1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khi siêu xe ở VN gây ấn tượng cả báo Mỹ

Chúng ta đã bao giờ tự hỏi rằng với một nền SX chưa làm được ốc vít, mà lại bỗng dưng có nhiều ô tô đẹp đến mức mà người Âu Mỹ sang còn phải choáng ngợp?

“Một vợ hai con ba tầng bốn bánh”

Mới đây, một bài báo trên tờ Los Angeles Times của Mỹ đã mô tả VN qua hình ảnh phương tiện giao thông.

Bài báo viết: “…để nhận biết sự chuyển dịch, phương tiện giao thông có lẽ là thước đo tốt hơn cả. Thập niên 90, xe đạp vẫn còn là phương tiện di chuyển chính... Sau đó, kinh tế phát triển đã khiến xe máy và ôtô dần trở nên phổ biến.

Số liệu cho thấy lượng xe hơi bán tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 2 năm, từ 9.500 chiếc năm 2012 lên 21.700 chiếc năm 2014… Số xe hơi xa xỉ bán ra cũng tăng với tốc độ tương tự, lên 4.700 chiếc năm 2014. Vài năm trước, Mercedes và BMW còn thống trị thị trường xe sang tại đây. Nhưng còn giờ, đó là Rolls-Royce, Porsche, Audi, Lexus, Infiniti và có thể là cả Lamborghini. Con số này sẽ còn ấn tượng hơn nữa nếu xét đến việc một chiếc xe giá 60.000 USD tại Mỹ có giá gần 180.000 USD tại Việt Nam”.

Quả là ở VN, vô vàn điều có thể rút ra về sự thay đổi xã hội, kinh tế, lối sống… khi quan sát phương tiện đi lại – trước kia là xe máy và thời thượng bây giờ là ô tô. Có một nghề nghiệp trên thế giới chắc không đâu có như ở VN, là nghề dán nylon xe máy. Lâu nay trong xã hội đã lan tràn những chuẩn mực kiểu như “một vợ hai con ba tầng bốn bánh”. Người VN vốn vẫn coi cái xe không chỉ là phương tiện, mà còn là một tài sản đáng giá.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ô tô, ngoài là tài sản đáng giá để dành, còn được coi như một thước đo của sự thành đạt. Ngày xưa “lên xe xuống ngựa” như thế nào thì bây giờ, cái sự bước lên ô tô nó cũng ghê gớm không kém. Có lẽ, cũng một phần bởi sự quản lý ô tô, nhất là sản xuất và mua bán ở Việt Nam, hoàn toàn “không giống ai” mà không hiếm chuyện ô tô mua về đi chán chê, bán lại gần như hòa vốn hoặc không lỗ bao nhiêu.

Dạo một vòng các diễn đàn trực tuyến có liên quan đến ô tô, sẽ thấy rất nhiều chia sẻ “Ô tô với tôi chỉ là phương tiện!” Nhưng có thật vậy không? Không chắc đâu nhé. Khi mà người ta còn chuộng hình thức đến mức ngày khai bút đầu xuân “tập tô” theo nét bút chì viết sẵn, thì cái ô tô dùng để hãnh diện với hàng xóm bạn bè xét ra cũng là bình thường.

Kỳ thị… ô tô?

Khi xe máy, rồi ô tô trở thành thước đo đẳng cấp, sự giàu có, sang trọng, thì từ đó chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” xảy ra là dễ hiểu. Đôi khi, thậm chí chúng còn là nơi “trút giận”, xả nỗi kỳ thị sự giàu có.

Người viết bài này có quê ngoại là một làng ở Hà Tây, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, làng không thuần nông và thanh niên thì không được hiền lành cho lắm. Không thiếu những trường hợp thanh niên làng ném cả người lẫn xe đạp đẹp của những thanh niên khác xuống ao, tệ hơn có khi phá hỏng… chỉ vì “ngứa mắt,” dám ăn diện hơn, mua được xe đẹp hơn. Đó là chuyện cách đây hơn 20 năm. Ngày nay nếu đi ô tô về làng, khả năng bị ném vỡ kính hoặc cào xước sơn, không phải hiếm.

Chẳng nói chuyện quê, ngay giữa thành phố văn hiến của ta, nếu để xe vướng víu một chút cũng đã có thể nhận được vài vết cào sâu hoắm từ đầu đến cuối xe rồi. Chỉ mới trước Tết Ất Mùi vừa rồi, tôi đã chứng kiến cảnh chiếc Camry cáu cạnh để trong ngõ, hai thanh niên đi qua dùng tay chặt gãy luôn cái gương xe mà không có lý do rõ ràng. Hai thanh niên đó không phải dân ăn cắp, “chôm chỉa” gì, mà đơn thuần chỉ “ngứa mắt”.

Cách đây ít ngày, dư luận xã hội xôn xao trước hai đoạn video clip, ghi lại cảnh đoàn rước kiệu một lần va vào chiếc xe Toyota Zace khiến thủng kính xe và một lần đâm vỡ kính xe xe Kia Morning. Theo báo chí đưa tin, người dân sở tại nơi lễ hội diễn ra giải thích hai sự việc này xảy ra từ 2011, 2012, và không phải cố ý. Một số ý kiến cũng cho biết, khi kiệu quay, những người rước kiệu rất khó điều khiển được, “bấm cả hai bàn chân xuống đất cũng không đứng yên được, rất khó giải thích, nhưng là điều có thực”.

Nhưng người viết cứ băn khoăn, nếu không phải là chiếc xe con, mà thay vào đó chỉ là chiếc xe tải cũ rích thì liệu “Thánh” có điều khiển tốp thanh niên làm vậy không? Hay đúng như nhận định của một GS.TS ngành Văn hóa Nghệ thuật rằng: “Không loại trừ nhiều trường hợp những người thực hiện nghi lễ vô tình hay hữu ý lợi dụng tâm linh để xảy ra những chuyện khiến dư luận bức xúc”.
 
Hình ảnh kiệu quay húc vỡ kính xe ô tô được đăng tải trong clip
Hình ảnh kiệu quay "húc" vỡ kính xe ô tô được đăng tải trong clip

Trong tham gia giao thông, dường như ta quen với suy nghĩ là cứ va chạm thì xe nào đẹp, nhiều tiền hơn, ắt phải đền cho người đi xe cà tàng hơn, ô tô đền xe máy và xe máy đền xe đạp, cứ thế cho đến tận người đi bộ. Thay vì luật pháp, chúng ta áp dụng suy nghĩ của Robin Hood lập lại công bằng, phân phối lại thu nhập thông qua… giải quyết va quệt giao thông.

Trên đường phố như thể đang tồn tại một cuộc chiến tranh không tuyên bố giữa người với người, nhất là giữa những phương tiện đắt tiền với hầu hết xung quanh là phương tiện tầm tầm bình dân. Người đi ô tô thì còi gắt gỏng, càng bấm còi người đi xe máy càng không tránh, càng ngang ngạnh. Tất cả những gánh nặng của cuộc sống đô thị quá tải, của một nền kinh tế thị trường bươn chải ngày càng thiếu sự đảm bảo, làm cho người ta quá dễ sửng cồ, nổi nóng với nhau.

Cái ô tô không có tội, mà tội ở chỗ, nó là tiêu chuẩn của một thời kỳ mà người ta giàu lên quá nhanh, trong đó có cả những cách rất… phi tiêu chuẩn. Chúng ta đã bao giờ tự hỏi rằng tại sao thành phố có nhiều cửa hàng cầm đồ đến thế? Đã bao giờ tự hỏi rằng với một nền sản xuất chưa làm được ốc vít, mà lại bỗng dưng có nhiều ô tô đẹp đến mức mà người Âu Mỹ sang đến nơi còn phải choáng ngợp? 

Trên truyền thông, vẫn luôn có những ý kiến, bài viết bảo vệ cho những người biết làm giàu chính đáng, nhưng đáng tiếc những trường hợp như thế càng ngày càng hiếm hơn.

Một xã hội mà sự làm giàu chính đáng còn chưa được tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển, trong khi sự lươn lẹo, cơ hội, chụp giựt… vẫn luôn tìm được chỗ đứng; thì nguy cơ rất lớn là mâu thuẫn giữa sự giàu và cái nghèo, khó có thể điều hoà mà sẽ ngày càng trở nên sâu đậm.

Theo Phúc Lai
Vietnamnet