1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kẻ khóc người cười sau bầu cử Quốc hội Mỹ

(Dân trí) - Chiến thắng của đảng Dân chủ sẽ dẫn tới việc điều chỉnh nhân sự và nhiều chính sách quan trọng của Mỹ. Cùng với nó là cơ hội mới cho tầng lớp thu nhập thấp và các liên minh chính trị mới, đồng thời đặt dấu chấm hết cho lợi ích của một số phe cánh gắn liền với giai đoạn thăng hoa của đảng Cộng hòa.

Những người có thể nở nụ cười

 

Phụ nữ: Việc đảng Dân chủ giành thắng lợi sẽ đưa Nancy Pelosi thành người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị chủ tịch Hạ viện Mỹ. Năm nay 66 tuổi, là mẹ của 5 đứa con, nữ hạ nghị sỹ đến từ tiểu bang California này tuyên bố sẽ làm một cuộc cách mạng trên đồi Capitol ngay trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới, từ việc thúc đẩy thực hiện những khuyến nghị do Ủy ban điều tra vụ 11/9 đề xuất tới các vấn đề đang bị bế tắc như tăng lương tối thiểu, nghiên cứu tế bào gốc. 

 

Ở Thượng viện cũng xuất hiện thêm hai gương mặt nữ, nâng tổng số chị em ở đây lên 16 người. Đó là hai thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Amy Klobuchar (bang Minnesota) và Claire McCaskill (bang Missouri).

 

Joe Lieberman: Thượng nghị sỹ độc lập rất có thế lực bang Connecticut, ủng hộ tổng thống Bush phát động cuộc chiến chống Iraq, bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba bằng một chiến thắng vang dội trước ứng cử viên đảng Dân chủ Ned Lamont, người trước đó đã đánh bại ông trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ cách đây mấy tháng. Ông Lieberman từng là ứng cử viên phó tổng thống Mỹ (đứng chung liên danh với cựu phó tổng thống Al Gore). Sau khi tiếp tục công việc, Lieberman vẫn đứng về phe Dân chủ và sẽ là nhân tố quan trọng trong việc hoạch định một chính sách mới về vấn đề Iraq.

 

Những người có thu nhập thấp: Tầng lớp lao động nghèo tại Mỹ có lý do để ăn mừng chiến thắng của đảng Dân chủ tại Quốc hội, vì đảng này cam kết sẽ nâng mức lương tối thiểu lên 5,15 đôla/giờ, đủ để mua một vài món đồ giá rẻ tại Wal-Mart hay đồ lót ở cửa hàng Target. Hiện nay 18 bang ở Mỹ đã có luật nâng lương tối thiểu lên cao hơn mức liên bang quy định.

 

Các đài truyền hình và hãng thăm dò dư luận: Trong cuộc bầu cử giữa kỳ tốn kém nhất lịch sử (tổng chi phí hơn 2,8 tỷ đôla), các đảng đã chi hơn 2 tỷ cho quảng cáo vận động tranh cử, tăng 400 triệu đôla so với năm 2002. Không cần phải đợi tới năm 2008 cũng có thể dự báo chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu bổ sung quốc hội sẽ tiếp tục leo thang.

 

Lũ tuần lộc ở Bắc Cực: Nghe không có vẻ ăn nhập lắm, nhưng đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội đồng nghĩa với việc kế hoạch khai thác dầu ở khu vực bảo tồn thiên nhiên Bắc Cực sẽ bị ách lại, khiến cho bọn tuần lộc không còn phải lo trốn chạy nữa. Bên cạnh đó, các nhóm bảo vệ môi trường Mỹ đã quyên góp được 1,5 triệu đôla để vận động đánh bại hạ nghị sỹ đảng Cộng hoà Richard Pombo, người nắm giữ ghế chủ tịch Ủy ban tài nguyên hạ viện Mỹ 7 nhiệm kỳ liên tiếp. Với việc Pombo biến khỏi văn phòng quan trọng này, nhiều khả năng một số luật về thay đổi khí hậu, xúc tiến các nguồn năng lượng mới và bảo vệ động vật có nguy cơ tuyệt chủng sẽ được đưa ra thảo luận nhiều hơn.

 

Các nghị sỹ “ngứa mắt” với chính quyền Bush: Không ít nghị sỹ Dân chủ muốn đưa một số quan chức trong chính quyền Bush ra trước các Ủy ban Quốc hội để điều tra về những sai lầm của họ trong cuộc chiến Iraq và việc hoạch định chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng bất lực. Nay thì họ hoàn toàn có thể làm điều đó và đảng Cộng hoà cũng khó lòng cản trở. Tuy vậy, tân chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người từng chỉ trích ông Bush “kém năng lực”, cho biết bà và các đồng sự có cùng quan điểm sẽ không bao giờ quá ỉ vào lợi thế đa số để “làm khó” chính quyền, ngoại trừ trường hợp có dấu hiệu nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng” bị đe doạ.

 

Những ngôi sao mới và đội cận vệ cũ: Deval Patrick (đảng Dân chủ), thống đốc bang Massachussetts, là thống đốc bang da đen thứ hai tái cử trong lịch sử nước Mỹ và được coi là ngôi sao đang lên trên chính trường. Năm nay mới 55 tuổi, Patrick tương đối trẻ và sự nghiệp của ông còn trải dài phía trước.

 

Đáng chú ý thượng nghị sỹ Robert Byrd, người hai tuần nữa sẽ bước sang tuổi 89 cũng thắng cử nhiệm kỳ thứ 9 tại bang Tây Virginia. Ông là thượng nghị sỹ lâu năm nhất trong lịch sử Mỹ.

 

Và những người có lý do để khóc

 

Các chuyên gia vận động hành lang của Đảng Cộng hòa: Tân chủ tịch Nancy Pelosi tuyên bố bà sẽ làm mọi cách để trong sạch hoá Hạ viện Mỹ - Pelosi đã làm gương bằng cách cắt giảm một số bộ phận trong bộ máy giúp việc. Điều đó có nghĩa là các chuyên gia vận động hành lang thân cận với một số nghị sỹ đảng Cộng hoà trước đây như Tom DeLay sẽ thất sủng. Nhưng nhiều khả năng tình hình sẽ không đến nỗi quá bi đát, vì nghề vận động hành lang rất linh hoạt. Mất vây cánh từ đảng Cộng hoà, vây cánh với đảng Dân chủ sẽ hình thành. Văn phòng mới chắc sẽ có liên minh mới ra mắt sớm.

 

Các cử tri ủng hộ “những giá trị truyền thống” của đảng Cộng hòa: Trong cuộc bầu cử năm nay, đảng Dân chủ giành được tới 29% phiếu từ các cử tri da trắng đạo Tin lành. Con số này chưa phải là quá lớn nhưng rất ấn tượng, vì trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng năm 2004, ứng cử viên John Kerry chỉ giành được 21% số phiếu từ tầng lớp chiếm một phần tư cử tri toàn quốc này. Theo đánh giá của giới quan sát, vụ bê bối Mark Foley (ông nghị từng gửi tin nhắn quấy rối tình dục nhân viên) là một nguyên nhân chính.

 

Tham vọng chạy đua vào ghế tổng thống của George Allen: Thất bại trong gang tấc trước ứng cử viên đảng Dân chủ cùng với lời nói đùa xúc phạm lính Mỹ tại Iraq đã nhấn chìm hoàn toàn giấc mơ Nhà trắng của thượng nghị sỹ đảng Cộng hoà George Allen. Điều này đã mở thêm một chút hy vọng cho các ứng cử viên khác đến từ đảng Dân chủ, trong đó có thượng nghị sỹ John Kerry.

 

Những người "giữ vững lập trường" trong vấn đề Iraq: Tuyên bố cứng rắn được lặp đi lặp lại nhiều lần của tổng thống Bush động viên các ứng cử viên đảng Cộng hoà và thuyết phục cử tri đã tỏ ra mất hiệu quả. Hơn nữa, nó còn góp phần nhấn chìm sự nghiệp của những nghị sỹ từng ủng hộ mạnh mẽ chính sách Iraq của Bush, như Rick Santorum (Pennsylvania) - nhân vật số 3 của đảng Cộng hoà trong Thượng viện,  Christopher Shays, hạ nghị sỹ bang Connecticut.

 

Các công ty trúng thầu xây dựng hàng rào an ninh dọc biên giới Mexico: Sự thay đổi quyền lực tại Hạ viện sẽ dẫn tới một cải cách quan trọng  trong chính sách nhập cư của Mỹ và do vậy, hàng rào an ninh trị giá nhiều tỷ đôla ngăn cản người nhập cư bất hợp pháp sẽ không còn cần thiết nữa.

 

Các ứng cử viên rắp ranh chiếc ghế thẩm phán Toà án Tối cao: Đảng Cộng hòa hy vọng sẽ kiểm soát Thượng viện thêm hai năm nữa, đủ để ít nhất một  trong các thẩm phán theo quan điểm tự do tại Toà án Tối cao phải từ chức và tổng thống sẽ bổ nhiệm người theo quan điểm bảo thủ thay thế. Nay thì kế hoạch này đã vỡ tan thành bọt nước, vì đảng Dân chủ có truyền thống lựa chọn những người theo quan điểm tự do vào vị trí này.

 

Cựu chủ tịch Hạ viện Denny Hastert: Thất bại của đảng Cộng hòa buộc ông Hastert phải nhường vị trí cho bà Pelosi để quay về với chức thủ lĩnh phe thiểu số. Ông Hastert đang phải chịu nhiều chỉ trích vì đã không có những hành động thích hợp xử lý vụ bê bối Mark Foley.

 

Các chiến lược gia của đảng Cộng hòa: Karl Rove, Ken Mehlman, Tom Reynolds, .... Đảng sẽ tiến hành một đợt cải tổ mạnh mẽ nhằm gượng dậy và chuẩn bị cho cuộc bầu cử hai năm tới. Tất yếu sẽ có những tập hợp lại lực lượng và hình thành nên các êkíp mới.

 

Saddam Hussein: Việc ông này bị tuyên án trước khi bầu cử mấy ngày không giúp cho đảng Cộng hòa chiến thắng. Thế nhưng Saddam vẫn sẽ bị treo cổ, nhưng có lẽ phải tới cuối năm 2008, vì ông ta còn có lợi cho cuộc bầu cử sau.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld: Tất nhiên ông này nằm trong số những người thiệt hại nặng nhất.

 

Ngọc Nhàn 

Theo US News