm nhất đến cuối tháng 3 năm tới, khiến giới kinh tế Đức lo ngại một “Brexit cứng” và chuẩn bị cho giải pháp xấu “hậu Brexit”.

Nước Đức cũng không hề yên ổn và tràn ngập những thông tin đáng lo ngại. Sau thất bại nặng nề của hai cuộc bầu cử địa phương, uy tín của Liên minh dân chủ cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 29,5% theo thăm dò dư luận mới nhất.

Trong khi đó đảng thiên hữu Giải pháp cho nước Đức (AfD) nhận được đến 15% sự ủng hộ của cử tri, đưa đảng này trở thành lực lượng chính trị thứ 3 ở các bang miền Đông. Nguy cơ đảng này có chân trong Quốc hội Đức sau bầu cử Liên bang tháng 9 năm tới là nhãn tiền, đe dọa trực tiếp đến “Đại liên minh” hiện nay của Thủ tướng Angela Merkel.

Về kinh tế, sau những vụ mất uy tín của hãng xe hơi nổi tiếng Volkswagen vừa qua, giờ đến lượt gã khổng lồ Deutsche Bank (Ngân hàng Đức) đang lung lay bởi làn sóng đầu cơ và liên tục làm ăn thất bát. Nhiều kịch bản ghê rợn (“Horrorszenario”) được dựng lên, trong đó cả hình dung đây là “Lehman Brothers” của Đức, khiến Chính phủ Đức phải trấn an dư luận là điều đó không thể xảy ra.

Sau Deutsche Bank, đến lượt nhà băng lớn thứ 2 ở Đức Commerz Bank cũng có dấu hiệu lung lay. Có vẻ như thời của các “ông kễnh Đức” sắp qua, nhường cho sự lên ngôi của kinh tế vừa và nhỏ.

Từ “văn hóa chào đón” đến “văn hóa trục xuất”

Kể từ tháng 9 năm ngoái khi Chính phủ Đức quyết định tiếp nhận dòng người tị nạn Syria đang bị kẹt ở nhà ga xe lửa Budapest, “bóng ma“ của khủng hoảng tị nạn chưa chịu buông tha nước Đức. Cuối năm ngoái là một hình ảnh nước Đức khác - mở rộng trái tim và cánh cửa cho những người tị nạn khốn khó, chạy trốn chiến tranh và bạo lực. Đầu tàu châu Âu và Thủ tướng Merkel được coi như “cứu tinh” không chỉ cho người tị nạn, mà còn cho cả một châu Âu đang rệu rã, phân tán.

Tuyên bố của Thủ tướng Merkel “Chúng ta làm được” (Wir schaffen das) và hình ảnh hàng chục ngàn “tình nguyện viên” chào đón người tị nạn, hỗ trợ họ có nơi ăn chốn ở, trẻ con được đến trường, người lớn được học “tiếng Đức hội nhập” đã khiến thế giới và châu Âu dường như thấy được sự ấm áp của một nước Đức mới, không chỉ giàu có về kinh tế, mà còn giàu lòng trắc ẩn, vị tha. Một nước Đức có trách nhiệm như thế xứng đáng với vị thế cao hơn trên thế giới. Nhiều người đã nghĩ vậy.

Lại chuyện tị nạn và khủng bố ở Đức - 1

Nhưng một năm qua, thực tế phũ phàng hơn người ta tưởng. Cả hệ thống chính trị, từ trên xuống dưới đều quá tải khiến cả xã hội mệt mỏi đến độ chán chường. Tiền thì như rót vào cái “thùng không đáy” vì các nước EU khác từ chối tham gia. Xã hội cũng ngày một bất an mà lý do nhiều người muốn đổ cho nhất chính là vấn đề tị nạn và do người tị nạn gây ra.

Nạn trộm cắp, đột nhập tư gia tăng chóng mặt mà tỷ lệ phá án có thể chỉ tính bằng một con số phần trăm. Mặc dù có một nghiên cứu chỉ rõ thủ phạm là những băng nhóm hoạt động có tổ chức, được điều hành từ một nước Đông Âu nhưng chẳng ai tin, vẫn đổ riệt cho “đám người tị nạn”. Đỉnh điểm là vụ hàng ngàn phụ nữ Đức bị sàm sỡ trong lễ đón chào năm mới ở khu vực nhà ga Koln mà thủ phạm được gọi tên là “những người gốc Phi và Ả rập”. Sau vụ Koln, nhiều nơi nữa cũng xảy ra những việc tương tự.

Cuối năm ngoái cũng là thời điểm của những hoạt động khủng bố do Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành nhằm vào những mục tiêu ở Paris (Pháp), Brussels (Bỉ). Ở Đức cũng xảy ra những vụ việc có bàn tay của IS. Tuy thiệt hại về người và tài sản không lớn như ở nơi khác nhưng tác động về tâm lý và sức ép đối với gần một triệu người tị nạn Syria đang ở Đức là cực lớn. Họ bỗng chốc từ người chạy nạn khủng bố trở thành “tội đồ”, thậm chí trở thành “khủng bố” trong mắt người dân Đức.

Xã hội Đức cũng phân rã từ đây. Đang từ “văn hóa chào đón” (“Willkommen-Kultur”) quay ngoắt sang “văn hóa trục xuất” (“Abschiebe-Kultur”). Người dân yêu cầu Chính phủ phải trục xuất càng nhiều càng tốt những người không được công nhận quy chế tị nạn, nhưng việc này khá khó khăn.

Những ngày qua, Thủ tướng Merkel đang công du châu Phi và một trong những sứ mệnh của bà là tìm căn nguyên của việc di cư ồ ạt để có giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề. Sứ mệnh không hề đơn giản!

