Khảo sát: Phần lớn người Ukraine muốn đàm phán hòa bình với Nga
(Dân trí) - Cuộc thăm dò mới được thực hiện cho thấy phần lớn người dân thường Ukraine ủng hộ kịch bản đàm phán với Nga để đạt được hòa bình.
Viện Dân chủ Quốc gia Ukraine và Viện Xã hội học Quốc tế Kiev đã tiến hành một cuộc khảo sát vào tháng 5 trên phạm vi toàn quốc về cuộc xung đột với Nga.
Kết quả là, có 57% người tham gia khảo sát ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Mặc dù vậy, chỉ có 35% người dân ủng hộ việc chấm dứt cuộc chiến với ranh giới trên thực tế vào ngày 23/2/2022, khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga diễn ra, có nghĩa là họ ủng hộ phương án nhượng bộ cho Moscow một số vùng lãnh thổ ở Donbass và Crimea.
Ở phía đối lập, 38% người tham gia cho rằng Ukraine không nên tham gia đàm phán và 5% trả lời là "không biết". Số lượng người đồng ý đàm phán với Nga đã tăng 15% so với kết quả cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11/2023.
Mặt khác, theo cuộc thăm dò, 87% người Ukraine mong đợi Kiev sẽ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2030 và 65% mong đợi Ukraine gia nhập NATO. Hơn 30% tin rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên EU trong vòng 1-2 năm.
Ukraine từ lâu đã đặt mục tiêu trở thành thành viên chính thức của EU và NATO và thậm chí đưa cả điều này vào hiến pháp. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, với tình hình cuộc chiến như hiện tại, Ukraine có thể phải chờ rất lâu nữa mới có thể gia nhập được 2 liên minh trên.
Theo cuộc thăm dò, tỷ lệ những người trải qua mất mát bạn bè do xung đột hiện ở mức 77%. Đồng thời, 67% người Ukraine phàn nàn về sức khỏe tinh thần suy giảm do cuộc chiến, 61% bị sụt giảm thu nhập và 58% suy giảm sức khỏe thể chất. Gần như cứ 2 người Ukraine (47%) thì có 1 người phải chịu cảnh xa cách gia đình.
Cuộc khảo sát kéo dài từ ngày 8-25/5, sử dụng phương pháp phỏng vấn qua điện thoại. Có 2.508 người Ukraine ở tuổi trưởng thành đã được khảo sát.
Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường cho chiến tranh cho Kiev.
Moscow coi các điều kiện này của Kiev là phi thực tế. Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố luôn để ngỏ đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột, nhưng với điều kiện phải dựa trên tình hình thực tế, xét đến các lợi ích an ninh của Nga.
Nga đã đặt ra các điều khoản của nước này để bắt đầu lệnh ngừng bắn và khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev. Các điều khoản bao gồm rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Nga đã tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk và Lugansk, cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia, đồng thời cam kết pháp lý từ Kiev về việc không gia nhập NATO.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/8 cho biết, Nga vẫn để ngỏ đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, song không tin tưởng vào giới chức Ukraine.
"Chúng tôi có thể nói chuyện với họ, nhưng không thể tin tưởng. Chúng tôi nghe thấy những đồn đoán về khả năng đàm phán, nhưng không có thông tin cụ thể nào kèm theo", ông Peskov nói.