1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khép lại chương đầu tiên trong bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba

Ngày 14/8, ông John Kerry trở thành Ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ thăm chính thức Cuba sau 70 năm (từ tháng 3/1945) và cùng ngày đó, quốc kỳ Mỹ lần đầu tiên được kéo lên tại thủ đô La Habana sau 54 năm kể từ tháng 1/1961.

Khép lại chương đầu tiên trong bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba - 1

Tòa nhà treo hai lá cờ Cuba lớn nằm gần trụ sở Đại sứ quán Hoa Kỳ ở thủ đô La Habana, ngày 11/8. (Ảnh: AP)

Cũng giống như câu chuyện về lá cờ được kéo lên trước Đại sứ quán Cuba tại thủ đô Washington ngày 20/7 vừa qua chính là lá cờ bị hạ xuống năm 1961 và được bảo quản nguyên vẹn sau 5 thập kỷ; các nhân chứng, vật chứng lịch sử cũng không "vắng bóng" trong buổi lễ... Trong số khách mời tham dự có cựu cán bộ ngoại giao Wayne Smith của Đại sứ quán Mỹ tại Cuba từng chứng kiến quốc kỳ nước mình bị kéo xuống tại La Habana năm 1961 cùng 3 cựu lính thủy đánh bộ Mỹ từng là những người trực tiếp tiến hành nghi lễ hạ cờ đó.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Kerry và lễ thượng cờ trước Đại sứ quán Mỹ tại Cuba sẽ chính thức hoàn tất quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao - chương đầu tiên trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa La Habana và Washington, điều mà chỉ cách đây gần một năm là không thể tưởng tượng với tuyệt đại đa số những người quan sát diễn biến quan hệ hai nước.

Tuy nhiên, trước những bước đi khả quan mà hai bên đã đạt được kể từ sau tuyên bố lịch sử ngày 17/12/2014 của Chủ tịch Cuba Raúl Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không hề ảo tưởng về những khác biệt to lớn giữa hai bên, từ động cơ cho tới mục đích, hay cả cách thức thực hiện tiến trình xích lại gần nhau này.

Thế nhưng, quá trình bình thường hóa quan hệ càng dài và càng phức tạp thì “chúng ta càng sớm phải bắt đầu” - như lời của ông John Kerry, và càng cần “quyết tâm chính trị để tiến lên phía trước và ý thức chung sống văn minh” – như lời của Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez khi hai ông gặp nhau tại Washington ngày 20/7 vừa qua.

Khi chấp nhận và tạm gác lại những khác biệt vĩ mô, hai quốc gia láng giềng chỉ cách nhau 150 km đường biển này có rất nhiều lĩnh vực tiềm năng để hợp tác, từ chống buôn lậu ma túy, chống buôn người, quản lý di cư, bảo vệ các rạn san hô và môi trường biển, cứu hộ cứu nạn, phát triển công nghệ sinh học, trao đổi học thuật, văn hóa, thể thao, hợp tác trong các chiến dịch phòng chống dịch bệnh quốc tế, sản xuất dược phẩm và chăm sóc y tế... và trên thực tế, trong thời gian qua, hai bên cũng đã bắt đầu đàm phán về gần 20 thỏa thuận trong các lĩnh vực “ít nhạy cảm” này.

Cải thiện quan hệ với Cuba, Mỹ sẽ có thêm một thị trường mới. Theo nghiên cứu mới đây của hãng đánh giá tín dụng Tây Ban Nha, nếu xóa bỏ chính sách cấm vận chống Cuba, Mỹ sẽ là nước được hưởng lợi thương mại nhiều nhất với đảo quốc này, với giá trị xuất khẩu sang Cuba có thể lên tới 1 tỷ USD/năm.

Quan trọng hơn, siêu cường thế giới này sẽ giảm bớt tình trạng “lẻ loi” tại chính châu lục của mình, như lời tổng kết của cựu cán bộ ngoại giao Wayne Smith – người từng quay lại Cuba đảm nhận cương vị Trưởng Phòng đại diện quyền lợi Mỹ tại Cuba đầu những năm 1980 - khi nói rằng “đầu thập kỷ 1960, Mexico là quốc gia duy nhất tại châu Mỹ có quan hệ ngoại giao với Cuba. Năm 2014, chúng ta (Mỹ) là nước duy nhất không có quan hệ với họ. Chúng ta đã bị cô lập một cách hoàn toàn và đáng xấu hổ”.

Khép lại chương đầu tiên trong bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba - 2

Còn về phía Cuba, dù sẽ xuất hiện thêm không ít thách thức, nhưng những lợi ích từ việc cải thiện quan hệ với Mỹ - trên cơ sở bình đẳng, tự chủ và tự nguyện - là khá rõ ràng, từ những lợi ích trực tiếp như khôi phục được các thương hiệu truyền thống nổi tiếng của mình đang bị vi phạm tại thị trường Mỹ, tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch - ngành kinh tế lớn thứ 2 của Cuba, cho tới các lợi ích gián tiếp như luồng vốn nước ngoài đổ vào đảo quốc này sẽ tăng cao một khi các nhà đầu tư từ các nước khác tháo bỏ được tâm lý e dè các biện pháp trừng phạt từ Washington. Xa hơn nữa là việc hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống kinh tế thế giới với việc thúc đẩy quan hệ đối tác với nhiều nước và khu vực ngoài châu Mỹ, tiến trình mà trên thực tế cũng đã bắt đầu trong thời gian qua, và tiến tới gia nhập nhiều thể chế kinh tế quốc tế vốn vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ và chính sách cô lập Cuba của nước này. Tất cả những yếu tố trên chắc chắn sẽ có vai trò then chốt trong “quá trình cập nhập mô hình kinh tế - xã hội” hay sự chuyển mình vươn lên của “hòn đảo tự do”.

Đó chính là thành quả của gần 6 thập kỷ đấu tranh bền bỉ và kiên định của nhân dân Cuba, như lời nhận định của nhà báo Sergio Alejandro Gómez của nhật báo Granma khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN: “Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt với những hi sinh to lớn để giành lấy quyền tự quyết con đường phát triển của mình. Và chúng tôi cũng vậy, 54 năm vừa qua đối với nhân dân Cuba là một chặng đường rất dài và gian khó… nhưng mà nhờ đó, giờ đây chúng tôi có thể đối thoại với Mỹ với tư cách ngang hàng chứ không phải trong tư thế bị áp đặt”.

Với việc giữ vững được các thành quả, nguyên tắc và lý tưởng cách mạng, kể cả khi quốc kỳ Mỹ được chính thức kéo lên tại thủ đô La Habana, Cuba sẽ vẫn tiếp tục là ngọn hải đăng của phong trào tiến bộ tại Mỹ Latinh, là dải lụa đào xã hội chủ nghĩa tung bay kiêu hãnh trên biển Caribe.

Theo Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)

baotintuc.vn

Khép lại chương đầu tiên trong bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba - 3