1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Israel và Hamas chấp nhận ngừng bắn tại dải Gaza

(Dân trí) - Thông qua vai trò trung gian của Ai Cập, Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã đạt được một thoả thuận ngừng bắn tại dải Gaza, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/6.

Nhiều tháng thương lượng gián tiếp giữa Israel và Hamas cuối cùng đã đi đến một thoả thuận ngừng bắn. Chiều ngày 17/6, hãng thông tấn của Ai Cập thông báo Israel và Hamas đã ký lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ 6h sáng (theo giờ địa phương) ngày 19/6 trong thời hạn 6 tháng. Tuy nhiên, Israel thừa nhận chỉ ký một thoả thuận không chính thức đồng thời nhấn mạnh đến tính mong manh của thoả thuận trên.

 

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Ai Cập cho biết, hai bên cam kết ngưng mọi hoạt động mang tính thù địch và các hoạt động quân sự chống phá lẫn nhau. Điều này đồng nghĩa với việc dừng các vụ bắn rốc-két của Palestine từ dải Gaza và các chiến dịch không kích trả đũa của Israel. Theo một quan chức của Hamas tại Gaza, thoả thuận dự kiến có một giai đoạn thử nghiệm 3 ngày, mọi hành động bạo lực phải ngưng hoàn toàn.

 

Sau 3 ngày trên, Israel có thể sẽ mở lại một trong số các trạm kiếm soát để tạo điều kiện cho việc vận chuyển vật liệu vào dải Gaza, hiện đang thiếu trầm trọng. Israel hiện đang áp đặt lệnh phong toả nghiêm ngặt kể từ khi Hamas dùng vũ lực giành quyềm kiểm soát khu vực này cách đây 1năm. Theo Phong trào Hồi giáo Hamas, giai đoạn hai trong thoả thuận là các cuộc thương lượng về các thủ tục liên quan đến vấn đề phóng thích hạ sĩ Gilad Shalit bị Hamas bắt giữ cách đây 2 năm.

 

Phát ngôn viên Mark Regev của Thủ tướng Israel Ehud Olmert tuyên bố, điều quan trọng không phải là các câu chữ trong thoả thuận mà là hành động thực thi thoả thuận đó. Ông cũng cho biết, chính quyền Nhà nước Do thái hy vọng chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào dân thường Israel cũng như tình trạng buôn lậu vũ khí tại dải Gaza, đạt được những tiến bộ trong thương lượng phóng thích hạ sĩ Shalit. Một quan chức Israel cũng khẳng định các chuyến hàng viện trợ nhân đạo sẽ được nối lại nếu Hamas giữ đúng cam kết.

 

Theo thoả thuận, Hamas yêu cầu dỡ bỏ lệnh phong toả dải Gaza để đổi lấy sự tuân thủ tuần tự có điều kiện lệnh ngừng bắn. Còn Israel yêu cầu phong thích hạ sĩ Gilad Shalit để đổi lại việc dừng các chiến dịch quân sự và không kích. Tuần trước, Hamas đã chuyển một bức thư do hạ sĩ Shalit viết tới gia đình anh, đồng thời yêu Tel Aviv phóng thích hàng trăm tù nhân Palestine, trong đó Marwan Barghouti, thủ lĩnh của Fatah tại Bờ Tây bị Israel bắt giữ năm 2003 và tuyên án tù chung thân. Ông Barghouti, người từng tuyên bố ra tranh cử tổng thống Palestine vẫn là quân át chủ bài trong tay Israel để chi phối quan hệ giữa Fatah và Hamas.

 

Hamas cho biết cũng sẵn sàng chấp nhận để các quan sát viên châu Âu quay trở lại giám sát trạm kiểm soát Rafah và đảm bảo an ninh cho họ, cho phép triển khai lực lượng biệt phái thuộc đội cận vệ của tổng thống Mahmoud Abbas, vốn bị cấm lưu trú tại Gaza từ 1 năm nay. Hamas cũng hy vọng việc vận chuyển người ra bên ngoài sẽ được tạo thuận lợi, nhất các đối với các bệnh nhân cần được chữa trị ở nước ngoài. Một quan chức Israel tuyên bố, việc ngưng các vụ bắn rốc-két chưa đủ để mở lại trạm kiểm soát Rafah mà cần có thêm những tiến bộ nghiêm túc trong để hạ sĩ Shalit được trả tự do.

 

Thoả thuận ngừng bắn tạo thuận lợi cho việc hoà giải giữa hai đảng phái của Palestine Fatah và Hamas, góp phần làm giảm sức ép đè nặng lên Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, người vốn bị buộc tội thương lượng với Israel trong khi 1,5 triệu người Palestine đang phải hứng chịu hậu quả từ lệnh phong toả của Tel Aviv. Ngày 17/6, lần đầu tiên kể từ 1 năm nay, đoàn đại biểu của Fatah đã đến dải Gaza. Nếu được tôn trọng, lệnh ngừng bắn sẽ có tác động tích cực lên các cuộc thương lượng hoà bình giữa Israel và chính quyền Palestine, vốn bị phủ bóng đen bởi các vụ bắn rốc két của Palestine từ dải Gaza vào lãnh thổ Israel và việc Nhà nước Do thái tiếp tục theo đuổi kế hoạch xây dựng các khu định cư mới.

 

Đối với người dân tại dải Gaza, thoả thuận ngừng bắn là một tin khá tốt lành  nhưng nhiều chính trị gia Israel lại tỏ thái độ thận trọng. Nghị sĩ Limor Livnat thuộc đảng Likoud của Israel tuyên bố trên đài phát thanh quân sự, thoả thuận ngừng bắn sẽ không đi đến đâu và chỉ làm suy yếu tình hình an ninh của Israel. Mọi chuyện có thể trở lại yên binh trong vài tháng nhưng chính Hamas tuyên bố họ sẽ tái diễn các hành động bạo lực. Ngày 16/6, trước Uỷ ban Đối ngoại và quốc phòng của Quốc hội Israel (Knesset), ông Yossi Beiditz, Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Israel tuyên bố, thoả thuận ngừng bắn ký với Hamas chỉ mang tính nhất thời và rất mong manh.

 

Theo tướng Gaby Ashkenazi-Trưởng ban tham mưu của quân đội Israel, quân đội nước này ủng hộ bất kỳ thoả thuận ngừng bắn tương tự nhưng vẫn luôn trong tình trạng sẵn sàng phản ứng. Theo thống kê của Tel Aviv, từ đầu năm 2007 đến nay, hơn 5.000 quả pháo cối và rốc- két tự chế đã được bắn từ Palestine vào các thành phố phía nam Israel, khiến người dân nước này bất bình trước sự bất lực của chiúnh phủ trong việc bảo vệ họ. Việc binh sĩ Shalit được trả tự do trong vài tuần tới và có thể tiếp đó là hai binh sĩ Israel khác cũng được Phong trào Hezbollah của Liban bắt giữ sẽ cải thiện hình ảnh của Thủ tướng Israel  Ehud Olmert, trong bối cảnh vị thế chính trị và uy tín của ông suy giảm mạnh sau hàng loạt các bê bối liên quan đến tham nhũng và nhận hối lộ.

 

Ai được lợi nhiều nhất?

 

Thoả thuận này cũng cho thấy Israel đã buộc phải thừa nhận vai trò của Hamas, trong khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và chính phủ của ông đã bị “ra rìa” khỏi các cuộc thượng lượng. Tuy nhiên, Hamas đã không thành công trong  áp đặt mong muốn của họ là mở lại trạm kiểm soát Rafah và Israel cũng không thành công trong việc đưa vào thoả thuận vấn đề phóng thích binh sĩ Gilad Shalit. Rất khó đánh giá cơ hội của thoả thuận trước khi nó được thực thi, nhưng ít ra nó cũng khiến người dân dải Gaza “dễ thở” hơn và giúp cải thiện điều kiện sống tồi tệ ở đây do lệnh phong toả của Israel.

 

Nhật báo Haaretz của Israel phân tích, người giành thắng lợi lớn về mặt chính trị và ngoại giao chính là Hamas. Israel sẽ không thể kiểm soát được biên giới tại Rafah và thoả thuận vừa đạt được đã mang lại vị thế hợp pháp cho phong trào này trong thoả thuận ngừng bắn sắp tới tại Bờ Tây, thế chỗ của Tổng thống chính quyền Palestine. Nếu Fatah và Hamas hoà giải thành công, rất có thể trong bầu cử tổng thống và lập pháp tới, phong trào này sẽ giành thắng lợi lớn.

 

Còn nhật báo Yediot Aharonot bình luận, nếu lệnh ngừng bắn trên bị coi không tốt, mong manh và ngắn hạn, nó được ký bởi một lẽ duy nhất: cả hai chính phủ Israel và Plestine đều yếu và cùng muốn có thoả thuận đó. Tuy nhiên, đây được coi như cuộc kiểm tra đối với Hamas trước thái độ không hài lòng của Iran, buộc họ trước hai lựa chọn: hoặc cư xử như tổ chức thân Iran hoặc sử dụng hậu thuẫn của Tehran phục vụ vào lợi ích quốc gia riêng.

 

Ngọc Nhàn

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm