1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kỳ Giáng sinh buồn ở châu Âu

Tuần lễ mở đầu cho kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới đã bắt đầu với một loạt vụ tấn công khủng bố gây rúng động thế giới. Dồn dập trong vòng 24 giờ, tính từ chiều 19 đến ngày 20-12, ít nhất ba vụ tấn công khủng bố đã xảy ra ở châu Âu.

Một cảnh sát đã bắn chết Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov, trong khi đó một tay súng gốc Somali nã đạn làm nhiều người bị thương tại Zurich (Thụy Sĩ). Rùng rợn hơn, một xe tải hạng nặng đã lao vào đám đông trong một khu chợ Giáng sinh sầm uất ở thủ đô Berlin của Đức, làm ít nhất 12 người chết, hàng chục người bị thương.

Ngày 19-12 trở thành ngày u ám của toàn châu Âu trong bối cảnh cơn ác mộng khủng bố vẫn đeo bám lục địa này.

Cảnh sát điều tra hiện trường vụ đâm xe tải. (Nguồn: THX/TTXVN).
Cảnh sát điều tra hiện trường vụ đâm xe tải. (Nguồn: THX/TTXVN).

Vụ ám sát Đại sứ Nga Andrei Karlov xảy ra ngay giữa ban ngày và trước mặt nhiều người đã gây rúng động không chỉ với nước Nga mà cả thế giới. Trong video quay tại hiện trường, vụ ám sát được tên Mevlut Mert Aydintas, 22 tuổi, một cảnh sát mới bị sa thải, thực hiện rất chuyên nghiệp.

Hung thủ đi đi lại lại phía sau Đại sứ Andrei Karlov khá lâu để chờ thời điểm nổ súng. Khi thấy thời điểm thích hợp, hắn rút súng và bắn rất nhanh vào Đại sứ Andrei Karlov. Ông Karlov bị trúng nhiều phát đạn và không qua khỏi do vết thương quá nặng. Sát thủ Aydintas đã bị lực lượng an ninh hạ gục sau đó.

Mặc dù kết quả điều tra cuối cùng chưa được công bố, song những gì diễn ra trong vụ ám sát cho thấy đây là một tội ác man rợ, được tính toán lên kế hoạch và chọn thời điểm kỹ lưỡng, nhất là khi Đại sứ Nga tham dự một sự kiện văn hóa mang ý nghĩa biểu tượng trong quan hệ hai nước, đó là triển lãm ảnh "Nước Nga trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ" ở thủ đô Ankara.

Nhưng dù tiến hành độc lập hay dưới sự chỉ huy của một tổ chức và dưới bất cứ hình thức nào, việc tấn công sát hại một nhà ngoại giao là hành động cần phải bị lên án và trừng trị thích đáng, và theo như lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, “chúng ta không thể chấp nhận bất kỳ sự biện minh nào cho hành vi tấn công nhằm vào dân thường và nhân viên ngoại giao”.

Vậy động cơ nào khiến hung thủ Aydintas ra tay sát hại Đại sứ Karlov? Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdorgan đã lên tiếng cáo buộc vụ ám sát Đại sứ Karlov nhằm phá hoại quan hệ Nga-Thổ đang dần tốt đẹp thời gian gần đây sau một thời gian dài rơi vào khủng hoảng liên quan tới việc Ankara bắn rơi máy bay Su-24 của Nga năm 2015.

Nếu đúng như vậy, có lẽ bọn khủng bố đã đi sai nước cờ. Quan hệ Nga-Thổ từng “đóng băng” sau vụ binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga và tiếp đó là hàng loạt đòn trả đũa kinh tế, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho cả đôi bên. Song đến nay, căng thẳng giữa hai nước đã “tan băng” sau quyết định xin lỗi Moskva của Tổng thống Erdogan cũng như thiện chí gần đây của Tổng thống Putin đối với chính quyền Ankara sau cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 vừa qua.

Quan hệ hai nước được khai thông, mở ra một chương mới hợp tác chặt chẽ trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến an ninh quốc phòng, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. Từ đối thủ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này, Moskva và Ankara đang trở thành đối tác thân cận của nhau.

Mặc dù vẫn còn những bất đồng trong vấn đề Syria, bao gồm cả số phận của Tổng thống Bashar Al Assad, song Moskva và Ankara lại có cùng mục tiêu chống khủng bố, đồng thời việc sớm ổn định tình hình ở Syria không chỉ giúp loại bỏ một mối đe dọa về an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn góp phần nâng cao uy tín và ảnh hưởng của nước này, cũng như của Nga trong khu vực và trên trường quốc tế.

Do vậy, việc cố ý tạo ra một “scandal ngoại giao” nhằm hủy hoại tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tiến trình hòa bình ở Syria sẽ chỉ khiến cho Moskva và Ankara xích lại gần nhau hơn. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có lợi ích cả về địa chính trị lẫn kinh tế khi hai nước bình thường hóa quan hệ, do đó không dễ gì ông Putin và ông Erdogan cho phép làm sứt mẻ quan hệ hai nước thêm một lần nữa.

Vài giờ sau vụ ám sát Đại sứ Andrei Karlov, một vụ xe tải lao vào đám đông ở chợ Giáng sinh tại thủ đô Berlin (Đức) và vụ xả súng ở Thụy Sĩ đã khiến bầu không khí trước thềm Giáng sinh và năm mới càng thêm u ám.

Không phải vô cớ những kẻ khủng bố Hồi giáo lại chọn khu chợ Giáng sinh ở Berlin để thực hiện vụ tấn công. Mục đích của chúng là gieo rắc nỗi sợ hãi lên nơi tập trung đông người với việc tạo ra nỗi khiếp sợ ngay “trái tim nước Đức”, bọn khủng bố đã phát động một cuộc chiến tranh chống lại nước Đức, chống lại châu Âu.

Nga và các nước đầu tàu châu Âu như Đức, Pháp sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn khủng bố lộng hành và chắc chắn một cuộc chiến chống khủng bố mới sẽ sớm được triển khai, nhằm đối phó với những nguy cơ, thách thức mới.

Cho đến nay, cơ quan chức năng chưa tìm thấy có mối liên hệ nào giữa ba vụ tấn công trên. Song việc ba vụ tấn công xảy ra trong vòng 24 giờ đã đẩy châu Âu nói riêng, thế giới nói chung đối diện với những nguy cơ khủng bố mới. Thế giới đang khép lại năm 2016 với những sự kiện buồn và châu Âu đang đối diện với một mùa Giáng sinh không an lành.

Theo Linh Oanh

Quân đội nhân dân