1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kịch bản nào cho Libya, sau cái chết của ông Gadhafi?

(Dân trí) - Hôm qua, chính phủ mới Libya cam kết rằng trong vòng 48 giờ sẽ thông báo về việc hoàn toàn giải phóng đất nước. Nhưng rõ ràng, với Libya, đây mới là điểm bắt đầu. Con đường phía trước của Libya sẽ là khó khăn và những thách thức.

 
Kịch bản nào cho Libya, sau cái chết của ông Gadhafi? - 1
Người dân ăn mừng sự sụp đổ của chế độ Gadhafi.

Chưa hết nguy cơ nội chiến

Ông Gadhafi thiệt mạng, người dân Libya hy vọng có thể thoát được nguy cơ một cuộc nội chiến kéo dài. Nhưng Libya vẫn có thể phải đối mặt với cơn ác mộng khủng bố giống như tại Iraq hậu chiến tranh. Libya có thể thành lập một chính phủ kế nhiệm vững chắc, hoặc sẽ tiếp tục giai đoạn bất ổn mới, có nguy cơ gây bất ổn các khu vực rộng lớn tại châu Phi và Trung Đông.

Mối đe dọa chiến tranh giữa các bộ lạc nghiêm trọng đến mức người đứng đầu đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (NTC) Mahmoud Jibril tuyên bố ý định từ chức vì không muốn tham gia trò chơi chính trị không rõ kết cục. Tình hình trong nước cực kỳ bất ổn.
 
Truớc mắt, sau 6 tháng xung đột dữ dội, chính quyền mới của Libya nay phải tìm cách vãn hồi hòa bình và công việc đầu tiên của họ là phải thu hồi số vũ khí đang lưu hành gần như tự do trên toàn quốc. Với sự trợ giúp của Mỹ, NTC đã bắt đầu thu hồi vũ khí của lực lượng thân Gadhafi, nhất là các tên lửa đất đối không.

Vấn đề là nguy cơ không loại trừ hiện nay sau sự việc ngày 20/10 chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý chết người của những kẻ đánh bom liều chết Hồi giáo cực đoan. Trong khi đó, 6 tháng chiến tranh đã khiến hàng tấn vũ khí và đạn dược, bị quân đội Libya bỏ lại khi nhà lãnh đạo Gadhafi tháo chạy khỏi Tripoli, có thể rơi vào tay các phe phái trong một cuộc chiến tranh kéo dài trong tương lai.

Nhiều nguồn tin phương Tây cho rằng lực lượng ủng hộ ông Gadhafi đã tích trữ khoảng 20.000 quả tên lửa hiện đại SA-24 của Nga, loại vũ khí phòng không vác vai giống tên lửa Sting của Mỹ, có khả năng bắn hạ máy bay chiến đấu ở độ cao 3.352 m.

Nhà lãnh đạo Libya cũng có những kho tên lửa đất đối không, tìm nhiệt SA-7 và SA-9 nhỏ hơn có khả năng bắn hạ những mục tiêu có tốc độ và tầm bay thấp hơn.

Như vậy, thách thức đầu tiên với chính phủ mới sẽ là vấn đề an ninh: đảm bảo rằng các lực lượng ủng hộ Gadhafi không thể phát động một cuộc chiến tranh du kích, có thể gây bất ổn Libya, cũng như ngành dầu mỏ của nước này.

Hiện giờ, Gadhafi giống như một chiến sỹ tử vì đạo và do đó có thể trở thành động lực để những người muốn phục hồi chế độ cũ tập hợp lại, có thể không phải trong tương lai gần mà trong tương lai trung hoặc dài hạn. Trong khi đó, Saif al-Islam, người con trai có ảnh hưởng rất lớn của ông Gadhafi, vẫn đang lẩn trốn và có khả năng tuyển mộ những tay súng vũ trang.

Tình trạng lan tràn vũ khí ở Libya là một vấn đề lớn đối với chính phủ mới. Cách cư xử của chính phủ mới đối với lực lượng ủng hộ Gadhafi (đã bị đánh bại) sẽ ảnh hưởng lớn tới cách nước này phục hồi và nền hòa bình tại Libya.

Thách thức chính trị, xã hội, kinh tế

Được LHQ và khoảng 60 quốc gia công nhận là đại diện chính đáng của nhân dân Libya, Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (NTC) vào đầu tháng 9 vừa qua đã công bố lộ trình đi đến một nước “Libya tự do”.

Tài liệu này dự trù thành lập một chính phủ chuyển tiếp trong một thời hạn tối đa là ba tháng sau khi chính thức tuyên bố giải phóng toàn bộ đất nước. Chính phủ chuyển tiếp này sẽ có một nhiệm vụ rất nặng nề là, trong thời hạn 8 tháng, tổ chức cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại một đất nước đã sống dưới chế độ Gadhafi trong suốt 42 năm qua.

Sau đó, chính phủ chuyển tiếp sẽ trao quyền cho Quốc hội lập hiến được bầu lên. Tiếp đến, trong thời hạn 20 tháng, Libya sẽ bầu Tổng thống và Quốc hội.

Kế hoạch là như thế, nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác.

Trước hết, cho tới nay, ở Libya chưa có ai được tự do phát biểu, chưa hề có văn hóa chính trị. Để tham gia tranh cử, các đảng phái sẽ được thành lập, nhưng ngoài NTC, chưa biết là sẽ có những lực lượng chính trị nào khác.

Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng một quốc gia thống nhất, dân chủ và tự do, trên một xứ sở được hình thành từ các bộ tộc. Người ta sợ sẽ xảy ra đấu đá tranh giành quyền lực giữa các vùng, các bộ tộc, cũng như giữa phe xu hướng tự do và phe Hồi giáo cực đoan ở Libya.

Các nhà lãnh đạo mới của Libya còn phải khôi phục một nền kinh tế, mà theo dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế, sẽ bị sụt giảm ít nhất 19% trong năm nay. Nhưng để tái thiết quốc gia, họ có thể dựa vào nguồn tài nguyên dồi dào của Libya, đặc biệt là dầu mỏ.

Chẳng cần mời gọi, các công ty ngoại quốc sẽ tranh nhau thị trường béo bở này. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế chắc chắn là sẽ viện trợ ồ ạt để giúp vực dậy nền kinh tế Libya.

Vấn đề là liệu tình hình của Libya có nhanh chóng ổn định để có thể tập trung tái thiết đất nước hay không, vì như đã nói ở trên, nguy cơ xáo trộn đang rình rập quốc gia này sau cái chết của Gadhafi.

Tóm lại, cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ ở Libya Gadhafi sẽ được coi là một chiến thắng đối với người dân Libya, NATO và nền dân chủ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự phấn khích trước cái chết của nhà lãnh đạo này không thể che giấu được những vấn đề mà chính phủ mới ở Libya đang phải đối mặt trong việc kiến tạo hòa bình, tái thiết và điều hành đất nước Bắc Phi này.

Và sự thực là không ai có đủ lạc quan để nói rằng tương lai của Libya sẽ tiến triển êm ả. Phần lớn mọi người đều cho rằng con đường phía trước của Libya sẽ đầy thách thức khó khăn.

Hà Khoa
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm