Không thể làm khác
(Dân trí) - Dư luận thế giới có nhiều đánh giá khác nhau về cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm Ukraine. Nhưng dưới góc độ của “chú gấu Nga”, việc cương quyết giữ Crimea để chặn đà “Đông tiến” của phương Tây là điều không thể làm khác.
Nếu nhìn lại thời điểm khi mới khởi phát cuộc khủng hoảng tại Ukraine, chắc chắn không ít người nhận thấy nước Nga đã cố gắng kiềm chế như thế nào trước làn sóng biểu tình nổ ra từ cuối tháng 11 năm ngoái chống chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych, một đồng minh của Nga trong không gian hậu Xô Viết.
Thái độ này của Mátxcơva từng bị đánh giá là thờ ơ, yếu kém và đáng trách, nhất là khi Tổng thống Vladimir Putin đã chọn cách im lặng suốt một tuần trước việc phe đối lập Ukraine đơn phương truất quyền của Tổng thống Yanukovych hôm 22/2, chỉ một ngày sau khi hai bên vừa ký thỏa thuận giải quyết khủng hoảng dưới sự chứng kiến của Nga và EU. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Mátxcơva cho rằng đây là sự im lặng cần thiết để thể hiện sự tôn trọng với Kiev và cam kết thực thi nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nước khác.
Thế nhưng, trước sự gia tăng mạnh các hành động bài Nga của các nhóm dân tộc cực đoan tại Ukraine và việc chính quyền lâm thời Kiev nhất mực ngả theo phương Tây, chính phủ Nga không thể mãi tiếp tục im lặng.
Nga không thể để Ukraine tự do đi theo quỹ đạo của phương Tây để rồi phải chứng kiến Kiev trở thành vùng đệm trung gian cho một kế hoạch lớn hơn do các cường quốc phương Tây hoạch định. Vì vậy, Tổng thống Putin đã quyết định “bài binh, bố trận” ở Crimea để đặt cả Kiev và phương Tây vào chiếu bí, lấy đây là quân bài chủ lực cho chiến lược “kỳ đà cản mũi” trước các đòn tấn công từ bên ngoài.
Trong vô số phương án có thể lựa chọn can thiệp vào Crimea, việc điều quân và giành thắng lợi hoàn toàn không khó đối với nước Nga, nhưng chắc chắn nó sẽ để lại những “di căn” hết sức nguy hiểm. Làn sóng bài Nga bùng phát mạnh mẽ tại Ukraine và phương Tây; sự nghi ngại của quốc tế trước thói quen sử dụng các biện pháp quân sự của Nga; nguy cơ sa lầy vào một trận chiến ở Ukraine và viễn cảnh bị cô lập trên trường quốc tế … là những hệ lụy mà nhà lãnh đạo Nga không thể không tính đến. Do đó, việc để chính người dân Crimea tự nói lên nguyện vọng của mình thông qua cuộc trưng cầu dân ý sẽ là kế sách vẹn toàn nhất đối với Mátxcơva hiện nay, cho dù ai cũng biết để thực hiện được kế sách đó không thể không có sự sắp đặt trong hậu trường.
Nhà lãnh đạo Nga có nhiều lý do để hành động như vậy khi những diễn biến ở Ukraine và hành động của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, khiến ông không thể làm khác. Sau màn thua đau ở bàn cờ chinh trị Kiev với việc bị phe đối lập Ukraine lật kèo, ông Putin quyết định bày bàn cờ chế ở Crimea dựa trên những lợi thế tự nhiên đang có trong tay ở bán đảo này.
Cụ thể, nếu như phương Tây hậu thuẫn “cuộc nổi dậy” trong Quốc hội Kiev (phế truất Tổng thống thân Nga Yanukovych) thì Mátxcơva cũng đã đáp trả bằng một “cuộc lật đổ” tương tự trong Nghị viện Crimea (lật đổ Thủ tướng thân Kiev Anatoly Mogilyov). Nếu như phương Tây tìm mọi cách kéo Kiev về gần phía mình, thì Nga cũng sẽ sử dụng mọi lợi thế để hút lại Crimea. Rõ ràng mọi kịch bản dân chủ ở thủ đô Kiev đang được lặp lại ở thủ phủ Simferopol theo chiều ngược lại với ranh giới của sự đúng - sai được hiểu hoàn toàn khác nhau ở hai phía.
Ai cũng biết, trong chính trị không chỉ có hai màu trắng-đen và không tồn tại khái niệm “bạn bè vĩnh viễn” hay “kẻ thù vĩnh viễn”. Thứ tồn tại vĩnh viễn duy nhất đối với mọi quốc gia là “lợi ích dân tộc”. Do đó, mọi toan tính, mọi quyết định chiến lược của các quốc gia đều chỉ nhằm phục vụ những lợi ích này và khi cần, những nước lớn sẵn sàng hy sinh lợi ích của các nước nhỏ.
Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay cũng vậy. Để đạt được lợi ích của mình, phương Tây và Nga sẵn sàng đi mọi nước cờ cần thiết miễn sao có thể đạt được lợi ích tối đa trong ván cờ chung cuộc. Những thua thiệt cuối cùng chỉ mình người dân Ukraine phải gánh chịu, mà hậu quả lớn nhất là việc đất nước sẽ bị khoét sâu thêm chia rẽ sắc tộc và mất đi một phần lãnh thổ sau một cuộc trưng cầu dân ý mà tính đúng - sai của nó cũng đang được nhìn nhận rất khác nhau dựa theo lợi ích của từng bên.
Bài học độc lập cho Kosovo khỏi Serbia và Nam Ossetia khỏi Gruzia năm 2008 là những minh chứng rõ nhất cho điều này.
Đức Vũ