Ký ức khó quên của thợ lặn cuối cùng rời hang Tham Luang
(Dân trí) - Trở về Australia sau chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan, bác sĩ Richard Harris vẫn không thể quên những khoảnh khắc kỳ diệu mà ông cùng các thợ lặn khác đã trải qua tại hang Tham Luang.
Trong bài viết chia sẻ trên Facebook khi trên đường trở về Australia bằng một máy bay vận tải, bác sĩ Richard Harris đã nhắc lại những nỗ lực của các thợ lặn Thái Lan và thợ lặn quốc tế khi giải cứu đội bóng thiếu niên sau 18 ngày bị mắc kẹt trong hang Tham Luang. Trước đó, ông đã lập tức hủy một chuyến nghỉ dưỡng được lên kế hoạch từ trước và đáp máy bay đến phía bắc Thái Lan để tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng.
Bác sĩ Harris và thợ lặn Craig Challen là hai trong số các thành viên của nhóm hỗ trợ y tế Australia (AUSMAT) được cử tới giúp đỡ chính phủ Thái Lan trong chiến dịch đưa 13 người bị mắc kẹt trong hang Tham Luang ra ngoài. Bác sĩ Harris được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho từng cầu thủ nhí và huấn luyện viên trong mỗi đợt giải cứu, và ông cũng là người đưa ra quyết định về việc ai sẽ là người được đưa ra khỏi hang trước và ai sẽ ở lại chờ ra sau.
“Tôi đang ngồi ở phía sau của máy bay RAAF C17 và trên đường trở về Australia với Craig cùng các thành viên tuyệt vời của đội Australia. Tôi nhận thấy đây là cơ hội đầu tiên để tôi có thể tạm nghỉ và nhìn lại những sự kiện phi thường xảy ra trong suốt 8 ngày vừa qua kể từ khi tôi và Craig được cử tới tham gia chiến dịch giải cứu ở Chiang Rai, phía bắc Thái Lan với tư cách là đội AUSMAT”, ông Harris viết trên Facebook.
Trong bài viết của mình, bác sĩ người Australia đã ghi nhận những đóng góp của tất cả các cá nhân tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan, thậm chí có những thợ lặn sẵn sàng đảm nhận những phần việc khó nhất để mở đường cho những người vào sau.
“Vào thời điểm chúng tôi đến hiện trường vụ giải cứu, các thợ lặn địa phương như Ben Reymenants và nhóm 4 thợ lặn tuyệt vời từ Anh (gồm John Volanthen, Rick Stanton, Jason Mallinson và Chris Jewell) đã thực hiện những hành trình lặn khó khăn nhất vào trong hang và đặt sẵn các dây thừng để chuẩn bị cho những lần lặn tiếp theo tới chỗ đội bóng đồng thời đảm bảo an toàn cho các thợ lặn. Không thể đánh giá thấp những nỗ lực và kỹ năng của các thợ lặn này trong việc đi tiên phong trong chiến dịch giải cứu. Việc đi theo một con đường do người khác mở sẵn dễ dàng hơn rất nhiều với việc bạn phải tự tìm đường đi cho mình”, bác sĩ Harris bình luận.
“Rick và John không chỉ tìm ra bọn trẻ và huấn luyện viên vẫn còn sống, mà còn thông báo về sự nghiêm trọng của tình hình với những người còn lại để từ đó chiến dịch cứu hộ có thể bắt đầu. 4 thợ lặn Anh sau đó tiếp tục dạy lặn cho các cầu thủ, huấn luyện viên và 4 đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan nhằm giúp họ chuẩn bị và tự bảo vệ bản thân trong chiến dịch giải cứu”, bác sĩ Harris cho biết.
Nỗ lực chung
Theo bác sĩ Harris, thành công của chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan là sự phối hợp của nhiều lực lượng với những vai trò khác nhau.
“Trên mặt đất, chính quyền Thái Lan và cộng đồng quốc tế đã cử rất đông những người đàn ông và phụ nữ tới hỗ trợ mọi thứ, từ cung cấp thực phẩm, liên lạc, truyền thông và đông đảo nhân sự giúp đưa vào hang hàng tấn trang thiết bị để giúp rút bớt nước và duy trì các hoạt động lặn. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng nào như vậy khi con người phải chiến đấu để chế ngự sức mạnh tự nhiên của nước mưa. Các nhóm leo núi vẫn lùng sục khắp các bụi cây để tìm thêm lối vào hang. Các nhóm khoan nỗ lực tìm cách xuyên thủng gần một km đá để tiếp cận vị trí của đội bóng. Trong khi đó, 4 đặc nhiệm SEAL dũng cảm vẫn ở bên cạnh đội bóng Lợn Rừng và họ biết rằng họ cũng đang ở trong tình thế nguy hiểm không khác gì bọn trẻ”, ông Harris kể lại.
Mặc dù được truyền thông ca ngợi là “người hùng” khi tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan, song bác sĩ Harris cho rằng ông chỉ đóng góp một phần trong nỗ lực chung cả cả nhóm. Ông cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình cựu đặc nhiệm SEAL Saman Gunan, người đã thiệt mạng khi tham gia giải cứu đội bóng tại hang Tham Luang.
“Tôi muốn viết ra những điều này để tri ân tất cả những người đã tham gia chiến dịch giải cứu. Craig và tôi đã được chú ý vì những nỗ lực của chúng tôi, nhưng tôi muốn mọi người nhận ra rằng, mặc dù chúng tôi có thể được xem là gương mặt đại diện cho chiến dịch giải cứu này vì lý do nào đó, nhưng mọi người nên nhớ vai trò của chúng tôi cũng không quan trọng hơn hàng trăm (thậm chí hàng nghìn) con người mà tôi vừa đề cập đến ở trên. Chúng tôi (Craig và Harris) chỉ xem mình là những người may mắn có một số kỹ năng mà chúng tôi có thể đóng góp vào kết quả tuyệt vời của chiến dịch”, bác sĩ Harris nhấn mạnh.
Bác sĩ Harris được đánh giá là gương mặt không thể thiếu trong chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan. Ông đã thuyết phục chính quyền Thái Lan thay đổi kế hoạch giải cứu, ưu tiên đưa những người yếu hơn ra trước vì lo ngại các em có thể sẽ không chịu đựng thêm nếu tiếp tục ở trong hang. Ông được cho là người đã đưa ra ý tưởng sử dụng thuốc an thần để giúp các cầu thủ giữ bình tĩnh, tránh sự hoảng loạn trong lúc giải cứu.
Sau khi toàn bộ 13 người bị mắc kẹt được đưa ra khỏi hang trong đợt giải cứu cuối cùng hôm 10/7, bác sĩ Harris và 3 đặc nhiệm SEAL của Thái Lan vẫn đang dò đường trong hang để ra ngoài. Vài giờ sau đó, tất cả đã vượt hang an toàn và bác sĩ Harris là người cuối cùng bước ra.
Tuy vậy, niềm vui của bác sĩ Harris đã không trọn vẹn. Trong khi đang tham gia chiến dịch giải cứu tại Thái Lan, bác sĩ Harris nhận được tin cha ông đã qua đời tại quê nhà Adelaide. Ông đã không thể ở bên cạnh người cha của mình trong những giây phút cuối cùng, nhưng ở một nơi khác ông đã mang lại sự sống cho những đứa trẻ.
Thành Đạt
Theo Guardian