1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khúc cây cứu sống "người cá" trong vụ nổ núi lửa như bom nguyên tử

Thành Đạt

(Dân trí) - Lisala Folau đã thoát chết nhờ bám vào một khúc cây trong thảm họa sóng thần do phun trào núi lửa ở Tonga.

Khúc cây cứu sống người cá trong vụ nổ núi lửa như bom nguyên tử - 1

Lisala Folau (thứ 2 từ trái sang) sống sót sau 27 giờ bơi trên biển (Ảnh: Reuters).

"Đến lần ngụp lặn thứ 8, tôi nghĩ mình sẽ không sống sót được nữa, vì cánh tay là thứ duy nhất giữ tôi ở trên mặt nước", Lisala Folau, một người đàn ông bị tật ở chân, nói với Reuters từ thủ đô Nuku'alofa của Tonga.

"Đến lần thứ 9, tôi bám được vào một khúc gỗ. Và đó là thứ giúp tôi tiếp tục sống sót", Folau kể lại.

Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào hôm 15/1 khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, kéo theo những đợt sóng thần càn quét quốc đảo Tonga.

Thảm họa này gây thiệt hại nặng nề cho các ngôi làng và các khu nghỉ dưỡng, khiến 105.000 người dân tại Tonga bị cắt đứt liên lạc và cô lập với thế giới bên ngoài.

Atata, nơi cách Nuku'alofa khoảng 8 km về phía tây bắc, hoặc 30 phút đi thuyền, đã bị phá hủy gần như hoàn toàn trong trận sóng thần.

Folau, sống trên hòn đảo Atata biệt lập với dân số khoảng 60 người, đã bị cuốn ra biển vào khoảng 7 giờ tối 15/1.

Khi thảm họa ập tới, Folau đã leo lên cây và thoát được đợt sóng lớn đầu tiên. Nhưng khi anh trèo xuống, một cơn sóng lớn khác đã ập đến và cuốn anh ra biển.

"Tôi có thể nghe thấy tiếng con trai gọi từ trên bờ, nhưng tôi không muốn trả lời vì tôi không muốn con bơi ra ngoài để tìm tôi. Những con sóng cứ xoay vòng quanh tôi. Điều tôi nghĩ đến lúc đó là, ở trên biển luôn tồn tại sự sống và cái chết. Cho đến khi vào bờ, tôi mới biết mình còn sống hay đã chết", Folau kể lại.

Vụ núi lửa phun trào dữ dội nhất thế kỷ 21, như "bom nguyên tử" ở Tonga

Folau cho biết anh đã bơi qua quãng đường 7,5 km để đến đảo chính Tongatapu. Sau gần 27 giờ, người đàn ông này đã đến Tongatapu vào khoảng 10 giờ tối ngày 16/1.

Câu chuyện thoát chết thần kỳ của Folau đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người gọi anh là "Aquaman", một nhân vật người cá siêu anh hùng trong phim và truyện tranh.

Khi được hỏi liệu có biết Aquaman là ai không, Flolau nói rằng anh không biết.

Vụ phun trào đã khiến tro bụi bay cao 20 km và tạo ra tiếng nổ lớn có thể nghe thấy ở cách đó hơn 10.000 km. Đây được cho là một trong những vụ nổ mạnh nhất trên Trái đất trong hơn một thế kỷ qua.

Những hình ảnh đầu tiên về Tonga sau vụ núi lửa phun trào cho thấy, hàng loạt ngôi nhà bị phá hủy, cây cối đổ nát, phương tiện bị hư hại và tro bụi phủ kín các hòn đảo.

Theo Trung tâm Không gian Goddard của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), sức mạnh của vụ phun trào núi lửa ước tính gấp hơn 500 lần so với quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2.

Những chuyến bay cứu trợ từ Australia và New Zealand đã đến Tonga hôm 20/1, mang theo nước sạch và các vật dụng cần thiết để hỗ trợ người dân. Tàu hậu cần của New Zealand cũng được triển khai để hỗ trợ quốc đảo bị ảnh hưởng sau thảm họa.

Cảnh tượng tan hoang ở Tonga sau vụ phun trào núi lửa lịch sử

Theo www.straitstimes.com