1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khi những cây vĩ cầm Trung Hoa đi ra thế giới

(Dân trí) - Hơn 10 năm nay, ngày làm việc của Vũ Hồng Phương (Wu Hong Fang) luôn đầy ắp một loại âm thanh - tiếng cọ xát của giấy ráp lên gỗ thích và gỗ vân sam. Công việc của cô cũng tạo ra một giai điệu, cho dù không thể gọi đó là âm nhạc.

Nhanh nhẹn và lành nghề,  6 ngày/tuần, công việc của Phương là đánh bóng những cây đàn vĩ cầm. 

 

Phương kiếm được trên 100 USD/tháng khi làm việc cho Công ty Nhạc cụ Taixing Fengling - nhà sản xuất lớn nhất đàn vĩ cầm trên thế giới, đặt tại thị trấn Xiqiao, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Hiện tại, thị trấn 35.000 dân này là “nhà” của 40 công ty sản xuất đàn vĩ cầm, giúp nó trở thành thủ đô của đàn vĩ cầm trên thế giới.

 

Năm 2006, Công ty Nhạc cụ Taixing Fengling sản xuất 300.000 đàn vĩ cầm, viola, cello và violoncell và 400.000 đàn ghita. Doanh số bán đạt 25 triệu USD. Hiện công ty chiếm 45% sản lượng đàn vĩ cầm của Trung Quốc và 1/4 nguồn cung cấp thế giới. Fengling hiện có 1.280 công nhân và điều đáng kể là không một bộ phần nào của nhạc cụ được sản xuất bằng máy móc. Lương tháng trung bình của công nhân nhà máy đạt 125 USD (khoảng 1.500 USD/năm).

 

Thập niên trước, các công ty của Trung Quốc như Fengling đã làm thay đổi thế giới sản xuất nhạc cụ vốn nhiều thế kỷ qua nằm dưới sự thống trị của một vài thành phố ở Ý, Pháp và Đức.

 

Theo Christopher Germain, nghệ nhân làm đàn vĩ cầm ở Philadelphia, chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Vĩ và Vĩ cầm Mỹ, sự kết hợp giữa chất lượng cao và giá thấp của nhạc cụ sản xuất tại Trung Quốc đã gây áp lực cạnh tranh cho những sản phẩm tương tự sản xuất ở nơi khác.

 

 

Khi những cây vĩ cầm Trung Hoa đi ra thế giới - 1
 

Giống như trong các ngành công nghiệp khác, vĩ cầm

Trung Hoa đè bẹp các đối thủ cạnh tranh nhờ kết hợp

giữa giá nhân công rẻ và kỹ năng tiến bộ nhanh.
(Ảnh: Los Angeles Times)

 

Eric Benning, nghệ nhân sản xuất vĩ cầm thế hệ thứ 3, chủ sở hữu Studio City Music, gọi nhạc cụ từ Trung Quốc là “không thể tin được”. Ví dụ, Fengling có thể sản xuất đàn vĩ cầm với giá bán chưa đến 25USD/trọn bộ (đàn, vĩ và hộp).

 

Mặc dù Trung Quốc chưa chinh phục được thị trường nhạc cụ cao cấp, loại chuyên dành cho nhạc công chuyên nghiệp và tài tử đẳng cấp cao, nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian.

 

Trên thực tế, sự nổi lên của ngành sản xuất nhạc cụ Trung Quốc là di sản của Chủ tịch Mao Trạch Đông và cuộc Cách mạng Văn hoá do ông khởi xướng. Không những không coi vĩ cầm là công cụ của sự suy đồi, Mao Trạch Đông còn coi đây là nhạc cụ của cách mạng. Mao Trạch Đông còn nói Trung Quốc có 2 lực lượng quân đội: một với súng đạn và một với vĩ cầm.

 

Zheng Quan, giám đốc Viện nghiên cứu Nghề làm Vĩ cầm ở Bắc Kinh, là một trong những người làm đàn vĩ cầm giỏi nhất Trung Quốc và là nhân tố chủ chốt trong việc nâng cao chất lượng nhạc cụ của Trung Quốc.

 

Bên cạnh việc đào tạo những nghệ nhân làm vĩ cầm trẻ tuổi tại Viện nghiên cứu, Zheng Quan còn là chủ tịch Hiệp hội Vĩ cầm Trung Quốc và cố vấn chất lượng cho Công ty Taixing Fengling, giúp công ty nâng cao chất lượng nhạc cụ.

 

Zheng giải thích khi Mao Trạch Đông đóng cửa các trường đại học Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Văn hoá vào cuối những năm 1960, một số sinh viên đã bắt đầu làm và chơi đàn vĩ cầm như một biện pháp rút lui. Hiện riêng thành phố Thượng Hải có đến 60 công ty sản xuất đàn vĩ cầm.

 

Vào những năm 1970, khi cuộc Cách mạng Văn hoá lắng xuống, sinh viên bắt đầu trở lại trường đại học, nhu cầu đàn vĩ cầm ở Trung Quốc giảm đáng kể. Và hệ quả là các nhà máy quy mô nhỏ phải đóng cửa còn các nhà máy quy mô lớn hơn ở Thượng Hải và Bắc Kinh bắt đầu xuất khẩu đàn vĩ cầm. Cũng vào thời điểm này, người Trung Quốc buộc phải đối mặt với thực tế là đàn vĩ cầm của họ chỉ là đồ “bỏ đi” nếu chiếu theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

Để nâng cao chất lượng nhạc cụ, Trung Quốc bắt đầu cử nghệ nhân làm đàn vĩ cầm ra nước ngoài học kỹ năng nâng cao - đầu tiên ở Đức và sau đó vào năm 1983ở Cremona, Italy – đây cũng là nơi Zheng Quan đến học từ những nghệ nhân giỏi nhất thế giới.

 

Kết quả là vĩ cầm sản xuất tại Trung Quốc đã có mặt khắp nơi trên thế giới, cạnh tranh hiệu quả với sản phẩm sản xuất tại Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước phương Tây cũng như đưa Trung Quốc trở thành một trong những nước sản xuất đàn vĩ cầm lớn nhất thế giới.

 

Nguyễn Anh

Theo Los Angeles Times