Không có Ukraine, "thần chết nước Nga" vẫn vươn tới Mỹ
Nga đang tranh luận về việc Kiev cắt đứt có ảnh hưởng thế nào tới khả năng tác chiến của các tên lửa đạn đạo và tên lửa có cánh của Nga.
Xin giới thiệu với bạn đọc một số ý kiến trên.
Đầu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-18 Stilet (SS-19 Stiletto theo phân loại của NATO) trong hầm phóng. (Ảnh: Sergei Kazak/TASS)
I. Người mở màn cho cuộc tranh luận
Ngày 24/8/2015, Tạp chí “Ogonhok” - “Ngọn lửa nhỏ” (Nga) đã cho đăng bài của Chủ tịch Viện đánh giá chiến lược Aleksandr Konovalov về việc liệu mối quan hệ Nga - Ukraine bị đổ vỡ có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả tác chiến của tên lửa Nga. Mấy ý chính trong bài báo như sau:
- Mối quan hệ (hợp tác kỹ thuật – quân sự) với Ukraine bị đóng băng đe dọa hiệu quả của vũ khí hạt nhân Nga.
- Một phần lớn vũ khí hạt nhân hiện có trong trang bị của Nga được sản xuất tại Ukraine trong thời Xô Viết.
- Hiện tại, tại các hầm phóng trên mặt đất - Nga có 1.166 đầu tác chiến hạt nhân, trong số đó có 780 đầu tác chiến được bố trí trên các phương tiện mang là tên lửa hai kiểu SS-18 “Satana” và SS-19.
SS-18 mang 10 đầu tác chiến tự dẫn, loại thứ hai (SS-19) – 6 đầu tác chiến. Cả hai loại tên lửa này được trang bị hệ thống khoan thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương rất hiệu quả;
- Cả hai kiểu tên lửa trên đều được thiết kế và chế tạo tại Liên Xô, SS-18 hoàn toàn tại Ukraine, cụ thể là tại Dnhepropetrovsk, còn SS-19 – tại ngoại ô Matxcova, nhưng hệ thống dẫn đường được chế tạo tại Kharkov (Ukraine).
Các tên lửa này đã hết hạn sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục trực chiến. Chỉ có những đơn vị kỹ thuật của những xí nghiệp chế tạo nó mới có thể tăng hạn sử dụng chúng (nghiên cứu tình trạng kỹ thuật và quyết định có thể tăng hạn được hay không – NV), có nghĩa là của các xí nghiệp Ukraine.
Nhưng Tổng thống Ukraine Poroshenko đã ký sắc lệnh cấm tất cả mọi sự hợp tác quân sự - kỹ thuật với Nga, như vậy khả năng này là không thể .
- Vậy sẽ xác định mức độ sẵn sàng chiến đấu và tình trạng kỹ thuật của phần lớn các phương tiện tác chiến trong trang bị Bộ đội tên lửa chiến lược Nga như thế nào?
- Thành tố trên không (Không quân) của Lực lượng kiềm chế hạt nhân Nga chủ yếu gồm các máy bay ném bom Tu-95 và Tu-160. Vũ khí chủ yếu của chúng – tên lửa có cánh phóng từ trên không tầm xa Kh-55 mang đầu tác chiến hạt nhân.
Tuy nhiên, động cơ cho hai kiểu máy bay trên do nhà máy “Motor –Sich” của Ukraine ở Zaporozie cung cấp, như vậy thì trong tương lai khả năng tác chiến của hai loại máy bay này cũng là một điều rất đáng lo.
Kết luận: Cuộc đối đầu với Ukraine đã dẫn tới việc hơn một nửa tiềm lực vũ khí hạt nhân chiến lược (Nga) có thể trở thành vô dụng. Thành thử, chúng ta đang lựa chọn một phương án quan hệ với nước láng giềng (Ukraine) hoàn toàn không đáp ứng các lợi ích của Nga
II . Các ý kiến phản biện
1. Cựu Chánh văn phòng Hội đồng an ninh quốc gia Liên Bang Nga, nguyên Tham mưu trưởng Bộ đội tên lửa chiến lược Nga – thượng tướng Viktor Esin :
- Theo phân loại của NATO SS-18 – đấy là tên lựa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng RS-20V (R-36M) có trọng lượng 211,1 tấn. Tên lửa nhiên liệu lỏng hai tầng này có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân, tuy cũng có phiên bản chỉ mang một đầu đạn.
Chúng được chế tạo tại nhà máy “Luzmash” tại thành phố Dnhepropetrovsk (Ukraine). Hiện nay Nga đang tiến hành hàng loạt các biện pháp bảo trì bảo dưỡng R-36M “Voevoda” để chúng có thể trực chiến đến năm 2022 – sau đó R-36M sẽ được thay thế bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng “Sarmat”.
- Tên lửa SS-19 – là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đặt trong hầm phóng RS-18 (UR-100N UTTKH) theo phân loại của NATO là “SS-19 Stiletto”. Trọng lượng phóng -105,6 tấn, có thể mang 6 đầu tác chiến hạt nhân.
Tổ hợp tên lửa này do Tập đoàn “VKP” HPO (Tổ hợp khoa học-sản xuất-ND) tại thành phố Reutov (Nga) thiết kế và được sản xuất tại “Nhà máy chế tạo máy mang tên Khruchev” tại Matxcova. Hệ thống dẫn đường cho tổ hợp này quả thực được sản xuất tại Kharkov (Ukraine).
Đã có kế hoạch giữ tổ hợp này trong trang bị của Bộ đội tên lửa chiến lược đến năm 2019 – sau đó chúng cũng sẽ được thay thế bằng “Iars”. Ngoài ra, theo mẫu của RS-18, Nga cũng đã chế tạo và đưa vào sử dụng hai kiểu tên lửa mang – “ Rokot” và “ Strela” để đưa các thiết bị vũ trụ lên quỹ đạo.
- Mùa hè năm 2014, Phòng thiết kế “Iuznoe” và các xí nghiệp khác của Ukraine đã dừng hợp tác (với Nga) trong bảo trì các tên lửa Xô viết đang trực chiến. Rất dễ hiểu là trong trường hợp các mối quan hệ bị cắt đứt, theo thông lệ quốc tế thì bất kỳ một quốc gia nào sở hữu các tổ hợp tên lửa đó đều có quyền tự mình khai thác (bảo dưỡng kỹ thuật).
Có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có quyền đưa ra các kết luận (về tình trạng kỹ thuật của các tổ hợp tên lửa) mà không cần phải mời các chuyên gia Ukraine. Hiện Nga đang làm đúng như vậy. Công tác bảo dưỡng kỹ thuật R-36M được giao cho “Trung tâm tên lửa quốc gia mang tên Viện sỹ Makeev” ở Miass (khu Chuliabinsk – Nga), còn UR-100N UTTKH – cho “Tập đoàn khoa học-sản xuất chế tạo máy”.
Quả là có một số khó khăn nhất định đã phát sinh, nhưng chúng sẽ được khắc phục nhờ các kinh nghiệm lớn đã tích lũy được trong quá trình vận hành các “sản phẩm trên” tại các đơn vị .
- Bây giờ ta nói về những gì liên quan đến tên lửa phóng từ trên không. Tên lửa Kh-55 được Phòng thiết kế “Raduga” tại Dubna thiết kế và từ năm 1983 được sản xuất tại “Nhà máy chế tạo máy Dubna”. Hiện nay Kh-55 cũng đã kết thúc chu kỳ tái trang bị.
Cũng không có gì là lộ bí mật khi nói rằng Phòng thiết kế “Raduga” đang thực hiện 2 dự án chế tạo hai kiểu tên lửa có cánh phóng từ trên không tầm xa mới là Kh-101 và Kh-102. Cả hai kiểu tên lửa này là các mẫu phát triển từ Kh-55.
Tên lửa Kh-101 sẽ có đầu tác chiến thông thường và Kh-192 – mang đầu đạn hạt nhân. Các động cơ cho hai kiểu tên lửa này hoàn toàn do Nga sản xuất. Như vậy, tôi không thấy có bất kỳ vấn đề gì ở đây cả .
- Khó khăn là ở chỗ là nếu Ukraine không cắt đứt mối quan hệ, thì có thể dễ dàng hơn khi triển khai chế tạo các tên lửa mới, không phải đẩy nhanh tiến độ đưa chúng vào trang bị và không phải tăng tốc độ sản xuất. Nhưng cái gì đã xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Tuy nhiên, những khó khăn như vừa nói tới ở trên là những khó khăn có thể khắc phục được .
2. Tổng biên tập Tạp chí “Tiềm lực tổ quốc”, thành viên Hội đồng chuyên gia trực thuộc Ủy ban công nghiệp quốc phòng Chính phủ Liên Bang Nga Viktor Murakhovsk:
- Trong năm nay (2015) công tác bảo dưỡng kỹ thuật các tên lửa SS-20 đã do Trung tâm tên lửa quốc gia mang tên Makeev đảm nhận.
- Hiện nay các xí nghiệp Nga đã giải quyết thành công vấn đề thay thế một số linh kiện, chi tiết và đã không có vấn đề gì xảy ra ... Vấn đề là ở chỗ tài liệu sản xuất – kỹ thuật và các tài liệu thiết kế, kể cả danh mục các quy định chi tiết về bảo dưỡng tổ hợp tên lửa chiến lược được lưu giữ tại các trung tâm đặc biệt.
- Tháng 12/2014, Tư lệnh Bộ đội tên lửa chiến lược thượng tướng Sergei Karataev đã tuyên bố không có bất kỳ nhu cầu nào trong việc sử dụng tiềm lực của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Ông lúc đó cũng nhấn mạnh rằng Trung tâm tên lửa quốc gia Makeev đã hoàn thành một khối lượng lớn công tác chuẩn bị, trong đó có việc nghiên cứu kinh nghiệp chế tạo tên lửa “Voevoda”.
- Còn những gì liên quan đến tên lửa có cánh phóng từ trên không, thì từ năm ngoái chúng đã được lắp động cơ của Nga. Tổng giám đốc Tập đoàn “Vũ khí tên lửa chiến thuật" B.Obnosov lúc đó cũng đã nói rõ về toàn bộ quy trình thay thế (động cơ).
Thống đốc Vùng Omsk tuyên bố là trong trường hợp cần thiết các xí nghiệp của vùng này sẵn sàng tăng số lượng xuất xưởng các động cơ tua bin khí kích thước nhỏ và hệ thống điều khiển các động cơ này.
- Chính vì vậy mà tôi không hiểu các chuyên gia theo quan điểm tự do lấy đâu ra những thông tin đó (như nói ở phần đầu). Có vẻ như họ muốn kích động dân chúng chăng.
III. Các thông tin bổ sung:
Căn cứ vào các báo cáo trao đổi song phương Nga - Mỹ gần đây nhất theo các quy định của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START-3, đến ngày 01/9/2014, Nga có tổng số 911 đơn vị vũ khí tấn công chiến lược đã triển khai và chưa triển khai, còn Mỹ – có 912 . Trong số đó thì các phương tiện mang đã triển khai là: Nga - 528 với 1.643 đầu đạn, Mỹ -784 với 1.642 đầu đạn.
Như vậy, lần đầu tiên Nga đã vượt Mỹ về số lượng đầu đạn trên các phương tiện mang chiến lược. Theo các chuyên gia trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ thì sở dĩ có sự thay đổi như vậy là do Nga đưa tàu ngầm tuần dương mang tên lửa chiến lược dự án 955 “Iuri Dolgoruki” và “Aleksandr Nhevski” với các tổ hợp tên lửa “Bulava” vào trực chiến. Công tác triển khai các tổ hợp tên lửa cơ động và tên lửa trong hầm phóng RS-24 “Iars” vẫn đang được tiếp tục.
Theo Lê Hùng
Đất Việt