1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kinh tế Trung Quốc qua mô hình “tăng trưởng kiệt sức”

(Dân trí) - Bài phân tích “Mô hình Trung Quốc đang gặp khủng hoảng?” đăng trên báo Le Figaro hôm 31/8 nêu dẫn chứng là các sự kiện mới nhất vừa xảy ra trong mùa hè nóng bỏng, khiến ban lãnh đạo Bắc Kinh có lẽ đang đau đầu trước nhiều câu hỏi nảy sinh trong giai đoạn được coi là thời kỳ chuyển đổi đầy khó khăn này.

Kinh tế Trung Quốc qua mô hình “tăng trưởng kiệt sức” - 1

Thị trường Chứng khoán Thượng Hải mất 41% giá trị trong vòng hai tháng. (Ảnh: STR/AFP)

Vấn đề Tân Cương còn chưa xử lý xong, độ nóng trong lĩnh vực đối nội lại bất ngờ gia tăng bởi khủng hoảng chứng khoán, đồng nhân dân tệ phá giá khiến cho viễn cảnh kinh tế Trung Quốc trở nên u ám trong mắt giới chuyên môn, với cú bồi thêm tiếp theo là “thảm họa” nổ hóa chất kinh hoàng tại thành phố cảng Thiên Tân…

Những điềm xấu đó rõ ràng làm nhạt nhòa đi hình ảnh mà Bắc Kinh đang cố gắng gây dựng xung quanh cái gọi danh hiệu “một cường quốc Trung Quốc”, song theo đánh giá chung của dư luận thế giới là mới nổi mà nhiều tham vọng.

Cũng theo phân tích trên Le Figaro, những khó khăn đó như thêm một hồi chuông cảnh báo về  một mô hình “tăng trưởng đang kiệt sức”, đòi hỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tìm ra những phương thuốc mới để “chữa trị” và hồi phục lại trước hết là với “căn bệnh” đang đẩy nền kinh tế vào cảnh bí ví với con tàu trật đường ray.

Một trong những hình ảnh minh họa sống động về con tàu kinh tế Trung Quốc đang trật đường ray là cổ phiếu không ngớt nhảy múa từ cuối tháng 6, dẫn tới cơn sốt nóng kéo theo cảnh hoảng loạn lan nhanh theo kiểu hiệu ứng domino trên hầu khắp các thị trường chứng khoán thế giới.

Thượng Hải mất 41% giá trị trong vòng hai tháng dù Trung Quốc đã tung ra những biện pháp khẩn cấp cứu nguy.

Cơn sốt chứng khoán được cho là cũng có phần do báo chí cổ vũ thái quá, khiến rất nhiều người không có kinh nghiệm cũng lao vào cuộc chơi cổ phiếu bởi ảo tưởng về lợi nhuận cao vời vợi do chỉ nhìn thấy trước mắt là trong vòng một năm giá trị cổ phiếu đã tăng vọt lên đến 150%.

Có vẻ như chính quyền Bắc Kinh muốn truyền bá nhanh chóng cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa” qua biện pháp “mở ra biên giới mới” cho chứng khoán, giữa lúc thị trường địa ốc suy sụp và tăng trưởng chững lại. Đó được cho là lý do khiến Bắc Kinh vội vã phản ứng ngay sau khi bong bóng đầu cơ vỡ tan, bằng cách tung ra 144 tỉ USD mua vào hàng loạt cổ phiếu.

Nhưng theo chuyên gia Arthur Kroeber làm việc tại Trung tâm Brookings-Tsinghua ở Bắc Kinh, thủ thuật đó lại tỏ ra phản tác dụng và cái gọi là cú hích tài chính tốn kém này đã quá tay. Thay vì thế nên để thị trường tự điều chỉnh theo cách bình thường bởi "nguy cơ lây lan" được cho là không quá cao.

Tác động tâm lý của vụ sụp đổ chứng khoán quả thật khôn lường, mà nghiêm trọng nhất, theo giới chuyên môn là đã làm xói mòn lòng tin vào những “người cầm lái” ở Bắc Kinh vốn trong suốt hai thập kỷ được đánh giá là quản lý ổn thỏa nền kinh tế.

Từ cú vỡ bong bóng chứng khoán đã tạo ra một mớ bòng bong ngờ vực, mà gốc rễ vấn đề theo giới chuyên môn đánh giá là từ sự yếu kém của cơ cấu nền kinh tế.

Sau 30 năm cất cánh ngoạn mục, có vẻ như Trung Quốc lại đang trải qua một thời kỳ quá độ khó khăn. Mô hình tăng trưởng cũ dựa trên xuất khẩu hàng ít giá trị gia tăng và đầu tư, đang hụt hơi, khiến cho tăng trưởng sụt giảm đến mức thấp nhất kể từ 25 năm qua.

Hai vụ nổ vừa xảy ra tại cảng Thiên Tân hôm 12/8 không chỉ gây thiệt hại rất lớn về người và của, mà xem ra cũng góp phần phơi bày rõ ràng thêm nhiều bất cập đe dọa gây hại cho mô hình phát triển "tăng trưởng kiệt sức" của Trung Quốc - điều đã được các nhà phân tích cảnh báo khá nhiều.

Và những khó khăn mới nảy sinh khiến con tàu kinh tế chạy chậm dần có lẽ cũng đã làm xáo trộn “lịch trình” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người cho đến nay vẫn dành ưu tiên cho đối nội và muốn làm sao để Mỹ “đồng đẳng” với Trung Quốc.

Quý Cao

Kinh tế Trung Quốc qua mô hình “tăng trưởng kiệt sức” - 2