1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng bố sinh học nguy hiểm cỡ nào?

Mặc dù xưa nay những vụ tấn công và đầu độc bằng vũ khí sinh học chưa gây ra những thảm họa lớn, bọn khủng bố vẫn có thể tận dụng những công nghệ mới để gieo các tác nhân gây bệnh độc hại về lâu về dài.

Thỏa hiệp về vũ khí sinh học BWC không ngăn cấm việc nghiên cứu các tác nhân gây bệnh. Chính điều này đã kéo theo “tác dụng phụ” nguy hiểm là một số dạng vũ khí vi trùng mới đã được tạo ra. Không chỉ có các quốc gia công nghiệp hàng đầu mới có những phòng nghiên cứu sinh học, bọn khủng bố cũng có thể tạo ra những tác nhân gây bệnh độc hại cho con người, đặc biệt là các phương thức gây lây nhiễm nhanh gieo rắc dịch bệnh cho người dân của quốc gia bị tấn công.

Có thể

Bọn khủng bố có thể mua hoặc ăn cắp các tác nhân gây bệnh mới từ các phòng nghiên cứu sinh học. Sau đó chúng lên một kế hoạch tấn công thích hợp như bắt cóc con tin (giống vụ ở Nhà hát Moscow) rồi gây lây nhiễm cho nạn nhân. Theo chuyên gia sinh học phân tử ở ĐH Harvard, giáo sư (GS) Matthew Meselson, bọn khủng bố có thể không mất nhiều thời gian và chi phí cho việc tìm kiếm những tác nhân gây bệnh. Không cần phải có số lượng lớn mầm bệnh, chúng vẫn có các nguồn gây lây nhiễm tổng hợp - như khuẩn bệnh than (anthrax) chẳng hạn.

Hiện tại người ta tin rằng mối đe dọa về khủng bố sinh học là hoàn toàn có thể, vì nó không đòi hỏi sự tinh vi như chất nổ truyền thống. Việc học cách tạo ra những vi trùng và virus gây bệnh đang gia tăng, thậm chí với một nhóm hoạt động công nghệ tương đối thấp như tổ chức al- Qaeda. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà khoa học Nga- Mỹ đã tạo ra được những tác nhân gây bệnh mới, có thể dễ dàng lây nhiễm cho con người. Dự án về vũ khí sinh học của hai nước này đã ngốn nhiều thời gian và tiền bạc. Bọn khủng bố có thể sao chép các dự án này và phát triển trong một sớm một chiều.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới mà trang thiết bị di truyền được rao bán nhan nhản tại các địa chỉ như eBay và những trang web về vật liệu sinh học. Khả năng tạo các loại vũ khí sinh học không chỉ giới hạn ở tác dụng nhanh mà còn gây lây nhiễm và đầu độc lâu dài, như tác nhân kích hoạt chứng đa xơ (multiple sclerosis). Chỉ cần bỏ ra 5.000 USD là có được một máy tạo khuẩn bệnh đậu mùa.

Khả năng phòng thủ cho cộng đồng đang gia tăng đồng thời với sự phổ biến kiến thức về vũ khí sinh học. Mỹ hiện có đến 97% các nhà nghiên cứu nhận tài trợ từ Viện Quốc gia về bệnh nhiễm trùng và dị ứng để nghiên cứu về các tác nhân sinh học, một con số chưa từng tồn tại trước đây. Chỉ mỗi việc có quá nhiều người nắm giữ các tác nhân gây bệnh cũng là mối quan ngại, trong khi khả năng giải trừ kỹ thuật sinh học hay thuốc giải độc, các loại kháng sinh mới lại không tiến triển tương xứng.

Và không thể

Kinh nghiệm quá khứ cho thấy những vụ tấn công bằng vũ khí sinh học thường không đạt hiệu quả như mong muốn. Trong thế chiến thứ 2, người Nhật đã từng thả các nguồn mầm bệnh xuống nhiều thành phố Trung Quốc, song hiệu quả lại rất giới hạn. Năm 1984, giáo phái Mỹ có tên Rajneeshees đã sử dụng khuẩn salmonella để gây ô nhiễm cho các quán bar ở Dalles, Bắc bang Oregon (Mỹ) nhưng hành động nguy hiểm này lại không giết được ai. Vụ tấn công sinh học năm 2001 ở Mỹ với những lá thư mang mầm bệnh than chỉ giết chết 5 người. Năm 1995, giáo phái Aum Shinrikyo (Chân lý tối thượng) thực hiện một vụ tấn công bằng khí độc Sarin trong hệ thống tàu điện ngầm Nhật Bản, cũng chỉ giết được 12 người.

Đối với bất cứ một tác nhân gây bệnh nào, cả bệnh đậu mùa và bệnh than, cũng đều có những hạn chế khi cho lây nhiễm thông qua một cuộc tấn công ngoài trời. Theo thông báo năm 2002 của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, bởi các nhân tố gây bệnh này thường không ổn định, nên việc đầu độc cho số lượng lớn nạn nhân sẽ rất khó. Chẳng hạn như khuẩn bệnh than chỉ mạnh mẽ trong các thí nghiệm trên động vật, song lại ít phản ứng trên người, còn bệnh đậu mùa cũng có tỉ lệ lây nhiễm không ổn định trong nhiều thí nghiệm ở thế kỷ 20.

Tuy vậy, nói như thế không có nghĩa là bọn khủng bố không thể làm một “cú ngoạn mục” giết hại nhiều người dân vô tội. Khoa học vi sinh hiện nay tiến bộ rất nhanh và trong hàng ngũ bọn khủng bố hiện nay không phải không có những “thiên tài” sinh học.

Dự báo và phòng thủ

Để dự báo chính xác hậu quả của một cuộc tấn công vũ khí sinh học, người ta dựa trên số lượng tác nhân cần có để gây lây nhiễm cho một người, tỉ lệ nạn nhân sống sót trong một vụ tấn công đầu độc (phụ thuộc vào sức khỏe dân số), tỉ lệ lây nhiễm khi tác nhân có tính lây truyền cao, khả năng gieo rắc và phân tán hiệu quả của tác nhân gây bệnh (phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu...), tính ổn định về môi trường của một tác nhân, mật độ dân số và các khả năng của hệ thống sức khỏe cộng đồng.

Tác hại của một vụ tấn công bằng vũ khí sinh học lớn hay nhỏ tùy thuộc vào việc phát hiện và khả năng phòng ngừa của chính quyền sở tại, vào việc dự trữ các loại vắc-xin, thuốc giải độc v.v... với số lượng tương ứng. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào sự phòng thủ tiêu chuẩn chống lại các tác nhân gây bệnh cũng như mức độ phản ứng nhanh trước một vụ nổ sinh học. Theo bà Barbara Hatch Rosenberg, chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Giải trừ vũ khí Mỹ, hậu quả sẽ khốc liệt nếu chính phủ không có các biện pháp phòng chống hữu hiệu những vụ tấn công sinh học của bọn khủng bố.

 

Theo Đào Hùng

Người lao động