1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Khủng hoảng từ chức" lan tới Nhà Trắng

Thanh Thành

(Dân trí) - Chính quyền Mỹ đang đối mặt với bài toán tưởng như "chuyện thường ngày" nhưng đang phản ánh một xu thế đáng lo ngại: làn sóng từ chức.

Khủng hoảng từ chức lan tới Nhà Trắng - 1

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre phát biểu trong cuộc họp giao ban hàng ngày tại Nhà Trắng ở Washington, vào ngày 26/5 (Ảnh: AP).

Trước giới truyền thông, Thư ký báo chí mới của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre gửi lời chào tạm biệt đến 3 nhân viên nghỉ việc chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ. "Tôi cam kết chúng ta vẫn hoạt động tốt", bà nói và nhấn mạnh thêm: "Không phải tất cả mọi người đều rời đi".

Theo AP, một loạt nhân viên Nhà Trắng nghỉ việc vào thời điểm nhiệm kỳ của ông Biden sắp bước vào tháng thứ 18. Thực tế này cho thấy ngay cả Nhà Trắng cũng không tránh khỏi điều được gọi là "làn sóng từ chức" khi các nhà tuyển dụng phải vật lộn để lấp đầy các vị trí bỏ trống với tỷ lệ kỷ lục.

Chính phủ Mỹ đang trải qua một thời kỳ luân chuyển nhân sự cao bất thường. Thời gian làm việc kéo dài, mức lương được cho là không cao đang gây tác động lớn đến cả hàng ngũ nhân viên cấp cao và nhiều phụ tá cấp dưới tại Nhà Trắng.

Không có gì lạ khi nhân viên nghỉ việc vào thời điểm giữa nhiệm kỳ của tổng thống, nhưng việc các nhân sự chủ chốt liên tục chuyển việc đánh dấu sự thay đổi rất đáng chú ý.

Theo AP, 2/3 đội ngũ văn phòng báo chí, phần lớn đội phản ứng Covid-19, hai phụ tá tư vấn pháp lý cho Tổng thống và thậm chí nhân viên quản lý tài khoản Twitter của Nhà Trắng đã rời đi trong vòng vài tuần.

Nhà Trắng đã phản đối thuật ngữ "làn sóng từ chức" và cố gắng điều chỉnh nó như những gì mà Bharat Ramamurti, phó giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, gọi là "làn sóng nâng cấp".

Nguyên nhân nào?

Khủng hoảng từ chức lan tới Nhà Trắng - 2

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki (giữa) đã nghỉ việc tại Nhà Trắng gần đây và sau đó đầu quân cho hãng tin MSNBC (Ảnh: Getty).

Một số là do cơ cấu hoạt động.

Theo thông lệ, các nhân viên Nhà Trắng được thông báo muốn nghỉ việc rời đi trước tháng 7 hoặc sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

Tuy nhiên, mức thu nhập, đặc biệt là trong các vị trí cấp cao, đã giảm so với năm đầu tại vị đầy biến động của Tổng thống Donald Trump, người đã thuê và sa thải nhân viên với tốc độ kỷ lục. Ngoài ra, đội ngũ nhân sự Nhà Trắng dưới thời ông Biden ổn định hơn so với nhiều người tiền nhiệm trong những ngày đầu tiên, khiến các cuộc rời đi gần đây và sắp tới trở nên đáng chú ý hơn.

Mức thu nhập dưới thời ông Biden dự kiến sẽ được công khai vào cuối tháng, khi Nhà Trắng được yêu cầu trình báo cáo tiền lương hàng năm lên Quốc hội. Mức lương trung bình của các nhân viên Nhà Trắng là khoảng 94.000 USD một năm, cao hơn 40% so với mức thu nhập của các hộ gia đình tầm trung tại Mỹ, nhưng vẫn thấp hơn mức một nhân viên trình độ cao có thể kiếm được trong khu vực tư nhân.

Các trợ lý của ông Biden khẳng định việc họ ra đi không liên quan đến số phiếu thăm dò thấp của tổng thống, mà thay chỉ "phản ánh sự chuyển đổi tự nhiên đối với các nhân viên".

Một số người cảm thấy kiệt sức vì đã làm việc quá nhiều giờ và mong muốn cải thiện chất lượng đời sống. Các phụ tá nhấn mạnh họ đã ấn định nhân sự thay thế và sẽ không có vị trí trọng yếu nào bị bỏ trống.

"Đây là điều bình thường đối với bất kỳ chính quyền nào. Phục vụ nhà nước đòi hỏi sự hy sinh lớn trong khi nhân viên thường có con nhỏ hoặc sự nghiệp đầy hứa hẹn trong khu vực tư nhân mà họ đang giữ, hoặc cơ hội thăng tiến trong chính quyền hoặc thông qua trường cao học", phát ngôn viên Nhà Trắng Emilie Simons nói.

Một số người trong số các trợ lý rời đi đang hướng đến các cơ quan liên bang, những cơ quan có mức lương cao hơn so trong khi khối lượng công việc giảm.

Theo nhiều cách, làn sóng ra đi phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn trong nền kinh tế hiện nay. Nick Bunker, chuyên gia kinh tế tại Indeed Hiring Lab, công ty theo dõi xu hướng việc làm và phân tích dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS), nhận định: "Từ quan điểm của người lao động, đây là chuyện tích cực".

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, hơn 4 triệu lao động đã bỏ nghỉ mỗi tháng trong năm qua, chiếm gần 3% toàn bộ lực lượng lao động tại nước này, hầu hết là vì các cơ hội làm việc khác.

"Đó là thị trường của người lao động ngay bây giờ," cựu thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vào năm ngoái, vài tháng trước khi bà rời bỏ vị trí để nhận một vai trò tại hãng tin MSNBC. "Chúng ta biết rằng mọi người đang tìm kiếm những lợi ích đáng tin cậy hơn. Họ đang tìm kiếm mức lương cao hơn".

Theo AP