Kim Jong Un sẽ "đăng quang" tại đại hội đảng?
CHDCND Triều Tiên sắp tổ chức Đại hội Đảng Lao động đầu tiên sau hơn 3 thập kỷ.
Tờ Japan Times nhận định, đây sẽ là dịp để nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un gắn chặt vị thế lãnh đạo tối cao của đất nước, để cho người dân trong nước và thế giới thấy rõ: Ai là người đang nắm quyền.
Lần gần đây nhất Đại hội được tổ chức là cách đây 36 năm, dưới thời lãnh tụ Kim Nhật Thành – người sáng lập và cũng là ông nội của Kim Jong Un. Kể từ năm 1946 đến nay, Đảng tổ chức có 7 kỳ đại hội.
Đại hội lần này được cho là tập trung chủ yếu vào bản thân ông Kim Jong Un, đánh giá thành tích của ông và chính sách "byungjin" – theo đuổi phát triển kinh tế đồng thời với vũ khí hạt nhân.
Andrew O’Neil, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Griffith ở Australia, nhận định đây “sẽ là một lễ đăng quang cho Kim Jong Un”, tương tự như sự kiện ra mắt chính thức của ông Kim Jong Il – cha của Kim Jong Un – hồi năm 1980.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần 4 vào tháng 1, sau đó là loạt thử nghiệm vũ khí lúc thất bại, lúc thành công.
Hôm 3/5, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã hoàn tất các bước chuẩn bị cho lần thử hạt nhân thứ 5. Theo phía Hàn Quốc, đây được coi là một trong những hành động có thể "gây hấn hơn nữa về mặt chiến lược" trước khi Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra.
Một số nhà phân tích tin rằng, đại hội lần này sẽ cân nhắc các biện pháp để chính thức hóa các thể nghiệm kinh tế dựa trên thị trường, và thậm chí có thể thông báo các biện pháp dỡ bỏ một số rào cản đối với nền kinh tế. Mặc dù vậy, ông Kim sẽ cần phải củng cố quyền lực trước khi tiến tới các cải cách – nếu ông thật sự nghĩ tới những việc này.
Kim Jong Un đã tìm cách loại bỏ rất nhiều quan chức cũ được đưa lên từ thời "songun" của cha ông. Chính sách "songun" (Tiên quân chính trị) có thể là trở ngại cho việc lãnh đạo của Kim Jong Un, vì nó đặt phần lớn quyền lực trong tay của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA).
Các nhà phân tích khác đồng tình rằng, hội nghị sẽ là cơ hội để ông Kim đảo ngược chiều hướng này. “Đại hội nhằm tăng cường sức mạnh cho Đảng” – Robert E. Kelly, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, nhận định.
Ông Kelly tin rằng, chính sách "Tiên quân chính trị" đã làm xói mòn kiểm soát dân sự. "Lấy việc tăng cường sức mạnh cho đảng để làm đối trọng là một hành động sáng suốt” – ông Kelly nhận định.
Năm 1980, có 177 đại diện từ 118 quốc gia tham dự Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên. Lần này, không rõ Triều Tiên sẽ mời bao nhiêu quan sát viên nước ngoài. Nga cũng sẽ theo dõi sát sao kỳ họp này.
Đại hội sẽ giải tỏa lo âu của hàng ngũ lãnh đạo cấp cao trong Đảng. Tuy nhiên, theo giáo sư O’ Neill, “ông Kim mới ngoài 30 tuổi, vẫn bị coi là non nớt, thiếu kinh nghiệm, và chắc chắn là cảm thấy ông cần phải chứng tỏ bản thân trước những đối thủ tiềm năng”.
Lê Thu
Vietnamnet