1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kinh nghiệm cho Đông Nam Á khi đặt cược "sống chung với Covid-19"

Về lý thuyết, sống chung với Covid-19 có thể đem đến những giải pháp bền vững và lâu dài nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện chiến lược này không hề đơn giản.

Kinh nghiệm cho Đông Nam Á khi đặt cược sống chung với Covid-19 - 1

Người dân đi bộ ở đường Orchard, Singapore ngày 22/7/2021 (Ảnh: CNA).

Đặt cược "sống chung với Covid-19"

Ngày càng nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang dịch chuyển từ chiến lược Không Covid (Zero Covid) sang chính sách sống chung với dịch bệnh này, thậm chí giữa bối cảnh biến thể Delta đang gây ra những làn sóng lây nhiễm mới khắp khu vực.

Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều đang định hướng lại chiến lược của mình từ việc coi Covid-19 là một đại dịch sang một bệnh đặc hữu khi tham khảo lộ trình mà Singapore công bố hồi tháng 6, cũng như các quốc gia ở châu Âu, Anh và Mỹ, sau nhiều tháng phong tỏa nhưng chưa thể chấm dứt sự lây nhiễm Covid-19.

Tại Indonesia, các nhà chức trách đang xây dựng các biện pháp để sống chung với Covid-19. Mọi người sẽ vẫn phải đeo khẩu trang và mang theo giấy chứng nhận tiêm vaccine khi đi lại.

"Tôi không nghĩ nền kinh tế của chúng tôi và bất kỳ nền kinh tế nào trên toàn cầu có thể tiếp tục như thế này mãi. Chúng ta phải thay đổi thái độ, hành vi, thói quen hoặc bất kỳ điều gì để tiếp tục tồn tại", Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan nhận định.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế mới được bổ nhiệm Khairy Jamaluddin đã vạch ra kế hoạch dài hạn nhằm đối phó với Covid-19 thông qua việc xét nghiệm thường xuyên, mở rộng đeo khẩu trang bắt buộc và cách ly tại nhà với những người mắc bệnh.

Quốc gia này cũng đặt mục tiêu dịch chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là bệnh đặc hữu vào cuối tháng 10 khi 80% dân số đã được tiêm vaccine.

Thái Lan bắt đầu mở cửa trở lại một số ngành kinh tế, nối lại các chuyến bay nội địa và cho phép tập trung lên tới 25 người ở Bangkok cũng như những tỉnh có rủi ro cao từ 1/9, giữa bối cảnh quốc gia này quyết định "cùng tồn tại an toàn" với virus.

Bất kỳ tính toán sai lầm nào đều phải trả giá

Về lý thuyết, sự thay đổi trong việc coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu có thể đưa tới những biện pháp đối phó với dịch bệnh lâu dài khi chiến lược này không đòi hỏi phải phong tỏa toàn bộ khu vực và cũng không gây nên những tác động quá lớn đến nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sống chung với Covid-19 phức tạp hơn nhiều.

Trong những tháng gần đây, số ca mắc Covid-19 tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao như Singapore, Mỹ và Israel đã tăng mạnh. Singapore đang đối mặt với nguy cơ số ca Covid-19 tăng theo cấp số nhân, trong khi Israel tăng cường chương trình tiêm mũi vaccine thứ 3 khi số ca mắc mới tăng lên.

Mỹ hiện có ngày càng nhiều bang yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc sau khi Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ đảo ngược chính sách đeo khẩu trang trong nhà hồi tháng 7, dựa trên những bằng chứng cho thấy những người đã được tiêm vaccine nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus tương tự như những người chưa được tiêm vaccine.

Singapore nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới với 76% dân số được tiêm vaccine đầy đủ, tính tới ngày 5/9. Israel và Mỹ có tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ lần lượt là 63% và 52%.

Nếu như những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao vẫn đang chật vật đối phó với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 khi thử nghiệm "sống chung với virus" thì việc mở cửa trở lại ở những nơi mà phần lớn dân số chưa được tiêm vaccine như Indonesia, Thái Lan... thậm chí rủi ro hơn nhiều.

Tại Indonesia, khoảng 24% trong số 270 triệu người đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 trong khi tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ trong toàn bộ dân số là 14%.

Quốc gia này từng là tâm điểm trong cuộc khủng hoảng Covid-19 ở châu Á cách đây 2 tháng khi ghi nhận tới 54.517 ca mắc trong ngày 14/7. Số ca mắc kể từ đó đã giảm mặc dù các chuyên gia cảnh báo Indonesia vẫn là điểm nóng có nguy cơ cao xuất hiện siêu biến thể mới.

Thái Lan đã tiêm vaccine cho 33% dân số, song tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ vẫn ở mức thấp, chỉ 11%.

Malaysia đang ở một vị trí thuận lợi hơn khi độ phủ vaccine hiện tương đương với Mỹ khi mà 63% dân số được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Đối với tỷ lệ dân số đã tiêm vaccine đầy đủ, Mỹ vẫn dẫn trước với 52% trong khi tỷ lệ này ở Malaysia là 49%.

Mặc dù đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, Malaysia vẫn ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 và số ca mắc trên 1 triệu dân ở mức cao trong khu vực. Điều đó cho thấy chỉ tiêm vaccine sẽ không ngăn được virus lây lan.

Các biện pháp y tế công cộng khác như xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly nhanh chóng vẫn là chìa khóa để hạn chế sự lây lan của virus. Nếu không thể thực hiện hiệu quả các biện pháp can thiệp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh này, hệ thống y tế sẽ nhanh chóng bị quá tải như những gì từng chứng kiến ở nhiều khu vực Đông Nam Á hồi tháng 7.

Nói cách khác, sống chung với virus cũng phải trả một cái giá không mấy dễ dàng. Mức độ phơi nhiễm càng cao, rủi ro sẽ càng lớn. Với các hệ thống y tế của khu vực vẫn còn mong manh, bất kỳ sự tính toán sai lầm này đều có thể dẫn đến thảm họa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm