1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kịch bản chống phá khi Trump làm ông chủ nhà Trắng

Ngay khi vừa đón nhận tin vui từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Trump sẽ phải đối mặt với những khó khăn về việc thực hiện cam kết của mình.

Trong khi ông Trump thắng áp đảo bà Clinton thì đảng Cộng hòa (tức đảng “Con voi”) của ông cũng đánh bại đảng Dân chủ (tức đảng “Con lừa”) của bà Clinton và đương kim Tổng thống Barak Obama để giành quyền áp đảo tại cả lưỡng viện Hoa Kỳ.

Đảng Cộng hòa đã chính thức giành quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện khi họ giành tới 234/435 ghế để kiểm soát Hạ viện, vượt trội so với yêu cầu tối thiểu là 218. Trong cuộc bầu cử bổ sung 34 ghế vào Thượng viện, đảng Cộng hòa cũng đã giành được 51/100 ghế so với 47 của đảng Dân chủ, tiếp tục áp đảo ở cả Thượng viện Hoa Kỳ.

Việc kiểm soát cả lưỡng viện sẽ là thành công bước đầu vô cùng quan trọng đối với chính quyền của ông Trump. Một Thượng viện và Hạ viện với phe Cộng hòa chiếm đa số sẽ giúp đảng này dễ dàng thông qua các dự luật đảo ngược những chính sách mà Tổng thống Obama của đảng Dân chủ từng ban hành.

Những nét lớn trong cương lĩnh tranh cử của Trump

Chính sách đối nội: Nhấn mạnh việc khôi phục "giấc mơ Mỹ vĩ đại"

Sau niềm vui ban đầu của nhà tỷ phú địa ốc và những người ủng hộ ông, một câu hỏi quan trọng nhất là: Liệu chính sách của tân Tổng thống Trump sẽ phù hợp ít nhất một phần với các lời hứa trong chiến dịch tranh cử?

Nhà chính trị học Gevorg Mirzoyan, Phó Giáo sư trường Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga nhận định rằng, niềm vui chưa dứt thì ông Trump đã phải đối mặt với những thách thức chờ đón một tân Tổng thống Mỹ trong việc thực hiện các cam kết.

Mặc dù là người có cá tính độc lập nhưng Trump khó có thể tự chủ trong các quyết định của mình
Mặc dù là người có cá tính độc lập nhưng Trump khó có thể tự chủ trong các quyết định của mình

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, Donald Trump tuyên bố: Ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là các vấn đề nội bộ của Mỹ (chủ nghĩa biệt lập mới), rồi sau đó mới là đối ngoại với chính sách “giảm can thiệp”.

Tổng thống mới đắc cử của Mỹ nhấn mạnh rằng, đã đến lúc Hoa Kỳ phải chữa lành những vết thương chia rẽ đất nước và cam kết rằng, ông sẽ là Tổng thống cho tất cả mọi người dân Mỹ, đặt lợi ích của Hoa Kỳ lên trên hết và sẽ làm hết sức mình để khôi phục "giấc mơ Mỹ vĩ đại".

Vị tỷ phú này bày tỏ mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người nên muốn chung tay với hàng trăm triệu người dân Mỹ tập trung xây dựng nhiều đường cao tốc, nhiều cầu, đường hầm, sân bay, bệnh viện, khôi phục lại cơ sở hạ tầng đất nước.

Việc tập trung vào đối nội và chủ nghĩa thực dụng đáng kinh ngạc trong quan điểm đối ngoại của Trump, cùng với sự mệt mỏi của cử tri về những gương mặt quá quen thuộc, những phát biểu nghe quen tai và sáo ngữ chính trị nhàm chán đã dẫn đến sự ủng hộ bất ngờ cho ứng viên Trump "khó bảo".

Việc đông đảo cử tri Mỹ bầu cho ông Trump với cương lĩnh tranh cử thiên về đối nội đã xác nhận rằng, trong nội bộ nước Mỹ đang có nhiều vấn đề cần giải quyết, ví dụ như kinh tế trì trệ, tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng sâu sắc, nạn bắn giết bừa bãi đang trở thành “quốc họa”.

Nhân dân Mỹ hiểu được điều đó và mong muốn rằng, tập trung vào xây dựng một đất nước ổn định về chính trị, mạnh mẽ về kinh tế, đời sống xã hội được nâng cao… mới là những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Và ông Donald Trump đã đúng khi tập trung xoáy sâu vào vấn đề này.

Tuy nhiên, đây cũng là những mục tiêu ban đầu mà ông Obama đã đặt ra cho mình ngay khi mới bước chân vào Nhà Trắng nhiệm kỳ đầu tiên (2008-2012), nhưng cho đến hết nhiệm kỳ thứ 2 (2013-2016), trong suốt 8 năm qua, trọng tâm của Mỹ vẫn là các vấn đề đối ngoại.

Chính sách đối ngoại: Không can dự vào công việc nội bộ nước khác, giảm can thiệp quân sự

Tỷ phú Mỹ tuyên bố rằng, dưới thời tổng thống của ông, Mỹ sẽ ủng hộ hợp tác chứ không muốn gây xung đột. Washington sẽ hạn chế dùng biện pháp cứng rắn, chỉ sử dụng lực lượng quân sự trong những trường hợp đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Washington sẽ không can thiệp vào những nơi mà Hoa Kỳ không có quyền can thiệp, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, chấm dứt việc xây dựng nền dân chủ (ở các bước khác) và lật đổ chế độ không đi theo định hướng của Hoa Kỳ.

Trump phản đối các hoạt động quân sự ở nước ngoài, gây ra thiệt hại nặng nề về con người và tài chính. Ông cũng hứa sẽ xem xét lại mối quan hệ với các đồng minh lớn, đồng minh đang có mâu thuẫn và thậm chí có lúc dọa bỏ rơi cả đồng minh NATO ở châu Âu!

Trump là người tiên phong đề xướng thuyết “các hợp đồng chính trị”. Theo đó, tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng, một trong những giải pháp đưa Hoa Kỳ đi tới thịnh vượng là chính sách đối ngoại mới theo khái niệm "hợp đồng từ vị thế của kẻ mạnh".

Hợp đồng từ vị thế của kẻ mạnh của Trump có thể là mếch lòng các đồng minh chủ chốt
"Hợp đồng từ vị thế của kẻ mạnh" của Trump có thể là mếch lòng các đồng minh chủ chốt

Theo nhận định của ông này, vai trò “lãnh đạo” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với “người thực hiện”.

Thủ lĩnh là người có khả năng rút ra những lợi tức nhiều nhất về kinh tế, tài chính và phải có khả năng tiến hành thương lượng cứng rắn, ký kết những thỏa thuận có lợi.

Với tư duy của một nhà kinh doanh, ông này cho rằng, "các hợp đồng có lợi" phải cứng rắn, dứt khoát và hoàn toàn mang lợi ích lớn cho Hoa Kỳ.

Các đồng minh giàu có của Mỹ như Saudi Arabia, Hàn Quốc, Nhật Bản… phải trả lợi tức cho Washington để nhận lấy sự đảm bảo an ninh.

Trong quan hệ với EU, nhà tỷ phú này nhấn mạnh rằng, Mỹ không nên can thiệp quá sâu vào "những vấn đề của châu Âu", chỉ nên đưa ra những quyết định của mình khi nào EU đề nghị về điều đó, mọi việc hãy để cho những đầu tàu của họ như: Đức, Anh, Pháp giải quyết.

Về quan hệ với Trung Quốc, Trump nói ông "yêu mến đất nước Trung Hoa" nhưng trong nhãn quan của ông, Bắc Kinh lại có dáng vẻ “kẻ thù số một”, kẻ đang "nhai ngấu nghiến nền kinh tế Mỹ" bằng cách cố ý giảm giá đồng nhân dân tệ và cướp việc làm của người lao động Hoa Kỳ.

Donald Trump tự tin cho rằng, ông sẽ tìm thấy ngôn ngữ chung với Tổng thống Vladimir Putin và bày tỏ sự tin tưởng rằng, ông có thể “làm việc rất tốt” với nhà lãnh đạo Nga.

Dưới thời của ông, hai nước sẽ “xích lại gần hơn” và tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề quốc tế.

Trump sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các cam kết

Chuyên gia Nga Gevorg Mirzayan nhận định, một thuận lợi lớn là ngoài việc ông Trump “đánh chiếm” Nhà Trắng, đảng Cộng hòa còn giành quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

Ngoài ra, đảng viên Cộng hòa cũng sẽ có đa số ghế trong Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Nhưng việc tất cả 3 nhánh quyền lực quốc gia nằm trong tay đảng “Con voi” cũng không thể giúp nhiều cho ông Trump. Điều này là không có gì khó hiểu, bởi tân tổng thống của đảng Cộng hòa có nhiều vấn đề khúc mắc và những mâu thuẫn khó giải quyết, thậm chí ngay trong nội bộ đảng của mình.

Vị tỷ phú ngông nghênh bị giới chính trị Mỹ mỉa mai là “nhảy bổ” vào chiến dịch tranh cử tại Hoa Kỳ theo đúng với nghĩa đen của từ này và bất ngờ làm “kinh hoảng” cả “bên ta lẫn bên địch”, tức là các đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa và cả các đối thủ của đảng Dân chủ.

Donald Trump không tìm thấy ngôn ngữ chung với nhiều đảng viên trong đảng. Một số đảng viên Cộng hòa cấp cao, ví dụ cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell - người chỉ trích Trump là "nỗi ô nhục", đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho… ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton!

Không phải tất cả các đảng viên Cộng hòa đều chia sẻ quan điểm với Trump về cái mà họ gọi là “một ý tưởng chống đối”, tức là “Hoa Kỳ không thể và không cần phải tiếp tục đóng vai một ‘sen đầm đơn độc’ trên thế giới, nên Mỹ cần phải hợp tác với các nước khác, kể cả với Nga”.

Không loại trừ khả năng những đảng viên Cộng hòa “bất mãn" với Trump sẽ chặn các sáng kiến ​​gây tranh cãi nhất của ông trong Quốc hội và các đảng viên Dân chủ cực kỳ thất vọng sau trận thua trước đảng Cộng hòa sẽ tìm kiếm lý do để luận tội tỷ phú "điên rồ" này.

Dù ai lên làm Tổng thống Mỹ thì chính sách đối với Nga vẫn sẽ không thay đổi và thế giới vẫn chưa thể có hòa bình
Dù ai lên làm Tổng thống Mỹ thì chính sách đối với Nga vẫn sẽ không thay đổi và thế giới vẫn chưa thể có hòa bình

Đó là chưa nói đến việc các trùm tài phiệt tài chính công nghiệp (cả quốc phòng), tài chính kinh tế và các nhóm ngân hàng sẽ ra tay ngăn chặn Trump nếu ông có những quyết định bất lợi cho họ, ví dụ như trong quan hệ với “đối thủ ý thức hệ” là Nga.

Ngoài ra, các đồng minh của Mỹ cũng khó mà chập nhận “thuyết người bảo vệ” của Trump, các đồng minh NATO ở châu Âu cũng chẳng có khả năng bỏ ra thêm nhiều tiền cho ngân quỹ của khối, để giảm mức đóng góp của Mỹ. Điều này sẽ làm “sứt mẻ” quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh.

Trên thực tế, tổng thống Hoa Kỳ không thể độc lập tự quyết những chiến lược, chính sách lớn của đất nước, mà phải phụ thuộc rất sâu vào những người đứng đằng sau ông ta. Và Trump cũng khó có thể thoát khỏi cái vòng kim cô đó.

Rất có thể sau khi nhậm chức ở Nhà Trắng, tân tổng thống Donald Trump sẽ phải cố gắng dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm sự ủng hộ trong nội bộ đảng cho những quan điểm của mình của mình và tập trung giải quyết những mưu đồ chống phá các chính sách của ông.

Mặc dù đã có nhiều chính khách của hai đảng bước vào Nhà Trắng, nhưng kể từ Đại chiến Thế giới thứ 2 đến nay, bất cứ Tổng thống nào lên nắm quyền ở Mỹ cũng không thể độc lập quyết định các vấn đề đối nội chứ đừng nói là trong lĩnh vực đối ngoại.

Đây là lý do tại sao trong tương lai gần, mặc dù Donald Trump được coi là người “dễ thỏa thuận” hơn so với Hillary Clinton nên làm Tổng thống, Nga không nên chờ đợi bước đột phá trong quan hệ giữa hai nước và thế giới cũng không nên vội mừng trước viễn cảnh hòa bình.

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm