1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngày Thống nhất - nước Đức 'bình thường mới'

Người Đức có thể thiếu sự mềm mại hay lãng mạn như người Pháp, sự tự tôn kiểu quý tộc của người Anh hay thông minh như người Do Thái. Nhưng thứ mà họ có đó chính là tinh thần mạnh mẽ đầy hy vọng.

Hôm 3-10 là ngày nước Đức mừng 26 năm ngày thống nhất (Đông-Tây Đức). Ngoài phố nơi tôi ở, TP Ilmenau (thuộc bang Thüringen) vẫn vắng lặng như cái không khí thường ngày của một vùng đất miền xa phía đông của “cỗ xe tăng”.

Đã 26 năm trôi qua kể từ ngày thống nhất nước Đức. Ảnh: MAURIZIO GAMBARINI
Đã 26 năm trôi qua kể từ ngày thống nhất nước Đức. Ảnh: MAURIZIO GAMBARINI

Rất đông người Đức có vẻ không mấy hào hứng với những chốn đông người, những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng bên cạnh những cốc bia tràn bọt như tôi vẫn tưởng trong những dịp hội hè.

Những ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật hay những ngày lễ lớn như ngày thống nhất đất nước, đông đảo người Đức chuộng ngồi ở nhà để cùng sum họp quanh bàn thức ăn tự làm bên ly rượu vang vừa đủ để họ thư giãn sau những ngày làm việc với hiệu suất tốt nhất. Họ bỏ mặc những lễ kỷ niệm, những công việc dở dang, những trung tâm mua sắm sầm uất, những email khẩn và cả những cuộc điện thoại vào sáng sớm hay lúc nửa đêm vì bất kỳ điều gì.

Chọn khó khăn...

Nước Đức đang gặp rất nhiều khó khăn và rắc rối!

Dân số trở nên quá già cỗi đã phần nào khiến những quán bar, vũ trường, club hay những hoạt động trẻ trung, năng động vào những ngày nghỉ trở nên kém hấp dẫn trong mắt người dân của cường quốc kinh tế số một châu Âu; dù cho những nhóm thanh niên người Đức hiếm hoi vẫn cầm trên tay chai bia và khề khà cùng nhau đến rạng sáng.

Nhưng phần đông, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp những nhóm thanh niên nhập cư quậy tưng bừng ở chốn công cộng: các quán nhậu, tại công viên, ngoài nhà ga, trên xe buýt, tàu điện hay ngay cả trong nhà vệ sinh công cộng.

Hai ngày trước, TP Dresden, thủ phủ của bang tự do Sachsen, nằm trên một thung lũng ven con sông Elbe đầy thơ mộng, đã rúng động vì những tên thủ ác đốt cháy ba chiếc xe cảnh sát, bất chấp an ninh nước Đức được siết chặt trước thềm mừng 26 năm ngày thống nhất.

Cảnh sát Đức nỗ lực đảm bảo an ninh để người dân Đức an tâm hơn khi họ hòa nhập những đám đông mừng lễ. Ảnh: MAURIZIO GAMBARINI
Cảnh sát Đức nỗ lực đảm bảo an ninh để người dân Đức an tâm hơn khi họ hòa nhập những đám đông mừng lễ. Ảnh: MAURIZIO GAMBARINI

Tuần trước, cũng tại Dresden, hai quả bom tự chế phát nổ tại một nhà thờ Hồi giáo và một trung tâm hội nghị quốc tế dù xung quanh có đến khoảng 2.600 nhân viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh các sự kiện. TP này được xem là “cái nôi” của phong trào chống hồi giáo lấy tên là Pegida (tạm hiểu là: “Người châu Âu yêu nước chống lại Hồi giáo ở phương Tây”).

Trên các kênh truyền hình Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn thường chỉ trích tất cả cuộc tấn công dù là động cơ bài ngoại, quấy rối chính trị hay không chịu hòa nhập xã hội Đức của người nước nhập cư.

Dù vậy nước Đức vẫn đang ngổn ngang những mâu thuẫn không thể giải quyết một sớm một chiều.

Bất mãn gia tăng: giữa những người Đức đi làm quần quật, đóng thuế xây dựng đất nước với người nhập cư được hưởng trọn vẹn những chính sách phúc lợi xã hội; giữa những người Đức bị buộc phải hạn chế quyền lợi để sẻ chia với người nhập cư; giữa nhiều người nhập cư “không an phận” hay không chịu hòa nhập, thích sống theo kiểu của người nhập cư chứ không phải những nguyên tắc sắt thép của nước Đức với người Đức vốn tự tôn bản sắc dân tộc; hay giữa những nhóm người tín ngưỡng khác nhau với đức tin khác nhau về giá trị và quyền hạn của con người.

Một nước Đức mới với nhiều sắc màu: từ Trung Đông, châu Phi hay cả châu Á. Ảnh: MAURIZIO GAMBARINI
Một nước Đức mới với nhiều sắc màu: từ Trung Đông, châu Phi hay cả châu Á. Ảnh: MAURIZIO GAMBARINI

Ở góc độ cá nhân, những nhà Hiện thực nói rằng con người ta đánh nhau vì quyền lực (đến từ tiền bạc, lợi ích); còn những nhà Kiến tạo cho rằng con người ta đánh nhau vì “xung đột niềm tin” mà xung đột bản sắc, tôn giáo tín ngưỡng là những ví dụ kinh điển. Nước Đức đang phải đối mặt với cả hai sự va chạm này.

Những nhà Tự do, những người tin rằng con người có thể bắt tay với nhau cùng có lợi, đang tỏ ra khá bất lực trước sự đối đầu giữa hàng triệu người nhập cư và người Đức với hàng loạt sự kiện đánh bom, tấn công tình dục, bạo lực công cộng, khủng bố, biểu tình cực đoan, nạn cướp giật... đang gia tăng.

Từ đầu năm 2016, các tờ báo lớn của Đức lẫn báo chí quốc tế đều đưa tin nước Đức, sau Pháp, đã trở thành trung tâm của những cuộc khủng bố và xung đột bất thình lình. Những nỗ lực không mệt mỏi của hàng ngàn nhân viên cảnh sát dường như không giúp người ta an tâm tuyệt đối khi đi giữa những đám đông để cùng hát hò và nâng ly một cách sảng khoái như vài năm về trước.

Có lẽ vì thế nên càng khiến những ngày lễ lớn tại Đức, phần nào giảm đi sự náo nhiệt, đông vui.

... để nuôi hy vọng

Nói ra những khó khăn như vậy sẽ khiến nhiều người tin rằng nước Đức đang gặp bi kịch. Tuy nhiên, những ai lạc quan (như tôi) vẫn tin vào một sự thật có tính lịch sử, rằng nước Đức sau những biến cố sẽ trở nên mạnh mẽ hơn (như nhiều cường quốc khác).

Bạn sẽ nghe tranh cãi đến mệt mỏi trên trường chính trị về vấn đề mở cửa cho người nhập cư (và sự thật khoảng 1,5 triệu người đã vào nước Đức trong 2-3 năm qua không thể nào thay đổi); bạn sẽ mất niềm tin vào sức mạnh của Đức khi báo chí đưa tin số cuộc biểu tình chống Hồi giáo, bài trừ người nhập cư ngày càng gia tăng; thậm chí những ai yêu thích Thủ tướng Merkel với chính sách mở cửa mà Tạp chí Time vinh danh là “nhân vật của năm 2015” sẽ lo lắng khi áp lực từ phe đối lập đang khiến nữ thủ tướng chịu nhiều khó khăn.

Người ta vẫn tin và mong chờ một Nước Đức bình thường mới hùng mạnh. Ảnh: MAURIZIO GAMBARINI
Người ta vẫn tin và mong chờ một "Nước Đức bình thường mới" hùng mạnh. Ảnh: MAURIZIO GAMBARINI

Dù vậy ngoài kia, hàng triệu người nhập cư vẫn đang cố gắng dung hòa, học tập và trở thành người Đức; hàng trăm ngàn người trẻ nhập cư vẫn đến trường miệt mài để thay đổi bản thân; hàng ngàn tổ chức, trường học, trường nghề đang chung tay xây dựng lại hệ thống lao động với người nhập cư đóng vai trò quan trọng; rất nhiều hoạt động giải quyết những bất đồng, xung đột giữa người mới và người cũ đang ngày đêm diễn ra.

Phải thừa nhận rằng người Đức đang rất mệt mỏi, phần vì họ “quá già” và phần vì họ phải đương đầu với làn sóng mới, trẻ trung và có những khác biệt nhất định. Nhưng suy cho cùng, vào những lúc hàng triệu người Đức nhớ lại những khoảnh khắc của ngày độc lập cách đây 26 năm và cả quãng đường họ xây dựng đất nước “hai thành một”, thì những khó khăn hiện tại sẽ không nằm ngoài khả năng của họ, dù rằng đường đi sẽ còn dài.

Người Đức có thể thiếu sự mềm mại hay lãng mạng như người Pháp, sự thực dụng như người Anh hay thông minh như người Do Thái. Nhưng thứ mà họ có đó chính là mạnh mẽ một cách đầy hy vọng.

Tôi xin tạm gọi đó là niềm hy vọng về một "nước Đức bình thường mới hùng mạnh".

Theo Đại Thắng

Pháp luật TPHCM