1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng nhập cư chia rẽ “Lục địa già”

Cuộc khủng hoảng nhập cư càng trở nên tồi tệ sau khi Đức siết chặt kiểm soát tại các cửa ngõ biên giới nước này. Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) chưa tìm được giải pháp chung cho vấn đề người nhập cư thì các quốc gia "tuyến đầu" buộc phải "mạnh ai nấy làm".

Và những giải pháp không đồng bộ giữa các quốc gia vô hình trung đang đẩy Châu Âu lún sâu vào cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát.

Ngày 18-9, Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic tuyên bố, Zagreb không thể và sẽ không chịu được lâu hơn việc phải tiếp nhận hàng nghìn người di cư và sẽ không đăng ký hay cung cấp chỗ ở cho họ nữa. Cùng ngày, nhà chức trách Hungary đã chặn đoàn tàu chở người di cư từ Croatia vào nước này sau vụ hơn 4.000 người vượt qua khu vực biên giới giữa hai nước.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh một loạt quốc gia thuộc khu vực Balkan tuyên bố đóng cửa biên giới, đồng nghĩa việc phong tỏa các lộ trình của dòng người di cư tìm cách vào các nước Tây Âu. Khu vực biên giới Croatia - Hungary và Slovenia đang trở thành điểm nóng mới trong cuộc khủng hoảng người nhập cư.

Khủng hoảng nhập cư chia rẽ “Lục địa già” - 1

Người di cư chen nhau lên tàu tại nhà ga ở Beli Manastir, Croatia.

Theo số liệu mới nhất, hơn 17.000 người di cư đã đến Croatia chỉ trong vòng 4 ngày kể từ ngày 16-9, thời điểm Hungary phong tỏa đường biên giới với Serbia, quốc gia cũng được xem là nơi trung chuyển để người di cư đi vào các nước Tây Âu. Những giải pháp "mạnh" của Hungary, Croatia và Slovenia có thể biến khu vực Balkan trở thành vùng đất kẹt.

Theo quy định của EU, người tị nạn cần phải đăng ký và tuyên bố tị nạn tại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân. Thế nhưng, họ lại muốn tiếp tục tiến vào các quốc gia Tây Âu giàu có hơn như Đức, Áo chứ không muốn xin tị nạn tại các quốc gia nhỏ và ít phúc lợi của EU như Hungary, Croatia, Slovenia.

Thủ tướng Đức Angela Merkel được cả thế giới ngưỡng mộ khi tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn chạy trốn khỏi xung đột, nghèo đói và bạo lực ở Syria, Iraq, Afghanistan. Nhưng, mọi việc đã thay đổi chỉ trong một tuần, khi Berlin thông báo tạm thời nối lại hoạt động kiểm soát tại các chốt nằm trên đường biên giới Đức - Áo. Có lẽ dòng người di cư không thể kiểm soát đã khiến Đức phải thay đổi.

Nhiều nước thành viên khác của EU như Áo, Hà Lan, Slovakia cũng đã tuyên bố tạm dừng Hiệp ước Schengen - quy định việc tự do đi lại tại Châu Âu - với các biện pháp kiểm soát biên giới. Các nhà ngoại giao Đông Âu - nơi Đức đang hậu thuẫn cho kế hoạch tiếp nhận người tị nạn - bắt đầu lên tiếng chỉ trích về thái độ cứng rắn của Berlin.

Nhiều người cho rằng cách hành xử của Đức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng vốn đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường an ninh Châu Âu. Và như vậy, hố sâu ngăn cách giữa Đông Âu và Tây Âu ngày càng nới rộng với những chia rẽ khó có thể hàn gắn trong "một sớm, một chiều".

Cuộc khủng hoảng nhập cư đang chạm tới những giá trị cốt lõi của Châu Âu là "tự do, bình đẳng và bác ái"; đồng thời đặt ra những thách thức với sự tự do đi lại tại Cựu lục địa. Phát biểu trước báo giới mới đây, Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo Châu Âu không giải quyết được cuộc khủng hoảng người nhập cư có thể đẩy Hiệp ước Schengen đến nguy cơ đổ vỡ.

Nghị viện Châu Âu mới đây đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch phân bổ 120.000 người tị nạn cho các nước thành viên; song đến nay, kế hoạch này đang vấp phải không ít ý kiến phản đối.

Chiều 18-9, Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic và người đồng cấp Đức A.Merkel đã có cuộc điện đàm về diễn biến mới nhất ở biên giới Croatia.

Hai bên nhất trí sẽ giải quyết các vấn đề về người di cư ngay từ các đường biên giới bên ngoài EU. Còn Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, tuyên bố Cựu lục địa sẽ không đóng cửa biên giới với những người di cư.

Theo kế hoạch, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk sẽ triệu tập cuộc họp thượng đỉnh EU vào ngày 23-9 tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng nhập cư và kế hoạch phân bổ người tị nạn. Hy vọng sự đoàn kết của Lục địa già sẽ tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng đang có cơ làm đảo lộn các giá trị của một nền văn minh.

Theo Thùy Dương

Hà Nội mới

Khủng hoảng nhập cư chia rẽ “Lục địa già” - 2