1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kiev muốn tái hòa nhập Crimea: '"Chỉ gây cười"

"Các nỗ lực như vậy không có bất cứ ý nghĩa nào. Thậm chí, tôi nghĩ, chúng chỉ gây cười và sự khó chịu cho cộng đồng quốc tế"

Theo Sputnik, Phó Thủ tướng chính phủ Crimea Georgy Muradov vừa tuyên bố, kế hoạch tái hoà nhập Crimea của chính quyền Ukraine là vô lý và chứng tỏ "sự phá sản quan điểm chính trị".

"Đó chỉ là nỗ lực để một lần nữa thu hút sự chú ý đến tuyên bố của Ukraine về quan điểm liên quan đến những gì đã hoàn toàn bị mất do ý chí của nhân dân Crimea", ông Muradov nói với Sputnik.


Phó Thủ tướng chính phủ Crimea Georgy Muradov

Phó Thủ tướng chính phủ Crimea Georgy Muradov

Theo ông, với sự thiếu thận trọng như vậy Ba Lan cũng có thể lập kế hoạch tái hoà nhập Galicia — khu vực lịch sử của Đông Âu, tương đương với một số tỉnh của Ukraine hiện nay.

"Các nỗ lực như vậy không có bất cứ ý nghĩa nào. Thậm chí, tôi nghĩ, chúng chỉ gây cười và sự khó chịu cho cộng đồng quốc tế. Bằng cách như vậy, Ukraine chỉ có thể hiển thị cho thế giới thấy sự phá sản quan điểm của mình", ông Muradov kết luận.

Phản ứng của chính phủ Crimea diễn ra ngay sau khi chính quyền Kiev đang có kế hoạch tái hòa nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Ukraine. Điều này khiến dư luận hết sức ngạc nhiên bởi chính quyền Tổng thống Poroshenko thừa biết đó là kế hoạch không tưởng nhưng Kiev vẫn thúc đẩy.

Hợp lòng dân

Theo các nhà phân tích, việc Crimea tách khỏi Ukraine không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Moscow, có chăng chính quyền Tổng thống Putin chỉ thiếu một cuộc trưng cầu dân ý cho nhân dân Nga thể hiện quan điểm trong việc đón nhận trở lại bán đảo Crimea. Moscow hoàn toàn không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực trong việc sáp nhập trở lại bán đảo Crimea vào Nga.

Tổng thống Nga tuyên bố chủ quyền với bán đảo Crimea dựa trên kết quả trưng cầu ý dân tại bán đảo này với kết quả là đa số người dân Crimea ủng hộ việc sáp nhập bán đảo vào lãnh thổ nước Nga. Do vậy, xét về mặt pháp lý thì việc Crimea trở thành một thực thể nằm trong cấu trúc của nhà nước Nga là hoàn toàn hợp pháp.

Khi một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức và có kết quả thì chính quyền không thể làm khác với ý nguyện của người dân. Điều đó cho thấy chính quyền Crimea có văn bản đề nghị nhà nước Nga tiếp nhận ý nguyện của người dân Crimea là thuận theo qui luật lịch sử mà nhân dân là chủ thể lịch sử và điều đó cũng phù hợp với luật pháp của bất cứ quốc gia dân chủ nào.

Như vậy, một nhà nước Ukraine đang xây dựng thể chế dân chủ cho đất nước Ukraine mà đặt vấn đề tái hoà nhập Crimea là không phù hợp với thể chế dân chủ, không phù hợp với qui luật phát triển của lịch sử. Điều đó chứng tỏ chính quyền Ukraine hiện nay đang rất bế tắc và họ muốn đưa vấn đề tái hoà nhập Crimea trở thành đột phá khẩu để thoát khỏi tình trạng bế tắc đó.

Việc sáp nhập Crimea là một nước đi chiến lược của Tổng thống Putin, qua đó cuộc xung đột Ukraine thành ván cờ tàn với phương Tây và điều đó đã gây ra rất nhiều hệ luỵ cho chính quyền Poroshenko. Chính vì vậy Kiev tìm mọi cách làm mới trở lại ván cờ tàn từ Crimea. Có thể nhận diện động thái đó từ việc phóng thủ tên lửa đạn đạo gần bán đảo Crimea đến việc lên kế hoạch tái hoà nhập bán đảo chiến lược này vào Ukraine.

Tuy nhiên, Kiev không thể làm mới ván cờ, điều đó một phần vì Ukraine không đủ thế và lực, một phần do chính quyền Kiev yếu về lý, kém về tình trong trường hợp này. Bởi cơ sở cho việc sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga là kết quả một cuộc trưng cầu ý dân mà đa số người dân Crimea có mong muốn bán đảo này về với nước Nga.

Điều Kiev mong đợi

Chính quyền Ukraine thời hậu Yanukovych đang chìm trong hỗn loạn và nạn tham nhũng càng khiến cho phương Tây cảm thấy tiếc những đồng tiền đổ vào ván cờ Ukraine. Và đây chính là cái cớ tốt nhất cho Mỹ và các đồng minh chỉ tài trợ nhỏ giọt cho chính quyền Kiev và đến ngày 26/3/2015 thì ra quyết định tạm ngừng hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

Một chính quyền mới được hình thành đang còn thiếu lực lại phải cùng lúc đối phó với xung đột vũ trang tại miền đông đã khiến cho Kiev hụt hơi, nay thêm việc phương Tây cắt giảm hỗ trợ tài chính khiến Kiev rơi vào khó khăn nghiệt ngã. Đó được xem là nguyên nhân khiến quân đội Ukraine liên tiếp nhận những thất bại trên chiến trường.

Xã hội bất ổn, đất nước xung đột, kinh tế không thể phát triển khiến cho nguồn lực cho hoạt động của chính phủ Ukraine cũng như nguồn ngân sách tài trợ cho các chương trình xã hội tại Ukraine bị thiếu hụt trầm trọng.

Vì vậy viện trợ nước ngoài vẫn là kênh quan trọng nhất tạo nguồn ngân sách cho chính quyền Ukraine và muốn gia tăng viện trợ thì phải làm mới ván cờ tàn.

Rõ ràng, việc làm gia tăng căng thẳng với Moscow quanh bán đảo Crimea là một trong những cách kiếm tiền tốt nhất hiện nay.

Trên thực tế, Crimea đã thuộc về Nga và lệnh trừng phạt Moscow về điều đó cũng sẽ tới lúc phải chấm dứt, song phương Tây sẽ không để yên cho Putin hưởng thành quả từ nước cờ làm bẽ mặt họ. Do vậy, việc dùng Kiev để khuấy động Moscow là tốt nhất. Có thể nhận diện đây là nước đi mang hiệu quả kép.

Phương Tây chỉ cần bơm chút ít cho Kiev là Moscow có thể phải tốn kém rất nhiều trong việc đối phó với sự thách thức từ Ukraine. Moscow sẽ không thể yên ổn nếu chính quyền Ukraine có tiền tài trợ từ phương Tây, bất kể nhiều hay ít.

Vì vậy, Kiev sẽ liên tục làm nóng Crimea, không chỉ có động thái quân sự đe doạ sự bình yên của bán đảo này mà thậm chí còn lên kế hoạch tái hoà nhập Crimea về Ukraine.

Theo Thanh Phong

Báo Đất việt