Khủng hoảng kinh tế ở Thái Lan có thể tồi tệ hơn năm 1997
(Dân trí) - Nền kinh tế Thái Lan dựa chủ yếu vào xuất khẩu đang có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng có thể còn tồi tệ hơn thời điểm bị cơn bão tài chính châu Á tàn phá năm 1997.
Đó là dự báo mà Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đưa ra hôm qua. Theo tổ chức này, trong năm tới, một triệu người lao động Thái Lan có thể bị mất việc làm do xuất khẩu sẽ giảm mạnh.
Thực tế cho thấy Thái Lan là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, nhưng do giá thực phẩm trên thị trường quốc tế xuống quá thấp nên chính phủ Thái Lan đã cho dự trữ 4 triệu tấn gạo, chờ giá lên. Điều đó cũng có nghĩa là 20 triệu người Thái Lan sống trực tiếp hoặc gián tiếp từ nghề trồng lúa, có nguy cơ bị giảm sút thu nhập.
Trong công nghiệp, tình hình lại còn đáng lo ngại hơn. Nền kinh tế Thái là một nền kinh tế chuyên về chế biến. Nguyên vật liệu và các bán thành phẩm được nhập khẩu, rồi tái xuất sau khi đã được gia công tại các xí nghiệp nằm trên đất Thái Lan.
Nhu cầu thế giới sút giảm khiến người ta có thể dự đoán là hàng chục ngàn việc làm sẽ bị mất đi trong các lãnh vực như kỹ nghệ xe hơi, dụng cụ gia đình và cả trong ngành kim hoàn hay nông sản thực phẩm.
Tất cả đều đang báo động đỏ, cùng lúc với việc giá trị của đồng baht Thái đang ở mức thấp nhất kể từ gần hai năm qua.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị trong nước dường như vẫn chưa tìm thấy lối thoát khi Lực lượng Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) chống chính phủ tiếp tục từ chối đàm phán hoà bình. Đây chắc chắn đã và tiếp tục là trở lực không nhỏ đối với tốc độ phát triển kinh tế của nước này.
Trà Giang
Theo AP