1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng lương thực - nguy cơ đã thành hình không chỉ ở châu Á

(Dân trí) - Tình trạng thiếu hụt thực phẩm, được báo động từ lâu, đã bắt đầu rõ nét từ đầu năm nay - nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt cảnh báo về nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang thành hình, trong đó đặc biệt lưu tâm đến khu vực châu Á.

 
Khủng hoảng lương thực - nguy cơ đã thành hình không chỉ ở châu Á - 1
Nguyên nhân khủng hoảng lương thực toàn cầu đến từ sự thiếu hụt nguồn cung trong lúc mức cầu gia tăng

Thực tế qua những con số

Theo báo cáo mới nhất của Earth Policy Institute (Viện Chính sách Trái Đất có trụ sở tại Washington DC), từ đầu 2011, giá lúa mì đã tăng cao chưa từng thấy tại Anh, những vụ cướp bóc thực phẩm lan rộng tại Algeria, Nga phải nhập khẩu ngũ cốc nuôi gia súc vì thiếu cỏ dự trữ cho chúng, Ấn Độ vất vả đương đầu với giá tiêu dùng tăng 18% gây tình trạng bất ổn, Trung Quốc lo mua từng số lượng lớn lúa mì và bắp từ bên ngoài do thị trường nội địa khan hiếm, Mexico nhập khẩu nhiều bắp để tránh tình trạng thiếu hụt như mấy năm trước.

Cùng lúc, Tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO) cũng báo động giá thực phẩm toàn cầu tăng vọt một cách đáng chú ý từ tháng 12 năm ngoái và đến tháng 1 năm nay, giá tiếp tục tăng: chỉ số giá cả của 55 mặt hàng nhu yếu phẩm trong tháng qua đã lên tới gần 231 điểm, tức là còn cao hơn cả so với thời điểm được coi là “nóng” nhất hồi tháng 6/2008 của cơn khủng hoảng lương thực thế giới - khi chỉ số này là 224 điểm.

Nhìn đến mức tiêu thụ của hành tình thì dân số địa cầu vào năm 2010 đã tăng gấp đôi so với thời điểm của năm 1970. Các nông gia trên thế giới mỗi ngày phải đáp ứng thêm cho nhu cầu của 219.000 thực khách. Trong khi đó, mức tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới cũng đã nhân lên gấp đôi trong thời gian từ 1990 đến 2005. Ngoài ra, như cầu thực phẩm của hơn một nửa nhân loại ngày càng được “nâng cấp” tức là bữa ăn của khoảng 3 tỷ người ngày càng thêm phong phú cả về chất lượng lẫn khối lượng.

Riêng với châu Á

Trả lời câu hỏi về Việt Nam, nước xuất khẩu gạo hàng thứ nhì thế giới, chuyên gia Matthew Roney của Viện Chính sách Trái Đất quả quyết mối nguy của sản lượng gạo trong tương lai ở Việt Nam gắn liền với biến đổi khí hậu, qua đó hiện tượng nước biển dâng tràn vào ruộng đồng là một. Kết quả nghiên cứu cho thấy cuối thiên niên kỷ này nhiều vùng đất trên các châu lục sẽ chìm ngập dưới hai mét nước biển, khu vực châu thổ sông Mê Kông, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, bị bao phủ bởi hơn một mét nước mặn, sản lượng gạo sẽ giảm hẳn một nửa hoặc hơn.

Trong khi đó, một tin đáng chú ý ở châu Á là nạn hạn hán kéo dài ở Trung Quốc đang đe dọa tới sản lượng lúa mì của nước này và có thể sẽ ảnh hưởng tới giá lương thực toàn cầu – theo cảnh báo của Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên hiệp quốc. Nhiều tháng qua, nhiều khu vực của Trung Quốc đang trải qua cơn khô hạn nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm. Sơn Đông là một trong tỉnh sản xuất ngũ cốc quan trọng của Trung Quốc và nằm ở trung tâm vựa lúa mì ở miền đông, nơi sản xuất khoảng 80% số lúa mì trong nước. Vụ thu hoạch lúa mì Trung Quốc năm nay đang bị đe dọa. Các chuyên gia nông nghiệp nói rằng đây không những là tin xấu cho Trung Quốc mà còn là tin xấu cho thế giới. Sản lượng sút giảm sẽ buộc Trung Quốc phải nhập khẩu thêm ngũ cốc, làm cho giá cả trên thị trường thế giới gia tăng và khiến cho tình trạng giá lương thực leo thang ở nhiều nơi trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn.

Về vấn đề lương thực của cả khu vực, các chuyên gia kinh tế dự báo: lạm phát tại châu Á có thể lến tới từ 10 đến 15% nếu như giá lương thực tăng từ 8 đến 9%. Khi đó, các cuộc bạo loạn như đã từng xảy ra tại Philippines hồi 2008 sẽ khó tránh khỏi. Dự báo này có nguy cơ trở thành hiện thực. Bằng chứng đầu tiên là Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Harta Rajasa ngày 9/2 cho biết Cơ quan Hậu cần của nước này sẽ mua ít nhất 3,5 triệu tấn gạo từ các nhà trồng lúa trong năm nay nhằm đáp ứng mục tiêu dự trữ 1,5 triệu tấn và cân bằng hoạt động trên thị trường. Đây được coi là một nỗ lực giảm áp lực lạm phát. Hiện lạm phát của Indonesia đã lên đến 7,02% vào tháng 1 vừa qua sau khi đã chạm ngưỡng 6,96% vào tháng 12 năm ngoái do giá gạo và ớt tăng vọt.

Nguyên nhân và mức độ

Trước khi nổ ra các cuộc bạo loạn vì lý do “cơm áo” tại Haiti hay Philippines vào mùa xuân 2008, Ngân hàng Thế giới thẩm định có khoảng 870 triệu người trên hành tinh bị đói và suy sinh dưỡng. Con số này giờ đây lên đến 900 triệu. Đâu là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng căng thẳng về lương thực hiện nay và đe dọa khủng hoảng về lương thực tại một số nơi trên thế giới nghiêm trọng tới mức độ nào?

Nguyên nhân khủng hoảng lương thực toàn cầu đến từ sự thiếu hụt nguồn cung trong lúc mức cầu gia tăng. Theo Viện Chính sách Trái Đất, ngoài sự kiện ngày càng bớt người tăng gia canh tác đi, nguyên nhân thứ hai dẫn đến khủng hoảng lương thực là cầu tăng mà cung không đủ đáp ứng. Mức cầu tăng là vì cứ mỗi năm dân số địa cầu tăng thêm 80 triệu người, mức tiêu thụ ngũ cốc, thịt trứng theo đó tăng cao. Giá cả tăng thì nông dân ghìm sản phẩm lại đề chờ bán giá cao hơn.

Lý do thứ ba, một số quốc gia tiên tiến, điển hình là Mỹ - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, đã dành ra 30% số lượng ngô sản xuất đại trà để chế biến ethanol dùng chạy xe thay vì để ăn.

Đó là những yếu tố dẫn đến sự mất quân bình trong cung cầu thực phẩm trên thế giới. Một số tác nhân được nói đến từ lâu, là hiện tượng biến đổi khí hậu do thiên nhiên và do con người, tác động vào sản lượng và gây khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhìn từ góc độ sản xuất: đất đai canh tác ngày càng khan hiếm do các hiện tượng đất bị xói mòn, nhiễm mặn, sa mạc hóa… Các mạch nước ngầm đang bị cạn và còn bị chia sẻ cho thành phố. Thêm vào đó, đương nhiên còn phải kể đến hiện tượng trái đất ngày càng bị hâm nóng, khí hậu bị đảo lộn, gây nhiều thiên tai và thiệt hại mùa màng. Hiện tượng nước biển dâng tràn gây hiện tượng nhiễm mặn trên đất trồng lúa tại châu Á mà đồng bằng sống Cửu Long của Việt Nam là một thí dụ điển hình.

Một điểm đáng quan ngại khác là năng suất nông nghiệp đã bước vào giai đoạn bão hòa: ví dụ như tại Nhật Bản năng suất trồng lúa liên tục gia tăng trong nhiều thập niên, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá là từ 14 năm nay, chỉ số năng suất này đã bị chững lại. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang tiến gần đến mức thu hoạch tối đa tương tự như tại Nhật Bản.

Những tác nhân đó xảy ra cùng lúc khiến sản lượng lương thực thế giới bị sút giảm nhiều phần rất đáng kể.

Việt Hà
Tổng hợp