1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kuril, vấn đề làm đau đầu các nhà ngoại giao Nga-Nhật

(Dân trí) - Từ năm 1945, quan hệ giữa Nhật Bản và Liên Xô trước đây và với Nga bây giờ vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi những bất đồng xung quanh vấn đề chủ quyền của bốn hòn đảo thuộc quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc.

 
Kuril, vấn đề làm đau đầu các nhà ngoại giao Nga-Nhật - 1

Ví trí quần đảo Kuril

Lịch sử để lại

Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía Bắc là một quần đảo núi lửa trải dài khoảng 1.300 km về phía đông bắc từ Hokkaido (Nhật Bản) tới Kamchatka (Nga), chia tách biển Okhotsk từ phía bắc Thái Bình Dương. Quần đảo này có khoảng 56 đảo và nhiều đảo đá nhỏ khác.

Ngày 8/8/1945, chỉ 2 ngày sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và một tuần trước khi Nhật Bản đầu hàng, Liên Xô chính thức tham gia cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Lực lượng của Liên Xô nhanh chóng có mặt trên lãnh thổ Nhật Bản, kể cả đảo Sakhalin và quần đảo Kuril mà họ tin rằng sẽ làm chủ theo các thỏa thuận chiến tranh. Các chuyên gia Nga cho rằng về lý thuyết thỏa thuận vẫn ở trên bàn.

Mátxcơva cho rằng 4 hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi phía bắc Hokkaido là lãnh thổ của Nga và thực tế đó đã được các thỏa thuận trong thời gian chiến tranh giữa các nước Đồng minh tại Yalta và Posdam công nhận. Với dân số khoảng 18.000 người, đây từng là một khu vực bị lãng quên từ chiến tranh. Tuy nhiên, nhiều hòn đảo ở đây đã giúp Nga phát triển các ngư trường giá trị, quản lý nhiều khu mỏ quan trọng và thậm chí có khả năng phát hiện nhiều khu vực khí đốt và dầu lửa. Nga đã liên tục có những động thái khẳng định chủ quyền sau khi cho rằng vào tháng Chín vừa qua, đúng thời điểm kỷ niệm 65 năm kết thúc Đại chiến thế giới II, Nhật Bản đã tuyên bố công khai về những yêu sách lãnh thổ của mình.

Ngày 1/11, Tranh cãi về vấn đề chủ quyền lại nổi lên giữa Nhật Bản và Nga khi lần đầu tiên từ 65 năm qua, một lãnh đạo Nga khi đi thăm đảo Kunashiri, một trong 4 đảo Kuril, nơi mà phân nửa dân số sống dưới mức nghèo khó. Báo giới Nga cho rằng việc Tổng thống Medvedev vượt hàng nghìn cây số đến đây không chỉ để chứng tỏ với người dân Siberia và Viễn Đông rằng ông quan tâm đến những hòn đảo này, mà còn là dấu hiệu khẳng định với Nhật Bản rằng “Tokyo muốn thảo luận vấn đề đó họ cần phải ngồi vào bàn đàm phán với chúng tôi”. Quả thật, chưa có cuộc đàm phán nào về Kuril/Vùng lãnh thổ phía Bắc từ trước đến nay.

Lập trường của Nhật Bản là những hòn đảo này thuộc chủ quyền lãnh thổ của Nhật. Tokyo tuyên bố không chấp nhận được hành động của Mátxcơva “lợi dụng cơ hội Nhật Bản bại trận để đánh chiếm” quần đảo chiến lược và nhiều hải sản này. Tokyo cho rằng không giống các cuộc chuyển giao lãnh thổ sau Chiến tranh Thế giới Thứ II khác, trường hợp quần đảo Kuril vẫn chưa rõ ràng và phải được đàm phán hơn nữa. Vì vậy mà thủ tướng Nhật Naoto Kan tuyên bố, sự có mặt của tổng thống Nga trên hòn đảo đó là điều "đáng tiếc".

Năm 1956, cựu Thủ tướng Ichirro Hatoyama, ông nội của cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama đã ký với Liên Xô tuyên bố chung mở đường thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, từ đó đến nay, quần đảo Kuril vẫn luôn là nguồn xung khắc giữa Nhật và Nga. Hầu hết các chuyên gia cho rằng số phận của quần đảo Kuril là lý do duy nhất mà Nhật Bản và Nga không ký được một hiệp ước hòa bình chính thức trong 65 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc.
 
Kuril, vấn đề làm đau đầu các nhà ngoại giao Nga-Nhật - 2
 
Một góc quần đảo Kuril

Chiều hướng nào?

Chuyến thăm của Tổng thống Medvedev tới đảo Kunashiri diễn ra giữa lúc quan hệ Nhật-Trung vẫn căng thẳng sau vụ va chạm tàu giữa hai nước ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hôm 7/9, trong khi quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ cũng đang ở “trục trặc” do vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ ở tỉnh Okinawa.

Phía Nhật Bản đã có phản ứng quyết liệt đối với động thái của phía Nga. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố trước Quốc hội rằng quyết định của Tổng thống Nga “là một hành động rất đáng tiếc”. Tokyo đã triệu Đại sứ Nga tại Tokyo đến Bộ Ngoại giao để đưa công hàm chính thức phản đối, và sau đó là quyết định triệu hồi đại sứ tại Mátxcơva. Phía Nga thì tuyên bố phản ứng của Nhật Bản là "không thể chấp nhận".

Khác với thái đội trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc, Nhật Bản có vẻ giữ lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga. Lý do là vì lợi ích kinh tế của Nhật Bản ở Nga không lớn như ở Trung Quốc và do áp lực dư luận trong nước, đặc biệt là khi tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Kan đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi được thành lập. Ngoài ra, trong cuộc tranh cãi này, Tokyo được sự hậu thuẫn của Mỹ ngay từ đầu. Trong tuyên bố đưa ra ngay trong ngày 1/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley tuyên bố Washington ủng hộ Nhật Bản trong vụ tranh chấp các hòn đảo với Nga.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng việc triệu hồi đại sứ có thể là hành động trả đũa đầu tiên của Nhật Bản đối với Nga. Nhưng rõ ràng là Tokyo không muốn lao vào một cuộc chiến ngoại giao khác trong lúc căng thẳng trong quan hệ Nhật-Trung xung quanh tranh chấp trên biển Hoa Đông chưa chấm dứt. Nhật Bản vẫn duy trì chủ trương đối thoại. Nga cũng chắc chắn không muốn có một cuộc chiến ngoại giao vì nó không có lợi cho cả hai nước. Nhiều khả năng Nhật Bản và Nga sẽ dàn xếp một cuộc gặp giữa Thủ tướng Kan và Tổng thống Medvedev bên lề Hội nghị APEC ở Yokohama (Nhật Bản) vào trung tuần tháng 11 để tránh một cuộc chiến ngoại giao giữa hai nước.

Nguyễn Viết
Tổng hợp