1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khi người Mỹ "tẩy chay" bệnh viện trong nước

Nhằm giảm chi phí, hàng loạt công ty ở Mỹ đang triển khai kế hoạch đưa nhân viên ra nước ngoài để được chăm sóc y tế. Xu hướng này mở ra cơ hội mới cho hàng loạt quốc gia, trong đó có thể kể đến Ấn Độ.

C.Garrett, một kỹ sư làm việc tại nhà máy sản xuất giấy ở Leicester, Bắc Carolina (Mỹ), dự định sẽ du lịch đến New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 2/9 tới. Anh cũng lên kế hoạch nhờ các bác sĩ ở đây giải phẫu bàng quang và vai trái của mình. Mặc dù lâu nay nhiều người Mỹ đã xuất ngoại để chữa bệnh do chi phí rẻ hơn nhưng Garrett lại là người tiên phong trong một xu hướng khác. Anh là người tiền trạm của Blue Ridge Paper Products. Công ty này đã lên kế hoạch sẽ đưa nhân viên ra nước ngoài khám sức khỏe vào đầu năm 2007. 

Với việc đến Ấn Độ chữa bệnh, Garrett sẽ tiết kiệm cho công ty của mình tới 50.000 USD. Và thay vì ngập đầu trong đống nợ 20.000 USD nếu mổ ở Mỹ, anh có thể bỏ túi 10.000 USD từ số tiền tiết kiệm cho công ty kể trên. Ngoài ra, anh còn được tham quan đền Taj Mahal theo kế hoạch trong tour du lịch chữa bệnh trước khi lên bàn mổ. Hai ca giải phẫu của anh nếu thực hiện ở Mỹ có thể tiêu tốn tới 100.000 USD nhưng ở quốc gia đông dân thứ nhì hành tinh, anh sẽ chỉ mất khoảng 20.000 USD.

Với chi phí bảo hiểm y tế ở Mỹ đang tăng vọt, các công ty không mấy giàu có như Blue Ridge Paper Products và các bang nghèo khó như Tây Virginia đang xem xét tính khả thi của kế hoạch này để có thể đưa nhân viên của họ sang Ấn Độ, Thái Lan hoặc Indonesia du lịch kết hợp chữa bệnh. Giới chỉ trích cho rằng việc người bệnh phải trải qua 20 giờ trên máy bay sau ca mổ là rất nguy hiểm. Bất chấp những mối lo ngại này, du lịch chữa bệnh đang thâm nhập vào hệ thống chăm sóc y tế toàn cầu. "Chăm sóc y tế toàn cầu đang ngày càng phổ biến trong khi chăm sóc y tế Mỹ lại có giá cao ngất ngưởng, vượt quá tầm với của nhiều người. Hệ thống chăm sóc y tế Mỹ cần được điều chỉnh", A.Enthoven, một quan chức cấp cao thuộc Trung tâm Chính sách y tế ở California, cho biết.

Theo Hiệp hội Chăm sóc y tế quốc gia (NCHC) tại Washington DC, một hóa đơn tại bệnh viện Mỹ trung bình không ít hơn 6.280 USD vào năm 2004, gấp hai lần so với các nước phương Tây khác. Để tiết kiệm chi phí, hàng trăm người Mỹ trong năm nay đã bay đến Ấn Độ, Indonesia hoặc Thái Lan để điều trị bệnh, thậm chí cả những ca phức tạp như bệnh tim. Tuy nhiên, trong số 150.000 người Mỹ tham gia dịch vụ "du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe" thì gần hết số này là đi trám răng hoặc giải phẫu thẩm mỹ kết hợp với một tuần tắm nắng tại những nơi mà đồng USD có giá trị rất lớn. Chẳng hạn, tại New Delhi, chuỗi khách sạn Apollo cung cấp dịch vụ chăm sóc dưỡng bệnh kết hợp nghỉ mát với giá chỉ 87 USD/đêm.

Nhiều công ty bị hấp dẫn trước giá chăm sóc y tế khá mềm ở các bệnh viện hải ngoại, được xem rẻ hơn 80% so với ở Mỹ, đã đăng ký tham gia loại hình này. Mạng lưới bảo hiểm y tế của California đã ký hợp đồng với các bệnh viện ở Mexico. Một nhà làm luật ở bang Tây Virginia đã đề nghị dự luật trong năm nay để khuyến khích các công chức đi nước ngoài chữa bệnh. Tổ chức United Group Programs tại Florida, cung cấp chương trình bảo hiểm cho các công ty nhỏ, đã ký hợp đồng với một bệnh viện Thái Lan cho khách hàng của mình.

Theo C.Y
Thanh niên/CSMornitor