Khi Thổ Nhĩ Kỳ đòi châu Âu "trả tiền chuộc" trong vấn đề người di cư
(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) dường như đã rút ra được bài học khi "làm ăn" với Thổ Nhĩ Kỳ sau hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc hôm 8/3 tại thủ đô Brussels của Bỉ.
Tại hội nghị được đánh giá sẽ mang tới hy vọng cho châu Âu trong cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một đề nghị đầy bất ngờ mà nếu được đưa ra chỉ 6 tháng trước, các nhà đàm phán của EU sẽ đứng dậy ngay lập tức và rời khỏi phòng hợp.
Theo đó, Ankara yêu cầu EU hỗ trợ thêm 3 tỷ euro so với mức 3 tỷ mà liên minh này cam kết, nới lỏng quy định thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại EU từ tháng 6 tới, đẩy nhanh quá trình xét duyệt đơn xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cam kết tái ổn định những người nhập cư Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ. Với nhiều người châu Âu, đề xuất mà Ankara đưa ra trên bàn đàm phán chẳng khác gì "một khoản tiền chuộc".
Có thể nói, thông điệp Thổ Nhĩ Kỳ gửi tới châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua khá rõ ràng: "Bạn cần chúng tôi nhiều hơn chúng tôi cần bạn".
Trước đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ, EU không chỉ đang cân nhắc mà một số nhà quan sát cho rằng liên minh này có thể sẽ chấp nhận các nội dung vì cuộc khủng hoảng người nhập cư cho thấy khối này đang "bí đường". Trong khi đó, thành viên lớn nhất Đức được cho là sẽ thúc đẩy các bên ở EU chấp nhận đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó giới hạn dòng người nhập cư và chấm dứt cuộc khủng hoảng đang thử thách sự đoàn kết của các quốc gia thành viên trong khối.
Thủ tướng Angela Merkel, người coi thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ là cách duy nhất hiện hữu cho cuộc khủng hoảng người nhập cư mà châu Âu đang đối mặt hiện nay, đã tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo khác chấp nhận đề xuất nêu trên. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo của EU đã nhất trí trì hoãn việc đưa ra quyết định tại hội nghị tiếp theo của khối này, dự kiến vào tuần tới.
Một số nguồn tin cho rằng việc trì hoãn đưa ra quyết định nêu trên bắt nguồn từ những ý kiến lo ngại việc này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong tương lai. Theo đó, các nguyên tắc dân chủ cốt lõi của EU có thể bị đem ra "mua bán". Trang Politico đánh giá rằng, nếu EU chấp nhận những nội dung mà Ankara muốn trong đề xuất, liệu khối này có đang gián tiếp tạo ra một chế độ mới ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như có thể khiến EU mất tín nhiệm trong tương lai?
Tuy nhiên, viễn cảnh sẽ tồi tệ hơn cho châu Âu vì trong trường hợp cuộc khủng hoảng người nhập cư không thể giải quyết, những đường biên giới mở sẽ không còn nữa và dư luận sẽ mất niềm tin vào các cơ quan của EU.
Phát biểu sau hội nghị EU - Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Merkel đã nhấn mạnh rằng cuộc xung đột tại Syria và tình hình "địa chính trị", một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng "là lợi ích quan trọng của châu Âu". Tuy nhiên, nhiệm vụ của bà Merkel trong quá trình thuyết phục các quốc gia EU chấp nhận “làm ăn với người Thổ” được dự đoán sẽ gặp nhiều trở ngại. Mới đây, người phát ngôn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết Budapest bác bỏ kế hoạch tiếp nhận người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, trong khi Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz tuyên bố việc gia nhập EU không được đưa ra làm điều kiện để Ankara thực thi những trách nhiệm của mình trong vấn đề di cư.
Ngọc Anh
Theo Politico