1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thắng lợi của Thủ tướng Naoto Kan:

Kỳ vọng những đổi thay từ những gì không thay đổi

(Dân trí) - Thắng lợi mới nhất của ông Naoto Kan không chỉ đầy ý nghĩa với nhà cầm quyền Nhật Bản mà còn mang theo kỳ vọng của người dân về một bước ngoặt chính trị - kinh tế cho nước nhà, từ sự lựa chọn không thay đổi của họ.

Kỳ vọng những đổi thay từ những gì không thay đổi - 1
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan.
 
Đối với Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền, sau thất bại trong cuộc bầu cử thượng viện hồi tháng 7, đảng này coi thắng lợi ông Naoto Kan trong cuộc đua giành chức chủ tịch DPJ ngày 14/9 là cơ hội nữa củng cố uy tín với cử chi Nhật Bản. Trước bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy phần đa số người được hỏi ủng hộ ông làm Chủ tịch DPJ – có nghĩa là tiếp tục giữ cương vị thủ tướng. Theo dư luận trong nước, Thủ tướng Kan, năm nay 63 tuổi, là người có tư tưởng cải cách mạnh hơn tư tưởng truyền thống đối với các chính sách kinh tế. Về các chính sách đối ngoại, an ninh và xã hội, ở một mức độ nào đó, Thủ tướng Kan được coi là người theo chủ nghĩa tự do.

Nhưng hơn ai hết, DPJ hiểu rõ “nguồn cơn” đằng sau tỷ lệ bỏ phiếu cho thủ lĩnh của họ khá cao, đó là một tâm trạng “ngấy” cảnh chiếc ghế uy quyền nhất trong chính phủ liên tục đổi chủ, chứ không hẳn tất cả những người bỏ phiếu đều ủng hộ ông Kan. Chính các đảng viên DPJ, hay người dân xứ sở Anh đào, dường như không muốn chứng kiến thêm những xáo trộn trên chính trường vốn đã xảy ra liên tục thời gian qua trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều vấn đề. Và đây chính là thách thức đầu tiên mà Thủ tướng Kan cùng đảng của ông phải đối mặt ngay sau tiệc ăn mừng chiến thắng.

Kể từ sau thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 7, Thủ tướng Nhật Bản đã vấp phải hàng loạt trở ngại khi muốn thông qua các chính sách, vì ý kiến của ông không chỉ vấp phải sự phản đối từ các đảng đối lập mà còn ngay tại nội bộ DPJ. Trong khi đó, Quốc hội luôn trong tình trạng chia rẽ với DPJ kiểm soát Hạ viện nhưng phe đối lập lại kiểm soát Thượng viện. Hiện nay, dư luận đang chú ý xem liệu Thủ tướng có bổ nhiệm cựu Tổng Thư ký DPJ Ichiro Ozawa, đối thủ của ông trong cuộc đua hôm 14/9 và là người đang đứng đầu phái lớn nhất trong DPJ, vào một vị trí quan trọng trong DPJ hay trong nội các hay không. Có ý kiến cho rằng DPJ không thể điều hành Chính phủ nếu không có sự hợp tác của ông Ozawa. Có khả năng Thủ tướng Kan sẽ thành lập nội các mới vào đầu tuần tới.

Ngoài tình hình nội bộ DPJ, thách thức với thủ tướng Nhật Bản là ngồn ngộn các vấn đề từ kinh tế tới an ninh quốc phòng, đối ngoại.

Trong nước là tình trạng thiểu phát, đồng yên tăng giá bất thường tới mức cao nhất trong 15 năm gần đây so với đồng USD, tỷ lệ thất nghiệp và nợ công chồng chất với hơn 10.000 tỷ USD (gấp đôi GDP năm 2009), dân số già và nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái kép. Tóm lại, thách thức vô cùng quan trọng là thúc đẩy nền kinh tế đang chật vật phục hồi sau cơn bão khủng hoảng.

Khi ông Kan vừa tái đắc cử chức DPJ, đồng yen đã tăng giá ngay lập tức, chính phủ đã phải ra tay hành động. Ngày 15/9, lần đầu tiên từ 6 năm qua, chính quyền Nhật Bản đã đơn phương can thiệp vào thị trường hối đoái để làm giảm giá đồng yen, vốn đang ở mức cao nhất đối với đồng USD kể từ 15 năm qua, và đối với đồng euro từ 10 năm nay. Sự can thiệp đơn phương của Nhật Bản để giảm giá đồng yen làm cho thị trường sửng sốt. Thủ tướng Naoto Kan tự tin rằng sự can thiệp này chắc chắn sẽ có tác động tích cực tới thị trường. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu Bộ Tài chính Nhật có quyết tâm thực hiện một chiến dịch lâu dài nhằm ngăn chặn đà tăng giá của đồng tiền Nhật Bản hay không. Đây lại là bài toán hóc búa nữa cho Thủ tướng Nhật Bản.

Trước đó, chính quyền Tokyo đã thông qua một gói kích thích kinh tế bổ sung trị giá 11 tỷ USD để kích thích nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, cùng lúc xem xét khoản bổ sung ngân sách cho tài khóa 2010. Nhưng hiện ngay trong DPJ và giữa DPJ cầm quyền với các đảng phái đối lập có sự bất đồng về thời điểm và quy mô của khoản ngân sách bổ sung trên. Nhiều khả năng nội bộ DPJ sẽ tiếp tục gặp nhiều bất đồng trong việc dự thảo ngân sách tài khóa 2011

Về đối ngoại, những xử lý liên quan đến quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, không chỉ quanh vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tiễu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ngày 7/9, cũng đang là sức ép với chính phủ Thủ tướng Kan. Trong Sách trắng quốc phòng năm 2010, được công bố ngày 10/9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các lực lượng quân sự Mỹ tại Nhật Bản và bày tỏ mối quan ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Vấn đề căn cứ Futenma tại Okinawa, vốn đã khiến cựu Thủ tướng Hatoyama phải từ chức, cũng sẽ là một mấu chốt quyết định sự thành bại của chính quyền Kan trong thời gian tới. Mặc dù đã đồng ý sẽ di chuyển căn cứ Futenma tới vịnh Henoko thuộc thành phố Nago, nhưng trên thực tế, Nhật-Mỹ vẫn chưa nhất trí được các nội dung cụ thể liên quan tới phương pháp thực hiện và vị trí cụ thể cũng như các vấn đề kỹ thuật khác.

Với tất cả những vấn đề này, người dân Nhật Bản đang chờ đợi những quyết định bước ngoặt của chính phủ.

Nguyễn Viết
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm