1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Israel - Iran cận kề trận chiến khiến "thùng thuốc súng" Trung Đông bùng nổ

Thành Đạt

(Dân trí) - Israel và Iran đang đứng trước nguy cơ bùng nổ xung đột trực tiếp, có nguy cơ lôi kéo các nước và nhóm vũ trang khu vực vào vòng xoáy căng thẳng.

Israel - Iran cận kề trận chiến khiến thùng thuốc súng Trung Đông bùng nổ - 1

Iran tuyên bố sẽ trả đũa Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas ở Tehran hôm 31/7 (Ảnh: AFP).

Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công từ Iran, quốc gia đã tuyên bố sẽ "trả thù" vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của nhóm Hamas vào ngày 31/7 tại Tehran.

Xung đột giữa Israel và Iran từng ở mức thấp trong nhiều thập niên, khi hai bên chủ yếu tấn công lẫn nhau một cách âm thầm và trong trường hợp của Iran, thường là thông qua lực lượng ủy nhiệm.

Tuy nhiên, cuộc chiến bùng nổ giữa Israel và Hamas, lực lượng do Iran hậu thuẫn, vào tháng 10 năm ngoái đã đẩy nhanh tốc độ của các cuộc giao tranh.

Hai bên đã có những đòn tấn công trực diện vào tháng 4, khi Iran tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái vào Israel. Mặc dù chỉ gây ra thiệt hại tối thiểu và kích hoạt đòn trả đũa với quy mô hạn chế, nhưng cuộc giao tranh trực diện đã đưa xung đột Israel - Iran tới giai đoạn nguy hiểm hơn.

Nếu xung đột Israel - Iran nổ ra, căng thẳng giữa hai bên có nguy cơ bùng phát thành cuộc chiến tổng lực nhấn chìm Trung Đông, khu vực được coi là "thùng thuốc súng" tiềm ẩn mâu thuẫn suốt nhiều năm qua, khi hai bên có thể lôi kéo các đồng minh vào cuộc.

Tiềm lực quân sự của bên nào mạnh hơn?

Lực lượng vũ trang Israel có lợi thế công nghệ vượt trội so với Iran, một phần nhờ sự hỗ trợ về quân sự và tài chính từ Mỹ. Washington từ lâu đã tìm cách đảm bảo lợi thế của Israel như một phần trong cam kết của Mỹ đối với an ninh của nhà nước Do Thái.

Ví dụ, Israel là quốc gia duy nhất ở Trung Đông cho đến nay mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin, sở hữu hệ thống vũ khí đắt nhất từ trước đến nay.

Israel cũng được cho là có vũ khí hạt nhân, mặc dù nước này chưa bao giờ thừa nhận khả năng đó.

Ngược lại, các lệnh trừng phạt và cô lập chính trị đã cản trở khả năng tiếp cận công nghệ quân sự nước ngoài của Iran, thúc đẩy nước này phát triển vũ khí nội địa, bao gồm các tên lửa và máy bay không người lái được sử dụng để tập kích Israel hồi tháng 4.

Israel - Iran cận kề trận chiến khiến thùng thuốc súng Trung Đông bùng nổ - 2

Xe tăng Israel gần Dải Gaza (Ảnh: AFP).

Máy bay chiến đấu của Iran chủ yếu gồm các mẫu cũ được kế thừa từ trước cuộc cách mạng năm 1979. Iran được cho là đã đồng ý mua tiêm kích Su-35 của Nga, nhưng không rõ liệu chúng đã được chuyển giao hay chưa.

Tehran từ lâu đã bị nghi ngờ ấp ủ mục tiêu sử dụng chương trình hạt nhân để chế tạo vũ khí hạt nhân, mặc dù nước này phủ nhận có tham vọng như vậy.

Iran được cho là tích lũy đủ uranium làm giàu để chế tạo một số quả bom hạt nhân, nếu các nhà lãnh đạo nước này quyết định làm giàu uranium với độ tinh khiết lên đến 90%, mức thường được sử dụng trong các loại vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên, họ vẫn còn phải làm chủ quá trình chuyển hóa uranium thành vũ khí có khả năng tấn công mục tiêu từ xa.

Mặc dù gặp bất lợi về công nghệ, quân đội Iran được cho là sở hữu một kho dự trữ đáng kể tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cũng như máy bay không người lái giá rẻ. Những vũ khí này từng được Iran triển khai để tấn công Israel vào tháng 4.

Iran đã rút ra một bài học trong cuộc tấn công vào Israel rằng, việc xâm nhập vào hệ thống phòng không uy lực của đối phương là một thách thức. Họ phải vượt qua đội hình máy bay chiến đấu của Không quân Israel, sau đó là hàng loạt hệ thống phòng không Arrow và David's Sling. Các hệ thống này, cùng với sự hỗ trợ của Mỹ và các lực lượng đồng minh khác trong khu vực đã đánh chặn 99% trong số hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa mà Iran đã phóng trong cuộc tấn công, theo thống kê của quân đội Israel.

Kho vũ khí phòng thủ của Iran bao gồm các hệ thống tên lửa đất đối không, trong đó có S-300 của Nga để đối phó các máy bay và tên lửa hành trình, cùng hệ thống tên lửa Arman do Iran sản xuất. Tuy nhiên, những hệ thống này chưa được thử lửa trong thực chiến nhiều như hệ thống phòng thủ của Israel.

Cả hai bên đều có khả năng chiến tranh mạng. Hơn một thập niên trước, phần mềm độc hại có tên là Stuxnet đã xâm nhập các hoạt động tại một cơ sở làm giàu hạt nhân của Iran trong một chiến dịch bị nghi do Mỹ và Israel thực hiện.

