1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khi các bà vợ quyết giữ những ông chồng chính khách

Chuyện các ông chồng "lả lơi" với phái đẹp không lạ gì đối với đa số các bà vợ của chính khách. Làm sao đả phá được cái truyền thống có từ thời vua Louis IV này nhất là khi các ông công khai nhìn nhận mình tiếp nối truyền thống đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng?

Tháng 10/1992, tuần báo L’Actuel của Pháp cho đăng một hồ sơ có tựa đề “Thế hệ Clinton”. Tờ báo đã đặt những câu hỏi rất nhạy cảm với nhiều chính khách Pháp như: “Ông có trốn nghĩa vụ quân sự không?”, “Có hút cần sa không” và “Có phụ bạc vợ không?” Về câu hỏi cuối cùng này, hầu hết chính khách, đặc biệt là chính khách cánh tả, trả lời không ngượng ngập rằng có, tuy mỗi người mỗi kiểu khác nhau.

 

Cánh tả ngon hơn cánh hữu

 

Thượng nghị sĩ Jean-Luc Mélenchon chẳng hạn tuyên bố: “Đó là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa đối với tôi”. Jean-Jack Queyranne, đắc cử vùng ngoại ô thành phố Lyon, nói thẳng thừng: “Chính khách Pháp nào dám vỗ ngực tự xưng là trong sáng? Đó là câu trả lời của tôi”.

 

Cựu bộ trưởng y tế Claude Évin phân biệt rạch ròi: “Tôi không phụ bạc vợ, chỉ có một số quan hệ...” Jean-Marie Bockel, cựu bộ trưởng thương mại và đương kim thị trưởng Mulhouse, trả lời khôn khéo: “Nếu vợ tôi đang đứng ở trước mặt đặt thẳng câu hỏi đó thì câu trả lời của tôi là không bao giờ tôi tự cho mình là hoàn hảo”.

 

Jacques Rocca Serra, lúc đó là thượng nghị sĩ vùng Bouches-du-Rhône, thú thật: “Tôi sẽ không nói gạt ông. Ở thành phố Marseille, ai cũng biết tôi không uống rượu, không hút thuốc, không cờ bạc. Nhưng tôi có một đam mê, vâng một đam mê thật sự, là tôi ngưỡng mộ phụ nữ”. Jean- Francois Hory, lúc đó là chủ tịch nhóm cực tả, hóm hỉnh: “Tôi có câu trả lời giống như Bill Clinton: Tôi và vợ tôi đã giải quyết xong vấn đề. Bây giờ nó không còn là vấn đề nữa”.

 

Chính khách cánh hữu tỏ ra dè dặt hơn. Patrick Devedjian nói trớ: “Nếu có vợ tôi ở đây, có lẽ bà ta sẽ trả lời cho ông. Bà ấy biết câu trả lời là gì”. Alain Carignon, lúc đó là thị trưởng thành phố Grenoble, giải thích: “Tôi không phụ bạc ai cả. Tôi mới cưới vợ mà”. Còn Michel Barnier, lúc đó làm tổng cố vấn ở Savoie, cũng trả lời tương tự: “Không. Tôi mới cưới vợ. Tôi có một người vợ tuyệt vời”. Bruno Mégret, lúc đó là nhân vật số 2 của Đảng Front National (Mặt trận quốc gia của ông Le Pen), cũng nói khéo: “Nghe đây nè, tôi mới cưới vợ ngày hôm kia. Vậy thì câu trả lời là không”.

 

Đối với các chính khách phe cực hữu, vấn đề là giấu được đến đâu hay đến đó, bởi chỉ sau cuộc phỏng vấn kể trên vài tháng lòi ra mấy vị có vợ bé. Tháng 3- 2005, tại tòa án hình sự quận 17 Paris diễn ra một sự kiện lạ lùng. Bà Marie-France Stirbois, vợ góa ông Jean-Pierre Stirbois (nguyên là cánh tay mặt của Le Pen chết năm 1988 vì tai nạn giao thông), đứng đơn thưa bà Marie-Christine Arnautu, thành viên của Hội đồng khu vực Ile-de-France Đảng Front National, cộng sự thân cận của ông Stirbois, về tội vu khống bà trên báo Libération rằng “bà dùng tên tuổi của chồng để làm tiền”.

 

Arnautu, vốn là vợ bé của ông Stirbois, bèn tung hê mọi bí mật mà ông Stirbois giấu kín bấy lâu nay trước khi chết. Trước mặt ông chánh án và các thẩm phán, bà Arnautu khai rằng trước khi ông Stirbois chẳng may lìa trần độ một năm rưỡi, bà đã quan hệ trên mức tình cảm với ông Stirbois. Bà này khẳng định: “tôi ngưỡng mộ con người chính trị trước khi tôi yêu ông ấy”. Bà đưa ra giấy chứng nhận của anh ông Stirbois, theo đó ông Stirbois đã có ý định ly dị vợ để lấy bà. Bà cũng trình một hợp đồng ông Stirbois thuê nhà để sống chung với bà.

 

Chiến thuật phản đòn

 

Xưa kia, các bà vợ thường an phận thủ thường chấp nhận cho chồng bay bướm miễn là thăng quan tiến chức và không tuyên bố ly dị vợ là được. Nhưng các mệnh phụ phu nhân ngày nay không cam tâm như vậy nữa. Họ không chấp nhận cảnh “phòng không lẻ bóng” hay “thả dê” hàng loạt của các đức ông chồng. Do đó, họ thay đổi thái độ. Muốn các ông nằm trong “vùng phủ sóng”, cách tốt nhất và cũng hợp tình hợp lẽ nhất là đeo dính như sam trong các chuyến công du của chồng. Nhiều bà tự lên lịch công tác thật chi tiết cho chồng.

 

Trước kia, cũng có nhiều bà áp dụng rồi nhưng thụ động nên dễ bị qua mặt. Ève Barre, phu nhân cựu thủ tướng Raymond Barre, là một tấm gương xông xáo, thông minh và sắc sảo. Michel Cointat, cựu quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương, nhận xét: “Bà ấy quan sát và theo dõi bằng mắt nhất cử nhất động của chồng”.

 

Năm 1980, thủ tướng Barre công du Maroc. Nhà vua Hassan II tổ chức một buổi chiêu đãi vợ chồng thủ tướng Pháp một cách trọng thể. Con trai của nhà vua mới 17 tuổi – sau này là vua Mohammed VI - thay mặt cha tổ chức tiết mục múa bụng chào mừng ông Barre. Khi một vũ công lượn quanh ông Barre, bà vợ tròn xoe đôi mắt hình viên đạn. Trong khi đó, ông Barre tỏ ra vô cảm. Cointat nghiêng qua hỏi ông Barre: “Ông thấy con bé ấy như thế nào?” Ông Barre trả lời tỉnh bơ: “Hơi mập”. Bà Ève thở phào. Chiêu này được các phu nhân bây giờ áp dụng triệt để, thậm chí còn nâng cao lên một mức. Năm 1997, người ta chứng kiến bà Anne Simclair, phu nhân thứ ba của bộ trưởng kinh tế và tài chính Dominique Strauss-Kahn, đeo bám còn quyết liệt hơn bà Ève Barre chồng trong các chuyến viễn du nước ngoài.

 

Có một cách khác nữa để bảo vệ chồng khá hữu hiệu. Đó là tìm cách làm chung với chồng, tốt nhất là làm cố vấn hay thư ký văn phòng. Marie-Caroline Ferry, phu nhân của bộ trưởng giáo dục Luc Ferry, lập một văn phòng riêng và can thiệp tích cực vào công việc của chồng. Nhược điểm của bà này là ăn mặc khêu gợi, nhất là mặc váy quá ngắn, lại kém ý thức về chính trị. Bởi vậy, năm 2003, khi Luc Ferry đại diện cho nước Pháp tham dự hội nghị cấp cao chống toàn cầu hóa ở Porto Alegre (Brazil), yêu cầu cho vợ đi theo, chánh văn phòng bộ đã xin từ chức vì cảm thấy gia đình Ferry quá đáng.

 

Bà Ferry giả đò không hiểu. Bà nói: “Tôi luôn luôn làm việc chung với Ferry, tại sao không cho tôi tháp tùng? Cuộc họp nào cũng có tôi đi theo. Ai không chịu mặc ai, tôi vẫn thế”. May thay không phải bà vợ nào giữ chồng theo cách này đều kiêu căng như thế.

 

Theo Thảo Hương

Người lao động