1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kịch bản nào cho Libya?

(Dân trí) - Không giống các nước Ảrập đang gặp khó khăn khác, Libya có nhiều thế mạnh. Vì thế, bất chấp những bất ổn tiếp diễn ở Libya, có những nhận định khác nhau về tương lai của quốc gia Bắc Phi này cũng như những ảnh hưởng của nó, đặc biệt với thị trường dầu mỏ.

 
Kịch bản nào cho Libya? - 1


Cơ quan Tỵ nạn Liên hợp quốc cho biết gần 100.000 người đã chạy khỏi Libya sang các nước láng giềng Ai Cập và Tunisia trong tuần qua

Vị thế của Tổng thống vững vàng

Dấu hiệu rắc rối đầu tiên nổ ra tại thành phố cảng Benghazi vào ngày 16/2, khi khoảng 200-300 người biểu tình, trang bị đá và bom xăng đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động và chiếm Quảng trường Shajara của thành phố này. Ngày 17/2, những người biểu tình chống chính phủ kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình tại Libya để yêu cầu Tổng thống Gaddafi từ chức. Tuy nhiên, Đại tá Gaddafi đã cầm quyền tại Libya trong 40 năm dựa trên uy tín cá nhân và một bộ máy an ninh đồ sộ. Bất chấp các cuộc biểu tình đang làm rung chuyển thế giới Arập, vị thế của ông Gaddafi dường như khá vững vàng.

Giống như Ai Cập, Libya cũng đang phải đối mặt với vấn đề kế vị tiềm tàng, với việc chưa ai được chọn để kế nhiệm ông Gaddafi. Nhưng không giống các nước Ảrập đang gặp khó khăn khác, Libya có nhiều thế mạnh. Quốc gia này có rất nhiều tiền, với việc chỉ riêng dự trữ ngoại tệ đã là gần 140 tỷ USD. Dân số Libya rất ít, chỉ có 6,5 triệu người, trong khi lại giàu dầu mỏ. Với việc người dân sống tập trung tại một số thành phố nhỏ, các lực lượng an ninh đối phó tương đối dễ dàng với các vụ bạo loạn.

Trong thời gian cầm quyền, ông Gaddafi đã ứng dụng một cách linh hoạt giữa cải cách kinh tế với các chính sách chính trị. Libya cũng có một hiến pháp mới và những cải cách chính trị và kinh tế toàn diện.

Đồng thời chính phủ cũng đang kiểm soát tới 60% số việc làm tại Libya. Mới đây, ông Gaddafi đã có những hành động nhằm chặn trước phong trào phản đối bằng việc tăng trợ giá đối với các mặt hàng lương thực và thực phẩm chủ chốt.

Vì là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 12 trên thế giới, nên Libya có nguồn thu ngoại tệ mạnh dễ dàng và có một sản phẩm mà lúc nào cũng có nhu cầu, làm cho nước này ít có nguy cơ hơn phải hứng chịu các lệnh trừng phạt. Kể từ khi Libya quyết định từ bỏ các chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước này và nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom chiếc máy bay của hãng hàng không Mỹ Pan Am trên bầu trời Lockerbie, Scotland năm 1988 làm 270 người thiệt mạng, Mỹ đã dần xóa bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế rộng rãi của mình đối với Libya. Mỹ cuối tuần trước tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Libya. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các lệnh trừng phạt là một "công cụ cùn" và nghi ngờ hiệu quả của các lệnh trừng phạt này đối với Gaddafi.

Trong một báo cáo gần đây, Viện Chính sách Cận Đông Washington đã dự báo rằng "trật tự chính trị của Libya đang bắt đầu rạn nứt, nhưng một khi nhà nước tiếp tục cung cấp việc làm và các dịch vụ, hầu như chưa có những yêu cầu đòi thêm các quyền chính trị và công dân". Scott Carpenter, một cựu chuyên gia của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi, cho rằng bằng chứng nữa về vị thế vững vàng của ông Gaddafi là hiện có một số nhân tố chống lại các phong trào biểu tình và phản đối chính phủ.

Một cuộc nội chiến bùng nổ

Nếu chiến sự bùng nổ tình hình Libya sẽ rất nguy ngập. Báo Pháp nhận định chính nguy cơ nội chiến tại Libya là nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu tăng vọt. Hiện tại, các nước châu Âu phụ thuộc khá nhiều vào dầu của Libya, trong đó nhiều nhất là Italia, Aixơlen và Áo (với tỷ lệ hơn 20% dầu tiêu thụ từ Libya). Cơn bão giá dầu là một hiểm họa lớn đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Theo phân tích của ngân hàng Deutsche Bank, với mức tiêu thụ trên toàn cầu là 86 triệu thùng dầu thô/ngày, quy theo giá 100 USD/thùng, một năm chi phí cho dầu mỏ của nền kinh tế thế giới là hơn 3.000 tỷ USD, chiếm 4,7% tổng sản lượng kinh tế thế giới. Nếu giá dầu tăng đến 120 USD, tỷ lệ này sẽ vượt quá mức 5,5%, khiến “tăng trưởng kinh tế bị cản trở”.

Còn kịch bản chính phủ của Tổng thống Muammar Gaddafi sụp đổ, nếu xảy ra, sẽ dẫn đến một thời kỳ quá độ đầy chông gai đối với Libya - một quốc gia rất giàu tài nguyên nhưng liên minh giữa các bộ lạc là yếu tố quan trọng nhất đối với sự gắn kết của quốc gia.

Theo giới phân tích phương Tây, việc Gaddafi rút khỏi chính trường sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực cực kỳ lớn khi chưa rõ thứ gì sẽ có thể gắn kết Libya. Ở Ai Cập và Tunisia, quân đội đã đóng vai trò quan trọng duy trì trật tự sau khi chính quyền sụp đổ. Nhưng quân đội Libya được cho là không đoàn kết.

Một trở ngại khác là Libya thiếu các thể chế. Một doanh nhân có mối làm ăn lâu năm ở Libya nói: “Libya có nguy cơ phân rã”. Sau nhiều thập kỷ phàn nàn rằng chính quyền trung ương lãng phí nguồn tài nguyên dầu mỏ của đất nước, doanh nhân này lo sợ dầu mỏ sẽ là nhân tố gây chia rẽ ở Libya trong thời gian chuyển giao quyền lực, nơi các bộ lạc và khu vực nghèo đói sẽ tranh giành nhau quyền kiểm soát tài nguyên.

Tuy nhiên, có những phân tích cho rằng kịch bản trên là những "mối lo sợ vô căn cứ". Những phân tích này cho rằng người dân Libya được giáo dục tốt và sẽ vượt qua thời kỳ bất ổn hiện nay.

Khủng hoảng dầu mỏ được châm ngòi

Đúng 10 ngày sau cơn chấn động chính trị từ Ai Cập, tình hình ở Libya lại làm thế giới quan ngại. Riêng trong lĩnh vực kinh tế, tin tức giao tranh từ Libya còn khiến các thị trường thế giới đều bị ảnh hưởng. Hôm 23/2, giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD lên tới gần 110 USD/thùng, giá vàng vượt 1.400 USD/ounce để chạm mức 1.411,1 USD/ounce và các thị trường cổ phiếu đều tuột dốc, người dân đổ xô mua USD và yên Nhật để phòng thủ.

Nhưng giới phân tích về Trung Đông cho rằng cho dù có kịch bản nào xảy ra ở Libya cũng sẽ ít đe dọa đến kinh tế và hòa bình thế giới. Thứ nhất là vì những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ đã giúp lượng dầu dự trữ của thế giới hiện tăng gấp đôi so với năm 1980. Trong khi đó, một thế giới giàu có hơn sẽ ít bị tổn thương hơn trước các cơn sốc dầu mỏ.

Libya là nước sản xuất dầu nhẹ và ngọt. Những mỏ dầu dưới vùng sa mạc cho loại dầu thô có thể dễ dàng lọc thành dầu điêzen và xăng có hàm lượng lưu huỳnh thấp, khi đốt sẽ sạch hơn và ít gây ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày, Libya xuất khẩu 1,3 triệu thùng dầu. Tuy nhiên, có tin Arập Xêút có khả năng khai thác thêm khoảng 4 triệu thùng/ngày và sẵn sàng làm việc này. Hơn nữa, các nước OECD hiện đang có kho dầu mỏ dự trữ chiến lược khoảng 1,6 tỷ thùng.

Ngoài ra, cho dù giá dầu thô tại châu Âu có tăng lên hơn 100 USD/thùng, thì mức giá thực hiện nay cũng không cao hơn giá dầu cách đây 30 năm, nếu điều chỉnh theo lạm phát. Hơn nữa, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã ngày càng chứng tỏ sức mạnh của mình. OPEC có đủ dự trữ để thay thế lượng dầu thiếu hụt từ Libya, dù chất lượng thì kém hơn nhiều. Việc sản xuất dầu mỏ ở Libya bị ngưng trệ đã buộc các công ty dầu khí phải đưa ra nhiều phương án khác nữa chứ không chỉ đơn thuần là tìm nguồn bổ sung sản lượng dầu thiếu hụt. Các công ty dầu khí sẽ phải tìm nguồn dầu có chất lượng tương tự của Libya ở các nước khác như Algeria, Nigeria hoặc ở vùng Biển Bắc để thay thế.

Nguyễn Viết
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm