1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

IS: từ nhóm thay thế tới toàn cầu hóa

(Dân trí) - Sau hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, tổ chức Nhà nước Hồi giáo trở thành một hiện tượng vừa có quy mô toàn cầu vừa có quy mô khu vực và trở thành tổ chức nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.

IS: từ nhóm thay thế tới toàn cầu hóa - 1

Thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước hồi giáo Abou Bakr Al-Baghdadi tại Mossoul ngày 5/7/2014. (Ảnh: AFP)

Nhật báo Le Monde ngày 26 -12 đăng bài viết "Tổ chức Nhà nước Hồi giáo toàn cầu hóa như thế nào?" nêu nhận định: "IS không phải là Al Qeada mới mà là một loại virus đột biến. Mỗi lần người ta tưởng đã loại bỏ được thì nó lại hồi sinh và tăng khả năng thích nghi với môi trường hơn".

Đúng như vậy, nếu như đầu năm 2015 Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn còn xem nhẹ tổ chức IS chỉ như là một nhóm thay thế Al Qeada, thì với loạt tấn công khủng bố tại Paris ngày 13/11 vừa qua IS đã bỏ xa Al Qeada để trở thành một tổ chức toàn cầu.

Bài báo trên Le Monde cũng phân tích chi tiết quá trình hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang tiền thân của IS hiện nay. Tổ chức khủng bố này được thành lập vào những năm 2006-2007, chỉ vài tháng sau khi Abou Moussab Al-Zarkaoui bị tiêu diệt. Nhân vật người Jordany gốc Palestine này được coi là cha đẻ của tổ chức khủng bố nêu trên.

Từ những bước đầu chật vật và mờ nhạt trong những năm 1993, khi quân đội Nga rút khỏi Afghanistan, Zarkaoui quay về Jordany và bị bắt vào năm 1994, trước khi định ra tay thực hiện các âm mưu khủng bố. Chính thời gian sống trong tù khiến hắn trở nên cực đoan hơn. Năm 1999, ngay sau khi được vị Quốc vương trẻ của Jordany là Abdallah mới lên ngôi ân xá, Zarkaoui quay lại Afghanistan và gặp Bin Laden.

Hai kẻ này tỏ ra tâm đầu ý hợp: Bin Laden luôn chỉ nghĩ đến việc tấn công nước Mỹ và thực hiện các dự án khủng bố trên thế giới, còn Zarkaoui thì chỉ muốn tiến hành chiến tranh ngay lập tức tại Cận Đông.

IS: từ nhóm thay thế tới toàn cầu hóa - 2

Osama Bin Laden (trái) gặp chiến hữu cũ người Syria Abou Moussab Al-Zarkaoui tại Afganistan năm 1996. (Nguồn: Lemonde.fr)

Sau loạt khủng bố tại Mỹ ngày 11/09/2001, cũng như phần lớn đầu não của Al Qeada, Zarkaoui "bốc hơi" và chuyển sang hoạt động tại Iran dưới sự bảo trợ của Gulbuddin Hekmatyar. Vào thời điểm này, kẻ thù chính của Iran là Mỹ nên quốc gia Hồi giáo này không ngần ngại chứa chấp kẻ dám đứng ra đối đầu với Mỹ, dù hoàn toàn nắm rõ tiểu sử thánh chiến của hắn.

Phải nói rằng, Zarkaoui biết tận dụng triệt để những tính toán vụ lợi và những bất đồng giữa các quốc gia muốn dùng tổ chức khủng bố để chống lại "kẻ thù thứ ba". Vì vậy, Zarkaoui thoải mái di chuyển từ Iran sang Liban hay Syria.

Sau khi ra lệnh sát hại nhà ngoại giao Mỹ Lawrence Foley vào năm 2002 tại Amman (Jordany), Zarkaoui cùng lực lượng tiền thân IS rút lui vào các khu vực hẻo lánh, không luật pháp, trong đó có cả vùng đất Iraq của người Kurd. Cuộc tấn công Iraq nhân danh "cuộc chiến chống khủng bố" của quân đội Mỹ là cơ hội tạo tiếng vang cho lực lượng thánh chiến còn mới phôi thai của Abou Moussab Al-Zarkaoui.

Trong năm 2003, cha đẻ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo để lại dấu ấn với ba cuộc ám sát khủng bố, lần lượt nhằm vào sứ quán của Jordany, trụ sở đại diện của Liên Hợp Quốc tại Baghdad buộc tổ chức này rời khỏi Iraq và vụ ám sát Mohamed Bakr Al Hakim, lãnh tụ chính trị và tôn giáo dòng Shia vừa mới từ Iran trở về. Sau này, chính Tổng thống Syria Bachar Al Assad, cũng cảm thấy có nguy cơ bị quân đội Mỹ tấn công nên để cho các chiến binh nước ngoài chạy sang Iraq và mật vụ Syria cũng đã "bắt tay" với lực lượng IS cho tới năm 2009.

Sự lớn mạnh của lực lượng thánh chiến tại Iraq do Zarkaoui đứng đầu khiến Bin Laden phải thán phục và chấp nhận, coi đó là một chi nhánh của Al Qeada tại Iraq vào tháng 12/2004. Trái ngược với tổ chức Al Qeada tại Afghanistan và Pakistan, tổ chức do Zarkaoui đứng đầu giàu kinh nghiệm quản lý hơn nhờ có những cựu sĩ quan của lực lượng tình báo Iraq tham gia, đồng thời nhận được hậu thuẫn tài chính từ nhiều nhà tài phiệt vùng Vịnh và sự ủng hộ của người dân một số khu vực.

Sau khi cha đẻ của IS chết trong một trận oanh kích của Mỹ, một nhân vật khác là Abou Ayoub Al Marsi, người Ai Cập, được chỉ định thay thế. Tuy nhiên, thủ lĩnh mới này vẫn nằm dưới sự chỉ đạo của một thể chế mới là tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq do một người Iraq là Abou Omar Al Baghdadi đứng đầu. Nhân vật này đã bị hạ sát vào năm 2010.

Cuối năm 2011, người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq. Trong khi đó Syria lại rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột giữa các phe phái. Ngay tháng 1/2012, Mặt trận Al Nosra được thành lập với lý do để bảo vệ đa số người Sunni bị thiểu số theo hệ  phái Hồi giáo Alawite (là một dòng của hệ phái Shiite) của Tổng thống Al Assad "đàn áp".

Mùa xuân năm 2013, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Trung Đông chính thức được thành lập mặc dù thủ lĩnh của Mặt trận Al Nosra từ chối tham gia. Từ thời điểm này, tổ chức khủng bố trên tách dần khỏi cái bóng của Al Qeada để cắm rễ trong khu vực và không ngừng bành trướng.

IS hiểu rằng muốn tổ chức các cuộc tấn công khủng bố có quy mô lớn như Bin Laden từng mong muốn thì chỉ có cách tuyển tân binh các nước phương Tây gốc Ả Rập, rồi huấn luyện họ thực thi các vụ tấn công vào các địa điểm tại châu Âu vốn được đánh giá là không mấy khó khăn và tốn kém như trường học, nhà thờ…

Chính vì vậy, IS đã khá thành công trong việc chiêu mộ lực lượng chiến binh thánh chiến là người châu Âu gốc Ả Rập. Trong vụ tấn công thảm sát tại Paris, thủ phạm chính là những thanh niên người Bỉ và Pháp gốc Bắc Phi, lớn lên ở các vùng ngoại ô Paris và Brussels hấp thụ tư tưởng cực đoan qua internet hay sự rủ rê của bạn bè...

Sau đó, số tân binh này được sung vào hàng ngũ thánh chiến tại Syria. Tại đây, các đối tượng đó được huấn luyện, được tẩy não để củng cố niềm tin trước khi được đưa trở lại nơi họ từng sinh sống để thực hiện các vụ khủng bố.

Quý Cao (theo Le Monde)