1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ký ức về Libăng ám ảnh người Israel

Xung đột với Libăng ám ảnh người Israel không khác gì nỗi ám ảnh của người Mỹ với cuộc chiến ở Việt Nam. Giờ đây, dù tỷ lệ người Do Thái ủng hộ chiến dịch chống Libăng cao hơn trước, ký ức cũ khiến họ không yên.

Năm 1982, khi quân đội Israel lăn bánh xe tăng qua biên giới với Libăng, Michael Oren là một lính dù dự bị trong đội hình dự kiến sẽ chỉ tiến sâu 40 km vào lãnh thổ nước láng giềng.

 

Tel Aviv đặt tên cho chiến dịch này là "Chiến dịch hòa bình cho Galilee", và Oren nghĩ nhiệm vụ của anh chỉ là đẩy lui những tay súng Palestine để họ khỏi bắn vào miền bắc Israel mà thôi.

 

Thế rồi đơn vị của Oren được lệnh tới Beirurt. "Đột nhiên chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đang làm việc gì đó kinh khủng và nguy hiểm hơn nhiều", ông nhớ lại cuộc chiến năm 1982 khiến 1.500 quân nhân Israel bỏ mạng.

 

Cuộc chiến đen tối đó ám ảnh nhiều người Israel, giống như người Mỹ bị ám ảnh về cuộc chiến ở Việt Nam. Giờ đây, cho dù tỷ lệ người Israel ủng hộ chiến dịch chống Libăng cao hơn trước, những ký ức cũ vẫn khiến họ không yên trước nguy cơ một cuộc chiến trên bộ, đối mặt với lực lượng du kích đầy quyết tâm ở bên kia biên giới.

 

Sự lo ngại về nguy cơ thương vong khiến Tel Aviv loay hoay trong việc lựa chọn cách thức tiến hành chiến dịch quân sự.

 

"Nhiều người Israel coi Libăng là một đầm lầy. Libăng là nơi mà những nước như Syria hay Iran thực hiện mong muốn của họ đối với khu vực", David Makovsky, cựu phóng viên ngoại giao của tờ Haaretz, bình luận.

 

Hai chiếc Apache của Israel rơi trong vòng chưa đầy một tuần khiến nhiều binh sĩ nước này bị thương. Sự kiện gợi lại những ký ức về vụ rơi hai trực thăng vận tải của Israel ở gần biên giới với Libăng năm 1997, khiến 73 quân nhân Do Thái thiệt mạng.

 

Các phương tiện truyền thông Israel loan tin bộ binh nước này đang tiến sâu vào nam Libăng, nhằm vào một số thành phố để quét lực lượng du kích Hezbollah khỏi căn cứ. Nhưng chi tiết của những chiến dịch này vẫn nằm trong vòng bí mật. Hiện các con số được đưa ra chỉ là 377 thường dân Libăng và 37 người Israel thiệt mạng.

 

"Tôi muốn các binh sĩ về nhà. Đó là điều khiến tôi quan tâm nhất, chứ không phải tên lửa Katyusha", Michal Porat, một cư dân ở Kibbutz Hanita, nơi nằm gọn trong tầm bắn của tên lửa Hezbollah, nói. "Chúng ta không nên đánh bằng quân bộ. Nguy hiểm lám. Chúng ta cần thương lượng và đi đến thỏa thuận ngoại giao".

 

Chuyện Hezbollah bắt cóc línhh Israel, nã pháo vào vùng biên giới phía bắc nước này, và rồi Israel trả đũa bằng cách oanh tạc chỉ là một phần trong cả tiến trình đầy bạo lực xuyên biên giới kéo dài hơn 30 năm nay.

 

Những năm 1970, các cuộc giao tranh qua biên giới được tiến hành giữa lực lượng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat. Năm 1978, quân đội Israel tấn công sâu vào Libăng để đẩy PLO về phía bắc sông Litani. Tel Aviv sau đó đồng ý rút lui theo thỏa thuận để lực lượng của LHQ duy trì ở nam Libăng cho đến ngày nay. Tuy nhiên sự hiện diện của đội quân gìn giữ hòa bình này bị đánh giá là không hiệu quả.

 

Cuộc tấn công của Israel năm 1982 bị đặc biệt lên án do đã để xảy ra vụ thảm sát Sabra và Shatila. Trong đó các nhóm bán vũ trang của người Thiên chúa giáo kết hợp với binh sĩ Do Thái tiến hành tàn sát hàng trăm người Palestine, làm dấy lên phong trào phản chiến chưa từng có ngay trong lòng Israel, dẫn đến việc thủ tướng khi đó Menachem Begin từ chức.

 

Israel chiếm giữ một vùng đệm mỏng ở nam Libăng, nhưng dần dần bị mất sự ủng hộ và cuối cùng quyết định rút quân vào tháng 5/2000. Khi đó trên trang nhất các báo đầy những bức ảnh lính Israel tươi như hoa, ngồi trên các xe tăng, vẫy cờ Israel đi về nước. Tuy nhiên cuộc rút lui này cũng bị đánh giá là vội vàng và thiếu tổ chức. Một số người Israel cho rằng chính việc rút quân này tạo điều kiện cho cuộc nổi dậy của người Palestine vài tháng sau đó.

 

Tuy nhiên hầu như không một người Israel nào cho rằng quân đội của họ cần phải ở lại nam Libăng. Hezbollah được đánh giá là quá thiện chiến và lại đánh nhau trên chính "sân nhà" của họ ở nam Libăng. Các tay súng của lực lượng này dường như được huấn luyện bài bản hơn nhiều so với các chiến binh Palestine ở dải Gaza và Bờ Tây.

 

Hầu hết người Israel thừa nhận rằng họ không thể thắng Hezbollah nếu cứ tránh cuộc giao tranh trên bộ. Tuy thế, họ hy vọng rằng chiến dịch không kích hiện nay sẽ khiến chính phủ Libăng phải tự chiến đấu với Hezbollah.

 

"Rõ ràng là không thể quyết định số phận một cuộc chiến từ trên không, nhưng chiến tranh du kích cũng không phải là điều nên làm", Itzik Maloul, một người dân Israel nói. "Có những cách khác, tuy là kém đạo đức hơn. Người Israel đã không có mặt ở đó 6 năm rồi, và biết rõ điều gì đang chờ họ".

 

Theo T.H.

Vnexpress/CSM