Hàng trăm máy bay chiến đấu Iran nằm im trong vụ tấn công của Israel?
(Dân trí) - Do radar "bị mù" nên không quân Iran dường như không có phản ứng trước đòn tập kích của hàng trăm máy bay chiến đấu Israel.
Hàng trăm máy bay chiến đấu Iran nằm im?
Sputnik đưa tin, vào rạng sáng ngày 26/10, chỉ trong vòng vài giờ, Không quân Israel ồ ạt tấn công hàng chục nhà máy sản xuất tên lửa, trung tâm nghiên cứu - phát triển và cơ sở sản xuất máy bay không người lái, nhà máy điện và các căn cứ phóng tên lửa của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC).
Reuters xác nhận, hàng loạt vụ nổ xảy ra liên tục ở thủ đô của Iran. Một vụ nổ cũng xảy ra ở Karaj, gần Tehran. Tại Iraq, Syria và trên bầu trời Jordan, các máy bay chiến đấu của Israel đang bay qua "nửa Trung Đông" theo từng đợt, không kích các mục tiêu.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công chính xác, phá hủy các mục tiêu quân sự của Tehran, để đáp trả cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn mà Iran thực hiện nhằm vào Israel vào đầu tháng 10.
Còn theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, hàng chục mục tiêu chiến lược ở Iran đã bị tấn công bởi các cuộc không kích. Không quân Israel đã được huy động trên quy mô lớn, với ít nhất hàng chục máy bay chiến đấu và máy bay tiếp dầu, tiến hành các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Syria, Iraq và Iran, đều thuộc "trục kháng chiến" do Tehran lãnh đạo.
Trên khu vực lãnh thổ trải dài hàng nghìn km từ Syria tới Iran, cả hai nước đã triển khai hàng trăm hệ thống radar nhưng không phát hiện được gì.
Từ đầu đến cuối, chưa có dữ liệu nào cho thấy không quân Iran xuất kích để đánh chặn máy bay chiến đấu của Israel. Phải chăng hàng trăm chiến đấu cơ của họ chỉ để trưng bày và hoàn toàn không có khả năng đánh chặn và bảo vệ các mục tiêu quan trọng?
Không quân Iran khá đông đảo với hơn 50.000 binh sĩ nhưng được trang bị máy bay chiến đấu đời cũ với khoảng 400 chiếc, từ F-14 Tomcat, F-4 Phantom, F-5 Tiger do Mỹ chế tạo và MiG-29 thời Liên Xô cho đến máy bay chiến đấu J-7. Thậm chí còn có cả tiêm kích hạng nhẹ Lightning (bản sao chép của F-5 Tiger) do Iran sản xuất.
Do vậy, việc toàn bộ lực lượng này hầu như không có phản ứng và đánh chặn là điều dễ hiểu. Ngay cả máy bay chiến đấu JF-17 của Pakistan cũng có thể thực hiện các cuộc không kích thì việc không quân Iran cất cánh để đánh chặn máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và máy bay chiến đấu F-15I của Israel thực sự là một nhiệm vụ khó khăn.
Tuy nhiên, Iran vẫn có thể cạnh tranh với quân đội Mỹ về lực lượng tên lửa, khi Tehran sở hữu khả năng tấn công bằng vũ khí đạn đạo chiến thuật mạnh mẽ. Nếu Iran phóng cùng lúc 1.000 tên lửa đạn đạo tầm trung, lực lượng phòng không trứ danh của Israel cũng phải choáng váng.
Rõ ràng, không quân Iran không còn phù hợp để tác chiến hiện đại. Khi máy bay chiến đấu của đối phương tới, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ẩn náu trong nhà chứa máy bay. Thậm chí Israel còn không cần tấn công các căn cứ không quân Iran, bởi vì hoàn toàn không cần phải "lãng phí" bom đạn vào đó.
Các chuyên gia đánh giá cuộc tấn công của Tel Aviv vừa qua thực chất cũng chỉ là "sấm to nhưng mưa nhỏ", hành động tiếp theo còn tùy vào việc Tehran sẽ đáp trả như thế nào. Hiện Iran được cho là có 1.000 tên lửa đạn đạo tầm trung trong các căn cứ tên lửa dưới lòng đất, nhưng liệu họ có dám tất tay trong một trận "sấm vang chớp giật", lại là một câu chuyện khác.
Israel chủ yếu dựa vào F-35
Nếu chiến đấu cơ tàng hình F-35 không thực sự hữu dụng trong cuộc chiến với Hamas và Hezbollah, do đều là các nhóm du kích, thì chúng lại tỏ ra hiệu quả khi đối đầu lực lượng chính quy như Iran với một số lượng lớn các mục tiêu có giá trị cao.
Israel đang theo đuổi chiến lược "truy cùng, diệt tận" với các đối thủ mà không hề nương tay, nhờ dựa vào lợi thế quân sự và công nghệ của Mỹ hoặc do chính người Israel phát triển. Đòn trả đũa mà Iran phải nhận lần này, cũng cho thấy sức mạnh quân sự thông thường của Tehran vẫn còn khá lạc hậu.
Ngoài lực lượng tên lửa - gồm các loại đạn đạo, hành trình, siêu vượt âm - các lực lượng quân sự khác của Iran đều yếu kém. Vũ khí chủ yếu trong biên chế hải quân, không quân và lục quân phần lớn được sản xuất từ những năm 1970 và 1980.
Đây là lý do tại sao radar của Iran không thể phát hiện ra máy bay Israel xâm nhập và không một chiến đấu cơ nào của Iran cất cánh đánh chặn. Về mặt không chiến, ở Trung Đông, khó ai thực sự có thể đánh bại được Không quân Israel.
Vì vậy, như các nhà phân tích đã nhiều lần đề cập, trong giai đoạn này, Iran sẽ không tiến hành chiến tranh toàn diện chống lại Israel vì lo ngại các cuộc không kích của đối thủ. Thay vào đó, Tehran chỉ muốn đọ sức một cách "chậm rãi", thông qua một cuộc chiến ủy nhiệm của "trục kháng chiến" và tiếp tục gửi tên lửa cho Hezbollah ở Li Băng, Houthi ở Yemen và cho lực lượng vũ trang Shia ở Iraq.
Iran sẵn sàng chiến đấu dù không thể đánh bại Israel, nhưng họ sẽ thực hiện chiến lược "từ từ bóp nghẹt" đối thủ. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Tehran có thể thực hiện được điều đó khi mà chính Israel đang "bóp nghẹt" các đồng minh của Iran ở khắp khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, Israel cũng sẽ tiếp tục bị tấn công bởi tên lửa và rocket từ Iran, Hezbollah, Houthi và lực lượng vũ trang Shiite của Iraq vào bất cứ khi nào những nhóm này có cơ hội.
Tóm lại, mặc dù không quân Israel có thể tấn công Iran bằng sự chính xác về mặt chiến thuật, nhưng khó có thể đánh bại hoàn toàn tất cả "trục kháng chiến" do Iran lãnh đạo.