Theo đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ công bố ngày 11/4, Iran có khả năng thực hiện "một loạt hoạt động mạng, từ hoạt động thông tin đến các cuộc tấn công phá hoại nhằm vào các mạng lưới chính phủ và thương mại trên toàn thế giới".

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tiết lộ, các cuộc tấn công mạng do Iran phát động đã làm tê liệt máy tính và nguồn nước ở hai quận của Israel.

Liệu Israel có thể nhắm vào cơ sở hạt nhân của Iran?

Một cuộc không kích của Israel vào chương trình hạt nhân của Iran sẽ là một trong những đòn đáp trả cực đoan nhất. Trước đây, Israel đã giữ lại kịch bản đe dọa này cho đến khi Iran đạt được khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thách thức đặt ra là các cơ sở hạt nhân của Iran rất nhiều và phân tán khắp cả nước. Những địa điểm quan trọng nhất đã được chuyển xuống lòng đất trong những năm gần đây nhằm tránh nguy hiểm, mặc dù điều đó không ngăn chặn được các hoạt động phá hoại quy mô nhỏ hơn thường được cho là do Israel thực hiện.

Israel bị cáo buộc đứng sau vụ ám sát 5 nhà khoa học hạt nhân Iran tại Tehran kể từ năm 2010. Vào năm 2021, Iran đổ lỗi cho Israel về vụ nổ ở một cơ sở làm giàu uranium quan trọng.

Một quan chức quân sự cấp cao chịu trách nhiệm bảo vệ chương trình hạt nhân của Iran đã tuyên bố vào tháng 4 rằng, nước này sẽ đáp trả tương xứng nếu Israel nhắm vào chương trình hạt nhân.

Ông ám chỉ rằng mối đe dọa từ Israel cũng có thể thúc đẩy Iran xem xét lại các chính sách của mình xung quanh chương trình hạt nhân mà Iran tuyên bố vì mục đích hòa bình.

Đồng minh của hai nước là ai?

Israel - Iran cận kề trận chiến khiến thùng thuốc súng Trung Đông bùng nổ - 3

Đoàn biểu tình, chủ yếu gồm những người ủng hộ lực lượng Houthi, cầm súng bên cạnh ảnh của thủ lĩnh Hamas bị ám sát Ismail Haniyeh, trong cuộc diễu hành thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza, tại Sanaa, Yemen (Ảnh: Reuters).

Các đồng minh quan trọng nhất của Iran là lực lượng dân quân Shiite ở Li Băng, Yemen, Iraq và Syria. Đây là những nhóm vũ trang được Iran hỗ trợ tài chính, vũ khí và huấn luyện.

Lực lượng dân quân Hezbollah ở Li Băng sẽ được chỉ định đóng vai trò quan trọng nhất trong một cuộc chiến tranh toàn diện.

Lực lượng này đã nhiều lần giao tranh với Israel và thường xuyên bắn tên lửa, súng cối và rocket vào khu vực phía bắc Israel kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra.

Theo tình báo Israel, kho vũ khí của Hezbollah có hơn 70.000 rocket và tên lửa, bao gồm tên lửa tầm xa và tên lửa dẫn đường chính xác.

Lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen có thể cũng sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn.

Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bắt đầu nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, lực lượng Houthi, ngoài việc tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ, còn bắn tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái vào Israel. Vào ngày 19/7, một máy bay không người lái của Houthi đã tấn công một tòa nhà ở trung tâm Tel Aviv, khiến một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Đồng minh nhà nước duy nhất của Iran ở Trung Đông là Syria. Tuy vậy, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad khó có thể hỗ trợ Iran vì họ vẫn đang phải vật lộn để giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước sau khi xung đột nổ ra trong nội bộ nước này vào năm 2011.

Iran có mối quan hệ tốt với Nga, mặc dù cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ hạn chế khả năng giúp đỡ của Moscow. Iran dường như cũng có quan hệ với Trung Quốc, quốc gia đã mua dầu của Iran mặc dù vẫn bị Mỹ và các đồng minh trừng phạt.

Trong khi đó, Israel có Mỹ và Anh đứng về phía mình. Lực lượng Mỹ, Anh đã phá hủy một số tên lửa và máy bay không người lái mà Iran phóng vào Israel hồi tháng 4.

Dự đoán một cuộc tấn công mới của Iran vào Israel, quân đội Mỹ đã công bố các bước tăng cường hiện diện ở Trung Đông, bổ sung thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu và tàu mang tên lửa đạn đạo.

Các nước Ả Rập có thể phản ứng như thế nào?

Một cuộc chiến tranh giữa Israel và Iran sẽ đặt nhiều quốc gia trong khu vực vào thế khó.

4 quốc gia Ả Rập đã ký kết các thỏa thuận hòa bình với Israel vào năm 2020 thông qua Hiệp định Abraham. Sự ngờ vực của các nước này đối với Iran là một phần lý do khiến họ xích lại gần nhau.

Tuy nhiên, không có quốc gia Ả Rập nào sẵn sàng đứng về phía Israel trong cuộc đối đầu với một quốc gia Hồi giáo, chứ chưa nói đến một quốc gia hùng mạnh như Iran.

Iran và Ả Rập Xê Út đã khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm 2023 sau 7 năm đóng băng.

Ả Rập Xê Út đã xem xét khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel như một phần của thỏa thuận lớn hơn mà nước này hy vọng sẽ đạt được sự đảm bảo an ninh của Mỹ và cố gắng tránh bị cuốn vào cuộc xung đột.

Theo Bloomberg, Reuters