1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Khi "Gấu Nga" tỉnh giấc

(Dân trí) - Cuộc tranh cãi giữa Nga và Mỹ xung quanh kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Âu đã bước sang giai đoạn mới, sau việc Nga bắn thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới có tầm bắn lên tới 5.500 km.

Theo giới phân tích, sau nhiều năm "nghiến răng thúc thủ" nhìn phương Tây dần áp sát vào biên giới của mình, "con gấu Nga" dường như đã khôi phục đủ "công lực" vùng lên để đòi lại lãnh địa của nó. Một cuộc chạy đua vũ trang mới trên thực tế đã bắt đầu.

 

Nga đã tiến hành vụ thử trong bối cảnh Matxcơva liên tục đưa ra những lời chỉ trích nói rằng Mỹ đang phát động một cuộc chạy đua vũ trang mới thông qua kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa kể trên.

 

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Viên (Áo) ngày 23/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu có thể sẽ đẩy Nga vào chỗ phải ngừng tuân thủ hiệp ước kiểm soát vũ khí thông thường ở châu Âu (CFE). Ông Putin còn cảnh báo rằng động thái của Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

 

Các chuyên gia nhận định vụ thử tên lửa đạn đạo của Nga là lời cảnh báo mới nhằm vào Mỹ. Một nhà ngoại giao NATO giấu tên cho biết "đây là sự đáp trả quân sự và chính trị của Nga" trước các kế hoạch của Mỹ nhằm mở rộng hệ thống chống tên lửa của nước này ở châu Âu.

 

Vài giờ sau vụ thử tên lửa trên, ông Putin lại đưa ra lời cảnh báo rằng lá chắn tên lửa của Mỹ có thể "biến châu Âu thành thùng thuốc súng". Ông Putin nói: "Việc biến châu Âu thành một thùng thuốc súng và chất đầy các loại vũ khí mới là tai họa và nguy hiểm. Nó sẽ tạo nên những rủi ro mới không cần thiết cho toàn bộ hệ thống các quan hệ của quốc tế và châu Âu".

 

Theo nhà ngoại giao trên việc "ông Putin đưa ra những lời tuyên bố giữa bầu không khí đầy lo ngại như hiện nay khiến người ta rất đỗi kinh ngạc". Nhà ngoại giao này cho hay các bộ trưởng quốc phòng của 26 nước thuộc khối NATO sẽ nêu vụ thử trên với người đồng cấp mới của Nga, ông Anatoly Serdyukov, tại các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào ngày 14/6.

 

Theo bộ chỉ huy chiến lược Nga, "tên lửa RS-24 tăng cường khả năng quân sự của các lực lượng chiến lược nhằm vượt qua mọi hệ thống phòng thủ chống tên lửa". Vào thời điểm hiện nay, điều này chỉ có thể là lá chắn được Mỹ triển khai tại các căn cứ ở Alaska và California, cũng như các bộ phận cấu thành của hệ thống này ở Anh và Đức.

 

Đánh giá về loại tên lửa này, nhà phân tích chính trị cấp cao thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế đóng trụ sở tại Matxcơva, ông Pikayev cho biết người ta hầu như không tiết lộ về việc triển khai tên lửa trên, nhưng cho rằng Nga đã và đang tìm cách nâng cao khả năng bắn thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa và loại tên lửa mới này có thể đáp ứng mục tiêu đó.

 

Tên lửa RS-24 có thể mang nhiều đầu đạn và có thể cho phép Nga bắn trúng các mục tiêu cách xa 10.000 km. Ông Bruno Gruselle làm việc tại Quĩ tài trợ nghiên cứu chiến lược (FRS) có trụ sở ở Pari, nói: "Họ đang chuẩn bị khả năng quân sự với sự linh hoạt rất lớn. Và không có hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào đủ mạnh để phản công lại chúng". 

 

Hồi tháng 2 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã khuyến cáo Matxcơva sẽ có "phản ứng hữu hiệu" đối với kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Ba Lan và CH Séc. Nga cũng nhiều lần khuyến cáo rằng hành động của Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai nước.

 

Theo giới phân tích, với việc Mỹ ráo riết tìm cách triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này tại Đông Âu, một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai cường quốc khổng lồ này trên thực tế đã bắt đầu.

 

Kiến Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm