1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

IS thách thức sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á

(Dân trí) - Asia Times ngày 28/1 đăng tải 1 bài viết của chuyên gia nổi tiếng Pakistan Salman Rafi Sheikh rằng việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS mở rộng địa bàn hoạt động sang Đông Nam Á đang thách thức nghiêm trọng đối với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

 

Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Jakarta của Indonesia (Ảnh: atimes.com)
Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Jakarta của Indonesia (Ảnh: atimes.com)

Sau vụ tấn công khủng bố thủ đô Jakarta gần đây, nhiều người đặt câu hỏi tại sao tổ chức khủng bố IS, vốn bị tan tác dưới làn đạn không kích của Nga và phương Tây, lại có thể thiết lập cơ sở tại khu vực Đông Nam Á, nơi Bắc Kinh đang tăng cường sự ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị.

Theo chuyên gia Salman Rafi Sheikh, các chiến dịch tiêu diệt IS của phương Tây và Nga tại Syria, Iraq và Li-băng dù trực tiếp hay gián tiếp đã khiến IS phải thiết lập địa bàn hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. Điều này có thể gây gián đoạn hay gây phương hại lớn nhất cho sự ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại khu vực.

Vụ tấn công khủng bố tại Jakarta diễn ra trong bối cảnh Indonesia đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc và Indonesia có những cách đặt vấn đề về Biển Đông, thì Jakarta đang rất cẩn trọng và hầu như tránh can dự sâu cùng với phía Mỹ tại khu vực vùng biển trên.

Thay vì ủng hộ chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ, Indonesia chọn tăng cường quan hệ với Bắc Kinh. Bằng chứng là quyết định của Jakarta cho phép Trung Quốc tham gia xây dựng dự án đường sắt trị giá 5,5 tỷ USD tại Indonesia. Tuy nhiên, sự chuyển dịch địa bàn hoạt động của IS tại Indonesia đã gây ra những lo ngại về chính trị đáng kể trong khu vực, theo chuyên gia Salman Rafi Sheikh.

Việc mở rộng địa bản của IS sang Indonesia hay tại Đông Nam Á có mối quan hệ mật thiết với tổ chức khủng bố IS tại Syria. Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Panjaitan cho biết tổ chức IS đã rót khoảng 100.000 USD cho các tên khủng bố tại Indonesia.

Trong số các cường quốc phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ việc ủng hộ các nhóm phiến quân trong khu vực chống lại Trung Quốc. Theo các nguồn tin, mạng lưới khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ-Duy Ngô Nhĩ, ngoài việc gia tăng bạo lực trên khắp đất nước Trung Quốc, còn vận chuyển các phiến quân khủng bố từ vùng Tân Cương của Trung Quốc, xuyên qua vùng Đông Nam Á và cuối cùng là đến Thổ Nhĩ Kỳ để tập luyện và tham gia thánh chiến ở Syria. Mạng lưới khủng bố này đã đã tìm đường vận chuyển qua Thái Lan. Vụ việc được đưa ra ánh sáng sau khi Thái Lan bắt giữ hơn 100 người Ngô Duy Nhĩ và sau đó trục xuất trở về Trung Quốc vào tháng 7/2015 theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Một tháng sau đó, các phần tử “sói xám” được cho là nhóm khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng sau vụ nổ bom đẫm máu tại một ngôi đền ở thủ đô Bangkok, khiến ít nhất 20 khách du lịch Trung Quốc thiệt mạng, theo tác giả bài báo. Không chỉ dừng lại ở đó, việc tấn công vào khách du lịch Trung Quốc tại Thái Lan rõ ràng là nhằm mục đích gây phương hại cho quan hệ kinh tế-quân sự giữa Thái Lan và Trung Quốc. Thái Lan gần đây đã mua nhiều vũ khí của Trung Quốc, trong đó có một số tàu ngầm. Hiện Thái Lan đang sở hữu các tàu chiến do Trung Quốc sản xuất và xe bọc thép. Năm ngoái Thái Lan và Trung Quốc còn tham gia tập trận đầu tiên.

Trong khi truyền thông phương Tây đang đổi lỗi cho mạng lưới khủng bố người Duy Ngô Nhĩ thay vì các phần tử khủng bố “sói xám” cho cuộc tấn công khủng bố Bangkok, đã có các nguồn tin cho hay chính các phiến quân khủng bố hoạt động từ Trung Đông đã cải trang thành người Duy Ngô Nhĩ để đánh lừa dư luận.

Về hoạt động của IS tại Đông Nam Á, theo một báo cáo chính thức của Indonesia, có khoảng 1.000 phần tử ủng hộ IS. Ngoài ra, còn có 200 tay súng người Indonesia đã đến Syria để tham chiến trong hàng ngũ IS. Tại Malaysia, có hàng trăm tay súng được cho là tham gia IS tại Syria và Iraq. Còn theo Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, ít nhất có 450 người gốc Indonesia và Malaysia bao gồm phụ nữ và trẻ em đang sinh sống tại Iraq và Syria hiện nay.

Thông điệp chống Trung Quốc đã được IS đưa ra trong một ca khúc mới bằng tiếng Hoa vào tháng 12 năm ngoái với mục tiêu kích động những tay súng và phần tử ủng hộ cho sự hiện diện lớn hơn của IS tại khu vực.

Vũ Duy

Theo Asia Times