Tị nạn không có nghĩa là khủng bố?

Trong khi đó, ở Đức vừa xảy ra sự việc khiến xã hội lại dậy sóng. Theo một nguồn tin của cơ quan tình báo nước ngoài, cảnh sát Đức đã đột nhập vào căn hộ ở Chemnitz (thành phố phía Đông) của một người tị nạn Syria và tìm thấy ở đó nửa ký thuốc nổ cực mạnh. Tên này tẩu thoát và bị truy nã toàn quốc, nhưng sáng 10/10 đã bị bắt tại thành phố Leipzig.

Từ sự việc trên, dư luận và người dân Đức biết thêm được những thông tin “động trời” khác. Theo lời khai của tên này, mục tiêu tấn công của IS là cơ sở hạ tầng giao thông ở Đức, trước hết là tàu hỏa, các nhà ga và sau đó là sân bay ở thủ đô Berlin.

Theo ông Hans-Gorg Maaßen, Cục trưởng Cục bảo vệ Hiến pháp Liên bang, ngay từ tháng 9, cơ quan tình báo nội địa đã có thông tin về kế hoạch của IS tấn công khủng bố ở Đức, nhưng phải mãi đến một vài ngày gần đây mới biết chính xác. Việc truy bắt tên Jaber Albakr này đã góp phần ngăn cản một vụ đánh bom liều chết tương tự như ở Pháp và Bỉ.

Thủ tướng Merkel đang công du châu Phi và một trong những sứ mệnh của bà là tìm căn nguyên của việc di cư ồ ạt để có giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề. Sứ mệnh không hề đơn giản!

Vấn đề khác cũng làm đau đầu giới chức Đức là việc tên này theo dòng người tị nạn vào Đức, sử dụng tên và hộ chiếu Syria thật để đăng ký và tháng 6 vừa qua đã được công nhận quy chế tị nạn cho thấy khả năng các chiến binh IS có thể trà trộn và lợi dụng quy chế tị nạn để tiến hành hoạt động khủng bố ở Đức, hoặc đối tượng 22 tuổi này bị IS lôi kéo và tuyển mộ trong thời gian ở Đức gần một năm qua.

Cả hai giả thiết trên đều tạo sức ép lớn lên các cơ quan chức năng Đức. Từ nhiều tháng qua, các ý kiến phản đối chính sách tị nạn của bà Merkel đều cho rằng việc dòng người ồ ạt vào Đức và không qua kiểm tra nhân thân sẽ tạo ra những mối nguy cơ to lớn đối với an ninh của đất nước. Chính bà Merkel và đảng CDU của bà cũng bị “mất điểm” vì bị cho là xử lý kém vấn đề này. Sự việc vừa xảy ra, nếu được xác thực, sẽ khiến Đức phải thay đổi căn bản quy trình xem xét công nhận quy chế tị nạn và những người tị nạn thực sự cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quy trình này.

Khả năng “Hồi giáo hóa”, “cực đoan hóa” hay tác động lôi kéo của IS nhằm vào những người tị nạn trẻ tuổi không phải không có cơ sở. Hàng trăm ngàn thanh niên trai trẻ đã đến Đức và hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp ở đây, nhưng do thủ tục kéo dài, họ trở thành những kẻ “vô công rồi nghề”. Nhiều người do quá thất vọng đã tự nguyện hồi hương. Những kẻ khác trở thành các phần tử quấy rối. Họ tụ tập gây mất trật tự an ninh và đã có nhiều cuộc ẩu đả hỗn loạn giữa người tị nạn và thanh niên địa phương.

Lực lượng cực hữu Đức nhân đà đó tăng cường tuyên truyền đả phá chính sách tị nạn của Chính phủ và gây ra hàng loạt những vụ tấn công hay phóng hỏa đốt các cơ sở cư trú của người tị nạn. Đó là chưa kể 70.000 trẻ em tị nạn không có người lớn đi kèm. Đây là mục tiêu nhòm ngó của lực lượng IS.

Những người tị nạn thực sự là những người vui mừng nhất trước thông tin đã bắt giữ được phần tử khủng bố ở Chemnitz, nhất là khi hai người tị nạn Syria khác đã giúp cảnh sát Đức tóm được tên này. Trên mạng xã hội, những người Syria coi ba thanh niên đã cho Jaber Albakr vào nhà rồi lừa lúc tên này ngủ say đã trói lại và gọi cảnh sát đến bắt là những “người anh hùng”.

Thủ tướng Merkel cũng gửi lời cảm ơn những người Syria này vì đã giúp bắt giữ phần tử khủng bố nguy hiểm. Hành động “dũng cảm, đầy trách nhiệm” của họ, như đánh giá của Thủ hiến bang Sachsen Stanislaw Tillich, dường như đã giải tỏa phần nào sức ép to lớn đè nặng lên những người tị nạn bấy lâu nay, rằng không phải tất cả những người tị nạn đều là phần tử khủng bố.

Chỉ còn đúng một năm nữa là diễn ra cuộc bầu cử Liên bang. Vấn đề tị nạn và khủng bố chắc chắn là đề tài nóng bỏng của các cuộc vận động tranh cử mà bất kỳ đảng phái chính trị nào ở Đức cũng sẽ phải có câu trả lời, trừ Đảng AfD, bởi vì câu trả lời của họ ai cũng đã rõ: Tống khứ về nước tất cả người tị nạn, và nếu cần thiết, tất cả người nước ngoài (?)

Theo (từ Berlin, Đức)

Thế giới và Việt Nam